Đường dẫn truy cập

Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới trong ngày 26 tháng Tám


Hà Nội chứng kiến chỉ số chất lượng không khí ở mức tồi nhất thế giới hôm 26/8/2019
Hà Nội chứng kiến chỉ số chất lượng không khí ở mức tồi nhất thế giới hôm 26/8/2019

Thủ đô Việt Nam chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí nhất thế giới hôm 26/8, theo báo Người Đưa Tin và diễn đàn mang tên Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng.

Hai trang mạng kể trên cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội thường xuyên trên 200, là mức “cực kì có hại” cho sức khỏe. Trong khi đó, cùng ngày, hai thủ đô của Trung Quốc và Indonesia là Bắc Kinh và Jakarta lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3, nhưng chỉ số AQI của cả hai đều dưới 200.

AQI là chỉ số đánh giá chất lượng không khí theo khu vực, giúp nhận biết không khí ở khu vực đó trong lành hay ô nhiễm đến mức nào, ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao.

Trang Người Đưa Tin tường thuật rằng ngay từ sáng sớm ngày 26/8, nhiều tuyến đường phố ở Hà Nội và một số tỉnh thuộc Bắc Bộ chìm trong bầu không khí “giống sương mù dày đặc”, khiến tầm nhìn xa bị hạn chế.

Sau buổi trưa sang đến chiều, nhiều người đi đường “vẫn phải bật đèn pha” để đảm bảo cho việc đi lại của họ được thuận lợi, bài báo cho biết.

Hai trang tin của Lao Động và Kenh14 cũng xác nhận rằng trong ngày 26/8, Hà Nội “chìm trong không khí đặc quánh, mù mịt khắp nơi”. Tại hầu hết các quận trong khu vực nội thành, không khí đều bị “ô nhiễm nghiêm trọng với hiện tượng mù dày đặc”, các bản tin cho hay.

Việc có luật để định hướng cho công tác quản lý chất lượng không khí cũng như bảo vệ môi trường không khí thì sẽ rất quan trọng, để giúp hạn chế những nguồn gây ô nhiễm, cũng như là có kế hoạch để cải thiện chất lượng không khí hiện tại để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenID

Ngày 27/8, một cuộc hội thảo về chất lượng không khí của Hà Nội đã diễn ra tại thành phố này, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Đại học Xây dựng và Trung tâm Sáng tạo Phát triển xanh (GreenID) tổ chức.

Tại hội thảo, bên cạnh việc xem xét thực trạng vấn đề ô nhiễm, các chuyên gia cũng bàn về những định hướng để tìm ra giải pháp.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng với tốc độ đô thị hóa “quá nhanh”, dân số tăng “ngoài kế hoạch”, hạ tầng xã hội tăng “không kịp với nhu cầu”, nên ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhất là khu vực nội thành có lúc đã “trở nên báo động”, theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam và BNews.

Một giải pháp được những người tham gia hội thảo nhấn mạnh là nhà nước nên ban hành chính sách riêng về bảo vệ môi trường không khí, ví dụ như Đạo luật không khí sạch, vẫn theo bản tin.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, nói với VOA về sự cần thiết phải có luật về không khí sạch:

“Việc có luật để định hướng cho công tác quản lý chất lượng không khí cũng như bảo vệ môi trường không khí thì sẽ rất quan trọng, để giúp hạn chế những nguồn gây ô nhiễm, cũng như là có kế hoạch để cải thiện chất lượng không khí hiện tại để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”.

Nữ giám đốc của GreenID nói thêm với VOA rằng tùy theo mức độ cụ thể của luật mới, đặc biệt là việc phân trách nhiệm cho các bên liên quan như thế nào, thực thi luật sao, mà Việt Nam có thể phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm để cải thiện tình hình sau khi có luật. Nhận định này được đưa ra căn cứ vào kinh nghiệm thực tế từ các quốc gia khác, bà Khanh nói, đồng thời cảnh báo rằng có những quốc gia cần khoảng thời gian “lâu hơn thế”.

Bà Khanh cũng thận trọng lưu ý rằng Việt Nam đến nay đã có “rất nhiều” quy định về bảo vệ môi trường song công tác thực thi “vẫn là khoảng trống lớn”, vì vậy, khi có luật mới, sẽ “đòi hỏi phải có đột phá và quyết tâm” trong việc thực hiện.

VOA Express

XS
SM
MD
LG