Đường dẫn truy cập

Hà Nội gỡ bớt hạn chế COVID, dân bớt quẫn bách


Ảnh tư liệu - Hà Nội/COVID-19 - Một chốt kiểm soát bị ùn ứ hôm 9/8/2021.A COVID-19 checkpoint in Hanoi on Aug. 9, 2021.
Ảnh tư liệu - Hà Nội/COVID-19 - Một chốt kiểm soát bị ùn ứ hôm 9/8/2021.A COVID-19 checkpoint in Hanoi on Aug. 9, 2021.

Chính quyền Hà Nội ngày 21/9 gỡ bớt những hạn chế vì COVID mà theo truyền thông quốc tế đã biến thủ đô của Việt Nam trở thành một “nhà tù lộ thiên” sau gần 2 tháng giãn cách với các loại trạm kiểm soát và giấy đi đường khác nhau. Người dân sau 60 ngày bị tù túng đã ùn ùn đổ về Hồ Gươm và các tuyến phố chính trong đêm Trung thu tối ngày 22/9.

Đối với nhiều người cao niên, việc thành phố cho phép người dân đi lại mà không cần giấy đi đường đã giúp họ giải toả được rất nhiều, đặc biệt là nỗi lo về bệnh tật khi phải giam mình trong nhà quá lâu.

Bà Nguyễn Thị Hương, một cư dân sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết từ đợt giãn cách thứ nhì hồi cuối tháng 8, chồng bà đã có những biểu hiện không bình thường. Thường mỗi buổi chiều ông đều đạp xe từ nhà ra Hồ Tây, tập thể dục và trò chuyện với bạn bè, nhưng từ khi có lệnh hạn chế ra đường hôm 24/7 ông đã tự giam mình trong nhà. Liên tục ở nhà cả tháng trời, ông cụ ngoài 70 sinh ra trầm cảm, lúc nhớ lúc quên, thậm chí việc nói năng cũng không còn rõ ràng như trước.

“Ông ấy lúc đấy hàng ngày ăn uống rất hiền lành, chả nói năng gì, khác hẳn với mọi khi. Nghe tiếng kẻng xe rác đi qua nhà thì ông ý giục tôi ‘Tiếng chuông chùa đấy, bà đi đổ rác đi’, rồi nói năng thì tiếng méo mó, khó có thể nghe ra được là cái gì,” bà Hương chia sẻ với VOA.

Bà cho biết dù nhắc nhở ông nhà tập thể dục, xem tin tức, đọc báo nhiều hơn để giữ tinh thần minh mẫn nhưng xem ra những biện pháp này cũng không mấy hiệu quả khi họ suốt ngày chỉ loanh quanh trong căn nhà hơn 40m vuông. Hơn tháng qua kể từ ngày ông cụ có biểu hiện không bình thường thực sự là quãng thời gian đầy căng thẳng và lo lắng của bà.

Hiện tại khi thành phố đã gỡ bớt hạn chế ra đường, dù chưa thể đạp xe lên Hồ Tây như mọi khi, nhưng ít ra ông cụ cũng được ra ngoài đi bộ, tập thể dục một chút và cũng có thể đi khám xem tình hình thế nào.

Bà Hương nói nếu tiếp tục giãn cách thì có khi chồng bà chưa chết vì Covid thì đã ngã bệnh do trầm cảm, tù túng khi phải giam mình trong nhà dài ngày.

Đối với những người ít tuổi hơn và có sức khoẻ tốt thì việc gỡ bỏ bớt giãn cách giúp giải toả rất nhiều căng thẳng và cho họ có cơ hội được trở lại làm việc, lao động để có thu nhập.

Anh Trần Minh Nguyên, một cư dân tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết do tình trạng giãn cách kéo dài, công ty vợ anh làm việc đã tuyên bố giải thể khiến nhiều người lao động mất việc trong đó có vợ anh. Suốt thời gian qua, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào công việc của anh tại một cơ quan nhà nước. Nếu cứ tiếp tục kéo dài giãn cách thì cuộc sống gia đình anh sẽ vô cùng khó khăn vì anh bảo lương viên chức nhà nước nuôi thân còn vất vả nói gì phải cáng đáng cả gia đình. Việc gỡ bỏ bớt hạn chế ra đường ít nhất cũng tạo cơ hội cho vợ anh có thể ra ngoài tìm một công việc tạm thời gì đấy, phụ giúp thêm cho anh.

“Còn đóng cửa tiếp thì doanh nghiệp chết hết chứ chẳng chơi. Thật sự thì bây giờ kiệt quệ lắm rồi, nên cũng phải mở cửa ra một chút cho người dân và doanh nghiệp thở một chút chứ cứ không thể đóng mãi được. Nhưng rồi cũng chưa biết thế nào,” anh Nguyên tâm sự.

Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid thấp nhất, với 29% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine và trên 7% dân số đã tiêm đầy đủ tính tới ngày 22/9, theo Our World in Data. Ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại quốc cảnh báo sẽ di dời sang các quốc gia khác nếu tình trạng phong toả vì đại dịch Covid ở Việt Nam tiếp tục kéo dài.

VOA Express

XS
SM
MD
LG