Đường dẫn truy cập

Hà Nội tính chi 2.700 tỷ đồng cho 3 dự án lịch sử-văn hóa; bị xem là ‘chưa cần thiết’


Thủ đô của Việt Nam dự kiến chi 2.734 tỷ đồng (tương đương 116,5 triệu đô la Mỹ) cho 3 dự án lịch sử, văn hóa trong giai đoạn từ nay đến 2025, đang gây ra các ý kiến trái chiều từ một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa.

Các báo trong đó có Tuổi Trẻ, Zing News đưa tin hôm 27/4 rằng một ban chuyên trách việc chỉnh trang, phát triển đô thị thuộc Thành ủy Hà Nội mới đây cho biết thành phố sẽ “tập trung nguồn lực để bảo tồn” một số địa danh, công trình lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quân sự, cột cờ Hà Nội; khu khảo cổ Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên; cầu Long Biên...

Trong số đó, dự án phục dựng Điện Kính Thiên sẽ được cấp tới 1.800 tỷ; dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu được chi 798 tỷ đồng ; và 136 tỷ đồng được dành cho dự án nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long.

Một bản tin của Zing News tường thuật rằng mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì một cuộc họp về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa. Tại đó, ông Dũng cho rằng dự án bảo tồn, tôn tạo hai khu di tích “có ý nghĩa rất quan trọng”.

Việc bảo tồn, tôn tạo có mục tiêu “phát huy nguồn lực văn hóa to lớn của Thăng Long-Hà Nội” cũng như “tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội”, ông Dũng, người có thực quyền ra quyết định cao nhất của thủ đô, nói.

Đầu tư lúc này có thích hợp hay không? Hay để thời gian mà chúng ta đẩy mạnh việc nghiên cứu nhiều hơn? Những công trình văn hóa mà chưa thiết thực ngay thì bao giờ người dân cũng lưỡng lự, e ngại...
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Vẫn vị bí thư thành ủy lưu ý rằng dự án tái hiện Điện Kính Thiên cần phải bảo đảm nguyên tắc “dựa trên cơ sở khoa học” và “đồng thuận cả trong nước và quốc tế”. Ông Dũng chỉ đạo rằng trong nhiệm kỳ 2020-2025 phải “hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, chuẩn bị trước những vật liệu quan trọng để khởi công xây dựng vào đầu nhiệm kỳ tới”, theo tin của Zing News.

Theo tìm hiểu của VOA, Điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất, tại đó diễn ra các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, hoặc là nơi thiết triều bàn việc quốc gia đại sự, cũng như là địa điểm để đón tiếp sứ giả nước ngoài.

Sử sách Việt Nam ghi rằng Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ, và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông (1442-1497).

Ít dữ liệu về Điện Kính Thiên

Trong hơn 20 năm trở lại đây, các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chắc chắn “mặt mũi Điện Kính Thiên đời Lý Trần” ra sao và việc thiếu dữ liệu sẽ làm cho công tác phục dựng “không thể chính xác 100%”, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, trong đó có Tuổi Trẻ.

Người tuyên truyền cảm giác như là đã đào được chỗ quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long là Tử Cấm Thành. Nhưng chỗ chúng ta đào được chỉ là Hoàng thành thôi, hơn nữa, nó còn nằm ở phía không quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Có chung mối lo đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói với VOA rằng Hà Nội chưa nên phục dựng Điện Kính Thiên vì nơi đã được khai quật và được gọi là Hoàng thành Thăng Long thực ra là một vị trí không quan trọng của Hoàng thành Thăng Long. Ông đưa ra dẫn chứng:

“Người tuyên truyền cảm giác như là đã đào được chỗ quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long là Tử Cấm Thành. Nhưng chỗ chúng ta đào được chỉ là Hoàng thành thôi, hơn nữa, nó còn nằm ở phía không quan trọng. Bởi vì ở trong đấy thấy cả xác những con thuyền, những đầm sen, những dòng sông. Nguyên tắc xây dựng Tử Cấm Thành là trong đấy không có sông. Rồi thì đào được 9 cái giếng. Trong Tử Cấm Thành, chỗ vua làm việc, là không thể nào có giếng nước. Rồi lại tìm thấy lò nung đồ gốm phục vụ riêng cho Cung Trường Lạc, bà hoàng đời Lê, thế thì nhất định không phải nơi quan trọng rồi”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ quan điểm với VOA rằng việc phục dựng di tích là một mục tiêu chính đáng về lâu dài, song ở thời điểm hiện tại ông đề nghị cần “thận trọng”, “cân nhắc kỹ lưỡng” vì 2 lý do chính là khả năng phục dựng bị hoài nghi và kinh tế đang khó khăn. Ông nói thêm:

“Đầu tư lúc này có thích hợp hay không? Hay để thời gian mà chúng ta đẩy mạnh việc nghiên cứu nhiều hơn? Những công trình văn hóa mà chưa thiết thực ngay thì bao giờ người dân cũng lưỡng lự, e ngại vì cũng có không ít câu chuyện về các dự án trùng tu mà đi đến tác dụng ngược lại”.

Hoàng Thành Thăng Long: Di sản văn hóa Thế giới
Hoàng Thành Thăng Long: Di sản văn hóa Thế giới

Chưa cần thiết, kém hiệu quả?

Có một điều khác làm tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện lo lắng về việc sử dụng hiệu quả hơn 2.700 tỷ đồng cho 3 dự án lịch sử, văn hóa của Hà Nội, bao gồm việc phục dựng Điện Kính Thiên, đó là những dự án kém hiệu quả trong quá khứ chưa xa của Hà Nội.

Ở Hà Nội, nơi xấu nhất chính là Bảo tàng Hà Nội. Từ khi khánh thành đến nay, hiện vật trong đấy rất nghèo nàn, không có gì mà xem cả. Bảo tàng mà vắng như chốn không người.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Ông nêu ra 2 ví dụ là Bảo tàng Hà Nội - có hình kim tự tháp lộn ngược bị cho là nhái theo một mẫu nhà ở Thượng Hải, Trung Quốc - và Công viên Hòa Bình:

“Ở Hà Nội, nơi xấu nhất chính là Bảo tàng Hà Nội. Từ khi khánh thành đến nay, hiện vật trong đấy rất nghèo nàn, không có gì mà xem cả. Bảo tàng mà vắng như chốn không người. Để khắc phục, họ cho thuê làm đám cưới, làm chợ đồ cũ vào cuối tuần, làm bãi đỗ xe, gần đây người ta nuôi chim và thú trong đấy nữa. Công viên Hòa Bình cũng thế, xây xong một thời gian thì hỏng và xuống cấp rất nhanh”.

Ông Diện lưu ý rằng số tiền đầu tư vào Bảo tàng Hà Nội là 2.700 tỷ đồng ở thời điểm khánh thành năm 2010, có giá trị hơn cùng số tiền ở thời điểm năm nay.

Từ góc nhìn của mình, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét rằng Bảo tàng Hà Nội chưa hoàn chỉnh, chưa phát huy hiệu quả do có một số vấn đề, bao gồm cả cơ chế:

“Cái người xây vỏ và người xây ruột nó lại chênh nhau. Cái anh xây dựng cứ xây dựng nhưng chả biết trong ruột sẽ đựng cái gì. Đấy là cái hiện nay đang tồn tại trong các công trình liên quan đến văn hóa. Đấy là bài học nhắc nhở rằng phải rất thận trọng, không thì xây xong cái vỏ mà không hoàn thiện được cái ruột thì là sự lãng phí lớn”.

Nên ưu tiên những việc khác

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cần làm tốt bãi rác Nam Sơn và bãi rác Xuân Sơn, giải tỏa dân, đền bù công bằng và đúng, để dân không bao giờ biểu tình, chặn xe rác cả, để rác Hà Nội luôn được tiêu hủy một cách khoa học, văn minh. Đấy là cái thành công nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất rằng lãnh đạo Hà Nội nên dùng hàng nghìn tỷ đồng để làm những việc đáng ưu tiên hơn:

“Lãnh đạo thành phố Hà Nội cần làm tốt bãi rác Nam Sơn và bãi rác Xuân Sơn, giải tỏa dân, đền bù công bằng và đúng, để dân không bao giờ biểu tình, chặn xe rác cả, để rác Hà Nội luôn được tiêu hủy một cách khoa học, văn minh. Đấy là cái thành công nhất. Thứ hai là một số điểm nóng ngập lụt phải xử lý. Thứ ba là các dòng sông. Hà Nội được mệnh danh là thành phố sông hồ. Hà Nội đã để cho các sông chảy trong nội thành quá là bẩn, quá là hôi thối. Các ông giải quyết những cái đó đi”.

Những dự án quốc kế dân sinh như vậy khó khăn, cần nhiều nỗ lực nhưng cải thiện đời sống người dân, có ý nghĩa to lớn, nên chi tiền cho những việc đó, tiến sĩ Diện nói.

VOA cố gắng liên lạc với lãnh đạo Hà Nội để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không kết nối được.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG