Đường dẫn truy cập

Google phản hồi thông tin của Hà Nội về việc mở văn phòng đại diện tại VN


Google nói phải "cân nhắc rất nhiều yếu tố khác nhau" trước khi quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Google nói phải "cân nhắc rất nhiều yếu tố khác nhau" trước khi quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Mặc dù “hào hứng” với cách người Việt sử dụng công nghệ nhưng Google cho biết hiện “chưa có thông tin về việc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam”, bộ phận truyền thông của Google trả lời báo chí hôm 12/12 sau khi trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam một ngày trước đó loan tin đại công ty công nghệ này “đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

“Chúng tôi luôn hào hứng khi thấy cách các doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều yếu tố khác nhau trước khi quyết định mở văn phòng đại diện và hiện nay chưa có thông tin để công bố về việc này”, người phát ngôn của Google trả lời qua email cho Reuters.

Trước đó, bản tin trên trang chinhphu.vn tường thuật về cuộc gặp của Phó Chủ tịch Google, Kent Walker, với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vào chiều 11/12, nói rằng “Google đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam trên nguyên tắc chung của tập đoàn này là bảo đảm các quy định ở các nước sở tại không trái với cam kết quốc tế”.

Bản tin đã được các hãng thông tấn quốc tế dẫn lại, gây chú ý trong dư luận giữa bối cảnh luật An ninh mạng mới thông qua của Việt Nam đang bị quốc tế chỉ trích. Nhiều chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ, các tổ chức nhân quyền và các công ty công nghệ lớn trên thế giới đều phản đối luật này vì cho rằng luật vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người sử dụng.

Luật An ninh mạng mới yêu cầu tất cả các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng xã hội, email, video, tin nhắn, trò chơi, ngân hàng, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử… tại Việt Nam phải đặt văn phòng và lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, các công ty cũng được yêu cầu phải lưu trữ các thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ như họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính, sức khỏe, quan điểm chính trị, mối quan hệ xã hội, sinh trắc học… và phải cung cấp cho giới hữu trách khi có yêu cầu.

Cả Google lẫn Facebook, hai nền tảng chính được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, đặc biệt trong giới bất đồng chính kiến, đều không có văn phòng đại diện hay cơ sở lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Hai đại công ty này đã hoãn lại yêu cầu nội địa hóa dữ liệu của Việt Nam, theo Reuters.

Tháng trước, Bộ Công an Việt Nam công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng để lấy ý kiến đóng góp, trong đó nói rằng trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu, các doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Nếu được thông qua, dự thảo Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

VOA Express

XS
SM
MD
LG