Đường dẫn truy cập

Giúp đỡ người tị nạn Syria tại Chicago


Em Samaa Marza, 8 tuổi, một người tị nạn Syria.
Em Samaa Marza, 8 tuổi, một người tị nạn Syria.

Hoa Kỳ cam kết định cư 85.000 người tị nạn trên toàn thế giới vào tháng 10 năm nay. Trong con số này, 10.000 người tị nạn sẽ đến từ Syria và hiện có khoảng 4.000 người tị nạn Syria đã đến Mỹ, nhiều người định cư tại tiểu bang Illinois. Trong tuần lễ thứ hai sống tại Chicago, bà Hasna Marza và cô con gái 8 tuổi Samaa chứng kiến cảnh bầu trời đêm nơi bà cư ngụ rực sáng.

Bà Marza nói: “Vào Ngày lễ Độc lập, tại đây, có nhiều pháo bông và tiếng nổ, và lúc đầu chúng tôi ở trong nhà rất sợ, nhưng sau đó tôi biết đó là pháo bông do đó tôi mở cửa sổ và chỉ cho Samaa thấy đó chỉ là pháo bông, và không giống như chúng tôi đang chứng kiến chiến tranh, chúng tôi không phải có mặt tại Syria.”

Họ đã sống trong cảnh chiến tranh tại căn nhà ở ngoại ô Damacus. Kinh nghiệm chiến tranh làm cho em Samaa lúc ấy 4 tuổi, bị chấn thương.

Em Samaa Marza nói: “Lúc đó chúng tôi bị kẹt giữa hai lằn đạn, và chúng tôi xuống tầng hầm, và một quả rốc-két rơi trúng một tầng khác, nhưng chúng tôi an toàn.”

Trong nỗ lực trốn khỏi Syria lần thứ ba, Hasna và Samaa đến được Ai Cập và hai mẹ con chờ tại đây vài năm trước khi đến Mỹ vào tháng 6 năm nay.

Bà Melineh Kano, giám đốc điều hành của tổ chức Refugee One nói:

“Chương trình định cư người tị nạn tại Mỹ không phải là một chương trình nhanh chóng.”

Bà Melineh Kano là người đứng đầu tổ chức Refugee One giúp bà Hasna và con gái tái định cư. Bà hiểu được những khó khăn của hai mẹ con vì bà là người Armenia và trốn khỏi Iran trong những năm 1980.

Bà nói: “Khi bạn phải giao dịch với những cá nhân hãy còn bị sốc vì những gì xảy ra cho họ về phương diện tâm thần và thể chất, thì họ chưa sẵn sàng bắt tay vào làm việc.”

Do đó tổ chức Refugee One đã giúp những người tị nạn tìm việc làm, tìm nơi ăn chốn ở, và hướng dẫn về những vấn đề người tị nạn phải đối phó.

Tổ chức này dựa vào tiền tài trợ của chính phủ, quà tặng của những cá nhân để đáp ứng được nhu cầu của những người tái định cư trong đó có nhiều người như bà Hasna và con gái Samaa.

Bà Kano nói: “Cho đến tháng 4, tôi nghĩ là chúng tôi đã lo cho hơn 20 gia đình nhưng hiện nay chúng tôi có 60 gia đình phải chăm sóc.”

Bà Kano nói con số này có thể lên đến 150 gia đình vào tháng 10 năm nay.

Trong lúc đang kiếm việc làm, bà Hasna theo học những lớp tiếng Anh của Refugee One.

Dù chồng bà chết trước khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu, nhưng những người thân khác trong gia đình bà hiện đang sống trong vòng chiến tranh. Bà Marza trông mong một ngày nào đó những người này sẽ xum họp với bà tại Mỹ.

“Sẽ thật là một điều tuyệt vời, nhưng tôi không biết việc này có thể xảy ra hay không.”

Có khoảng 5 triệu người trốn khỏi cuộc nội chiến Syria và ghi danh với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Không đến 1% số người này sẽ đến Mỹ.

Kể từ năm 1975, hơn 3 triệu người tị nạn đã được tái định cư tại Hoa Kỳ. Chương trình tái định cư người tị nạn tại Mỹ đang ngày càng tăng và càng ngày càng có nhiều người tị nạn trốn khỏi bạo động, xáo trộn và chiến tranh tại Trung Đông. Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với người tị nạn là làm thế nào có thể tự túc được. Thông tín viên Đài VOA Kane Karabaugh tường trình về một công ty tại Chicago giúp người tị nạn như thế nào.

Những hộp bánh phó-mát của công ty Eli.
Những hộp bánh phó-mát của công ty Eli.

Ông Eli Schulman, đã qua đời, có một câu kinh nhật tụng.

Con ông là ông Marc Schulman, hiện là chủ tịch công ty bánh phó-mát Eli nói:

“Bố tôi luôn luôn nói ‘từ thiện sẽ không bao giờ làm bạn phá sản.’”

Đó là cách thức ông Schulman điều hành nhà hàng và cuối cùng trở thành công ty Bánh Phó-mát Eli của ông. Và loại bánh này trở thành một món tráng miệng được các tài tử điện ảnh ưa chuộng.

Ông Schulman nói: “Tôi hãnh diện đeo đồng hồ hiệu Cartier ca sĩ Sinatra gởi tặng bố tôi vào năm 1987. Chúng tôi cũng làm bánh sinh nhật thứ 50 cho bà Hillary Clinton khi bà có mặt tại Chicago cùng với tổng thống Clinton lúc đó.”

Trong khi nhiều sản phẩm của ông Schulman có mặt trong thực đơn của các nhà hàng, và trong ngăn đông lạnh của các tiệm bán thực phẩm trong nước, ít người thưởng thức bánh phó-mát của ông Schulman nhận thức được rằng bí mật của sự thành công của công ty Eli không phải là bánh này được làm bằng tay như thế nào, nhưng chính là những bàn tay góp phần trong việc tạo ra sản phẩm.

Ông Marc Schulman nói: “Mọi người luôn luôn nói, ông có biết không, công ty ông là một công ty tốt vì ông thuê mướn những người tị nạn, và tôi nói, không chúng tôi là một công ty khôn khéo.”

Người tị nạn đại diện khoảng 15% lực lượng lao động gần 220 người của công ty Eli. Trong số đó có ông Elias Kasonga. Ông Kasonga đến làm việc tại Eli sau khi trốn khỏi những xáo trộn tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1990.

Ông Kasonga nói: “Tôi là một sinh viên tại Trường đại học Lubumbashi và nhà độc tài Mobutu và chế độ của ông ta đến và tàn sát sinh viên, và tôi không có cách lựa chọn nào khác là trốn khỏi Congo.”

Một việc làm tại Eli là tất cả những gì ông Kasonga có được để bắt đầu một cuộc sống mới tại Mỹ.

Ông Kasonga nói tiếp: “Tôi không có bằng cấp, tôi không có kinh nghiệm, căn bản tôi không có gì cả, cũng không có kỹ năng nào. Một công ty như Eli liều lĩnh thuê tôi, và do đó cá nhân tôi phải làm hết sức mình có thể được.”

Ông Kasonga hiện là người quản lý về mua bán tại Eli, và là một thành viên trong hội đồng quản trị của Refugee One, một tổ chức bất vụ lợi giúp các người tị nạn bắt đầu một cuộc sống mới tại Mỹ.

Trong 25 năm qua, hàng trăm người tị nạn tìm được việc làm tại công ty Eli. Việc này đã khiến cho công ty được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ông Fllippo Grandi công nhận trước đây trong năm. Ông Schulman nói công ty ông về phương diện nào đó tượng trưng cho Liên Hiệp Quốc.

“Khi bạn vào nơi làm bánh, bạn sẽ thấy nhiều đợt người tị nạn đến đây, từ Bosnia, hay từ Congo hoặc Iraq đến.”

Ông Schulman đang chuẩn bị đón nhận một đợi người tị nạn khác từ Syria đến, nếu họ muốn và đủ điều kiện-để làm việc trong khu làm bánh của ông.

Tổng thống Barack Obama có kế hoạch tái định cư khoảng 10.000 người tị nạn Syria tại Mỹ vào tháng 10 năm nay, và nhận thêm nhiều người nữa vào năm 2017. Hàng trăm người tị nạn Syria dự trù sẽ đến Chicago…cùng một cách thức như gia đình ông Eli Schulman đến cách đây hơn 100 năm.

Ông Marc Schulman nói về bố mình: “Bố mẹ, anh chị em của ông đến từ Đông Âu…Nga, Ba Lan…và họ đến Mỹ với tư cách là người tị nạn vào năm 1907.”

Đó là lý do tại sao ông Marc Schulman nói làm việc với người tị nạn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ làm việc từ thiện…Điều này có trong dòng máu của ông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG