Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động Việt Nam tham gia Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023


Linh mục Nguyễn Văn Khải phát biểu tại Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit 2023) tại thủ đô Washington DC, ngày 31/1/2023.
Linh mục Nguyễn Văn Khải phát biểu tại Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit 2023) tại thủ đô Washington DC, ngày 31/1/2023.

Gần 30 nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam và hải ngoại đang tham gia Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023 (IRF) tại thủ đô Washington từ ngày 31/1 đến 1/2 trong nỗ lực tiếp tục đánh động dư luận quốc tế về vấn đề vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền Việt Nam.

Cũng tham dự Hội nghị IRF Summit 2023 là nhiều nhân vật nổi tiếng và giới chức lãnh đạo quốc tế như Chủ tịch Quốc hội Đài Loan, Thủ tướng Cộng hoà Slovakia, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, Giám Đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, lãnh đạo khối thiểu số trong Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, và nhiều lãnh đạo của các giáo hội khắp thế giới.

Các tín đồ Cao Đài độc lập tại Hoa Kỳ tham dự Hội nghị IRF Summit 2023 tại thủ đô Washington DC, ngày 31/1/2023.
Các tín đồ Cao Đài độc lập tại Hoa Kỳ tham dự Hội nghị IRF Summit 2023 tại thủ đô Washington DC, ngày 31/1/2023.

Là một diễn giả tại IRF Summit 2023, linh mục Phê rô Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, hiện đang du học và làm việc tại Rome, chia sẻ với VOA về thông điệp ông gửi đến hội nghị lần này:

“Tôi gửi đến hội nghị thông điệp rằng Việt Nam hiện nay dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản, các tôn giáo không có tự do và quyền con người không được tôn trọng; các tôn giáo đang bị nhà cầm quyền đàn áp hoặc khống chế hoặc là làm cho tha hóa, biến chất; tín đồ của các tôn giáo không được tự do thực hành niềm tin của mình và không được đối xử một cách bình đẳng trong đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục…”

Linh mục Nguyễn Văn Khải tại IRF Summit 2023
Linh mục Nguyễn Văn Khải tại IRF Summit 2023

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam phát biểu bằng tiếng Anh tại Hội nghị vào sáng ngày 31/1:

“Chính quyền [Việt Nam] là kẻ biến tôn giáo thành công cụ thống trị của mình”.

“Chế độ Cộng sản hiện nay ở Việt Nam thực chất là một tổ chức mafia đỏ. Họ cấu kết với tư bản trong và ngoài nước để cướp đoạt tài sản của người dân và bóc lột người lao động thông việc buôn người ẩn kín”.

Một ngày trước khi diễn ra phiên họp chính thức, các nhà vận động cho tự do tôn giáo Việt Nam có cuộc gặp gỡ với nhân viên của các thượng nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ để lên tiếng cho tự do tôn giáo và các tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Phái đoàn này bao gồm đại diện cho chi phái Cao Đài 1926 đến từ các tiểu bang California, Massachusetts, Rhodes Island, và Texas; bà Tanya Đỗ-Nguyễn, đại diện Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ; và linh mục Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Có mặt tại Hội nghị lần này, quyền chánh trị sự Lê Phú Hữu thuộc Thánh thất và Điện thờ Phật mẫu Mountain View, Dallas, bang Texas, nơi được xem là thành trì của các tín đồ Cao Đài gốc 1926, độc lập với Hội thánh Cao Đài 1997 được chính quyền Việt Nam hậu thuẫn, chia sẻ các nội dung tham luận của ông:

“Tôi đại diện cho các anh em ở Việt Nam vì kỳ này anh em bên đó không qua được, tôi tường trình về các sinh hoạt trong năm qua. Những người ở Việt Nam sau khi tham dự hội nghị tháng 6/2022, cô Chánh Trị sự Nguyễn Xuân Mai về đến phi trường thì công an phi trường cô lập cô trong một phòng riêng để khám xét cơ thể cô…”

“Và chính những sự kiện này đã đưa đến sự quan tâm của Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào dạng theo dõi”.

“Hiền huynh Phó Chánh Trị sự Nguyễn Ngọc Diến cũng vậy, sau khi đi Indonesia dự hội nghị [tháng 11/2022] về thì cũng bị mời mọc, tra hỏi, xét hỏi…”

“Nhà nước Việt Nam cũng đã thấy được sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ và của Liên Hiệp Quốc vì vậy họ không có sự khủng bố, đàn áp như hồi xưa nữa, nhưng họ cũng làm việc như vậy nhưng không có sự bạo hành trong đó, chứng tỏ rằng họ cũng có phần nhún nhường về sự quan tâm theo dõi của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như của LHQ”.

Góp chung tiếng nói với ông Lê Phú Hữu từ Thánh thất và Điện thờ Phật mẫu Mountain View, ông Bùi Văn Quan, chia sẻ nhận định cá nhân của ông với VOA về sức ảnh hưởng của chính quyền Việt Nam đối với chi phái Cao Đài độc lập ở hải ngoại:

“Họ đưa bàn tay nối dài ra ngoài này sau khi đã chiếm được Tòa thánh Tây Ninh cũng như 300 thánh thất ở Việt Nam. Bây giờ họ muốn đồng hóa đạo Cao Đài, bắt đầu đưa bàn tay nối dài ra ngoài này”.

“Chúng tôi dùng luật pháp Hoa Kỳ để không cho họ dùng mọi âm mưu để tiêu diệt đạo Cao Đài 1926”.

IRF Summit 2023 kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa và Mục sư Y Pum Bya.
IRF Summit 2023 kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa và Mục sư Y Pum Bya.

Linh Mục Nguyễn Văn Khải nhắc lại sự can thiệp của chính quyền đối với việc đòi công lý cho nạn nhân của vụ xả độc gây ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền trung vào năm 2016:

“Ban lãnh đạo công ty Formosa đi đêm với nhà cầm quyền cộng sản để chối bỏ trách nhiệm đền bù một cách công bằng cho người dân. Tôi thấy đó là một tội ác, một sự bất công rất lớn”.

“Một số người dân đã tham gia bảo vệ quyền sống của mình, bảo vệ công lý và sự thật, bảo vệ môi trường thì đã bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp dã man và họ đã bắt bớ nhiều người liên quan, đặc biệt là thanh niên công giáo đã tham gia viết nhiều bài báo để lên tiếng về vụ Formosa là anh Nguyễn Văn Hóa và anh đã bị bắt và bị nhà cầm quyền cộng sản kết án 7 năm tù”.

“Đó là điều không thể tưởng tượng nổi trong thế giới văn minh hiện đại này! ... Đấy là việc không thể chấp nhận được, đó là một tội ác!”.

Bà Loan Nguyễn đến từ bang Virgina, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Đức tin và Công lý ở Việt Nam, trao đổi với VOA về kỳ vọng của bà khi tham gia hội nghị này:

“Chúng tôi rất hãnh diện có dịp nói chuyện với tất cả anh chị em, những người có ý nguyện, và mong muốn Việt Nam được một chút tự do, và Việt Nam được bình an qua sự sống, hạnh phúc, không phải vất vả như bây giờ”.

Với sự điều phối của tổ chức phi chính phủ BPSOS có trụ sở ở Mỹ, các nhà hoạt động sẽ tham gia hội thảo về ngôn ngữ hận thù và kích động bạo lực ở Việt Nam; hội luận bàn tròn về đại sách lược để khôi phục Hội Thánh Cao Đài; hội luận về ý nghĩa của việc Việt Nam bị Hoa Kỳ đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt, họp báo về tù nhân lương tâm tôn giáo Việt Nam, hội thoại về tự do tôn giáo và tinh thần liên thông đa tôn giáo ở Việt Nam… trong số hàng loạt các sự kiện khác.

Chân dung tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển được trưng bày tại Hội nghị IRF Summit 2023.
Chân dung tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển được trưng bày tại Hội nghị IRF Summit 2023.

Dự kiến vào tối ngày 31/1, các nhà hoạt động tự do tôn giáo Việt Nam sẽ tổ chức một buổi lễ cầu nguyện đa tôn giáo cho tất cả những ai chỉ vì mang một niềm tin hoặc tranh đấu cho quyền tự do về lương tâm và tư tưởng mà bị tước đoạt mạng sống, bị khủng bố hoặc chịu cảnh tù đày.

Đây là lần thứ hai, phái đoàn Việt Nam tổ chức buổi cầu nguyện này. Buổi cầu nguyện lần thứ nhất đã diễn ra bên lề hội nghị IRF Summit 2022 vào tháng 6 năm ngoái, cũng được tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một liên minh mạnh mẽ gồm các tổ chức hoạt động cùng nhau vì mục tiêu tự do tôn giáo trên toàn thế giới bằng cách nâng cao nhận thức cộng đồng và sức mạnh chính trị cho phong trào tự do tôn giáo quốc tế”, Ủy ban tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh IRF 2023 cho biết trong một thông cáo báo chí.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ chuyện sách nhiễu các tín đồ tôn giáo độc lập hay đàn áp tự do tôn giáo.

Trong một văn bản phản hồi đề nghị bình luận của VOA vào tháng 11/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG