Đường dẫn truy cập

Giải pháp nào cho tranh chấp Biển Đông?


Tiền đồn do Trung Quốc xây dung ở quần đảo Trường Sa
Tiền đồn do Trung Quốc xây dung ở quần đảo Trường Sa

Đàm phán giữa các bên liên quan theo luật pháp quốc tế hay tham khảo kinh nghiệm nhờ trọng tài phán xử từ các tranh chấp chủ quyền khác trên thế giới là những giải pháp giúp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình phù hợp với nguyện vọng của tất cả các bên, theo các ý kiến đưa ra tại một hội thảo mới đây tại Mỹ.

Các học giả quốc tế đã đưa ra những đề xuất và so sánh vừa kể tại phiên thảo luận về giải quyết tranh chấp tại Hội thảo thường niên về Biển Đông lần thứ 8 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức vào cuối tháng Bảy vừa qua ở Washington.

‘Kiên trì đàm phán’

Ít nhất đó cũng là lập trường của Việt Nam, theo như trình bày của ông Đỗ Thanh Hải đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Theo ông Hải, để có giải pháp chung cuộc đối với tranh chấp trên Biển Đông thì Hà Nội sẽ theo đuổi con đường ‘kiên trì đàm phán’ với các bên có tranh chấp như Trung Quốc, Philippines và Malaysia.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hà Nội không gạt sang một bên biện pháp pháp lý giống như Manila đã từng kiện Bắc Kinh ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) hồi năm 2014. Ông Hải cho biết Hà Nội ủng hộ vụ kiện của Manila và bảo lưu quyền của mình sử dụng biện pháp pháp lý tương tự.

Về khả năng đàm phán, ông Hải chỉ ra kinh nghiệm của Hà Nội trong việc đàm phán các vấn đề nhạy cảm và khó khăn trên các hồ sơ phân định biên giới trên bộ với Lào, Campuchia và trên biển với Thái Lan, Indonesia. Riêng với Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ. Tất cả các hồ sơ tranh chấp này của Việt Nam đều được giải quyết trong hòa bình.

Do đó, ông Hải cho rằng Hà Nội ‘là nước đi đầu trong khu vực’ trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Theo đó, Hà Nội theo đuổi giải pháp ‘công bằng, lâu dài và chấp nhận được’ và xem đó là con đường để đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực.

Trong khi chờ đợi có được giải pháp lâu dài đó, Việt Nam cũng sẵn sàng chấp nhận những giải pháp tạm thời nhưng ‘thỏa đáng’, ông Hải nói và nhấn mạnh nguyên tắc ‘thỏa đáng’.

Giải pháp tạm thời này bao gồm hợp tác trên những vấn đề không nhạy cảm như tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ môi trường và hợp tác cùng khai thác.

Riêng trên vấn đề hợp tác cùng khai thác (dầu khí) mà Bắc Kinh lâu nay vẫn vận động các nước thực hiện theo nguyên tắc của họ là ‘gạt bỏ tranh chấp, hợp tác cùng khai thác, chủ quyền thuộc về chúng ta (Trung Quốc)’, ông Hải nhấn mạnh rằng Việt Nam không hợp tác cùng khai thác ở những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà chỉ ở những vùng biển có chủ quyền chồng lấn. Ngoài ra, Hà Nội chỉ hợp tác cùng khai thác sau khi dùng luật pháp quốc tế xác định rõ ràng vùng biển nào có chủ quyền chồng lấn.

Nguyên tắc cơ bản của Việt Nam khi theo đuổi con đường đàm phán cũng như giải pháp tạm thời, theo ông Hải, là bám theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS 1982, còn những yếu tố khác chỉ mang tính bổ sung và chỉ có giá trị tham vấn. Điều này trái với lập trường của Trung Quốc là ‘chủ quyền lịch sử’ đối với Biển Đông vốn không có căn cứ trên luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng để đàm phán thành công thì các bên cần phải ‘kiên trì’, ‘kiềm chế’, ‘có thiện chí’ và ‘có lòng tin’. Các bên cần phải tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau cũng như kiểm soát tình cảm dân tộc cực đoan, kích động hận thù, bài ngoại của người dân trong nước vốn gây cản trở cho quá trình đàm phán.

“Chúng ta đã thấy tinh thần dân tộc (cực đoan) tai hại như thế nào đối với mỗi nước trong quá trình tìm cách giải quyết tranh chấp,” ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ ra những trở ngại đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình: thiếu trách nhiệm và thiếu thiện chí, mưu cầu bá quyền thông qua việc quân sự hóa để tạo ‘sự đã rồi’, khăng khăng đòi hợp tác cùng khai thác không đúng nơi, không đúng trình tự (trước khi có phân định biên giới rõ ràng) và tuyên bố chủ quyền phi pháp (đường chín đoạn và đòi hỏi vùng biển tối đa cho những thực thể không đủ điều kiện theo luật quốc tế).

“Giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông là có thể,” ông Hải nói. “Chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét ngay bây giờ và làm càng sớm càng tốt.”

Để đàm phán thành công, ông Hải nói Việt Nam ‘ủng hộ mạnh mẽ’ vai trò của khối ASEAN trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho đàm phán.

“Cần nhượng bộ”

Trao đổi với VOA bên lề hội thảo, ông Bill Hayton, cựu nhà báo của BBC và hiện đang là học giả của Viện Chatham House ở London, Anh quốc, cũng cho rằng đàm phán để giải quyết tranh chấp là con đường ‘không phải là không khả dĩ’.

Để đàm phán thành công, ông Hayton cho rằng các bên tranh chấp cần phải có nhượng bộ về chủ quyền. Đơn cử như trường hợp của Việt Nam, ông Hayton nói rằng nước này ‘không thể cứ khăng khăng cho mình là nước có chủ quyền hợp pháp với các bãi đá và bãi cạn trên Biển Đông’.

Việt Nam và Philippines hiện có tranh chấp chủ quyền với một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Hà Nội không có giọng điệu gay gắt với Manila về các tranh chấp này và trên thực tế hai nước đã có những hành động phối hợp với nhau để cùng đối phó với Trung Quốc.

Ông Hayton cho rằng Việt Nam cần phải thỏa thuận với Philippines rằng họ có công nhận chủ quyền của nhau đối với các hòn đảo mà mỗi bên hiện đang nắm giữ hay không. Một khi đã nhượng bộ nhau về đảo thì từ đó các nước sẽ căn cứ vào UNCLOS để phân định sở hữu đối với vùng biển liên quan và các tài nguyên trong đó. Sau đó, hai nước sẽ tiến tới có hành động tương tự với Malaysia và Brunei.

Một khi các nước đông nam Á đã đưa ra lập trường nhượng bộ lẫn nhau, họ có thể thống nhất lập trường trước Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc cùng có sự nhượng bộ như vậy. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng ‘không dễ để Bắc Kinh đưa ra nhượng bộ’.

“Tuy nhiên Bắc Kinh không có đủ bằng chứng lịch sử để chứng minh rằng họ đã từng chiếm hữu những thực thể khác ngoài những gì mà họ hiện đang chiếm hữu,” ông Hayton nói và cho biết sự yếu thế về mặt pháp lý này sẽ khiến Bắc Kinh cần nhượng bộ.

Trong phần trình bày của mình tại hội thảo, ông Hayton cũng nêu ra một nguyên tắc giải quyết tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế mà tiếng Latin gọi là ‘Uti possidetis’, tức là anh có quyền sở hữu bất cứ những gì mà hiện anh đang chiếm hữu và phải giữ nguyên hiện trạng không chiếm đoạt thêm.

Cũng trong phần trình bày này, ông Hayton mỉa mai điều mà Bắc Kinh cho là ‘chủ quyền không thể tranh cãi’ của họ đối với quần đảo Trường Sa. Ông đã đưa ra một bằng chứng là một tài liệu chính thức do Bộ Thông tin của Trung Hoa Dân quốc (tức Đài Loan sau này, vốn trước năm 1949 vẫn còn kiểm soát Trung Hoa đại lục) xuất bản vào năm 1943. Tài liệu này cho thấy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông xa nhất chỉ tới quần đảo Hoàng Sa mà thôi. Tới lần xuất bản thứ hai vào năm 1947 thì Chính phủ Trung Hoa Dân quốc mới bổ sung thêm vào quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa).

“Do đó cái gọi là chủ quyền không thể chối cãi có từ thời xa xưa không thể nhớ nổi đối với Quần đảo Trường Sa là nói bậy,” ông Hayton nói. “Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa còn ít tuổi hơn tuổi của bố mẹ tôi nữa.”

Về phần mình, ông Trương Phong, một học giả Trung Quốc hiện đang giảng dạy tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Australia, cũng bày tỏ lòng tin vào biện pháp hòa đàm.

Trao đổi với VOA bên lề hội thảo, ông Trương cho biết Bắc Kinh đã tỏ thái độ vui lòng đàm phán với các bên tranh chấp ‘một cách song phương’.

“Vấn đề hiện giờ là thời cơ (để đàm phán),” ông Trương nói, “Thời cơ hiện nay là của COC (Bộ Quy tắc ứng xử).” Tại một hội nghị ngoại trưởng mới đây của Asean với Trung Quốc tại Singapore, các bên tuyên bố đã xác định được những nguyên tắc cơ bản của COC.

Trả lời câu hỏi của VOA rằng liệu Trung Quốc có xem Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’ của họ không – tức là họ không thể có bất kỳ nhượng bộ nào và sẵn sàng dùng mọi biện pháp, kể cả quân sự, để bảo vệ lợi ích đó – ông Trương cho rằng việc xác định lợi ích cốt lõi ở Biển Đông ‘sẽ không có ích gì’ đối với giải quyết tranh chấp cũng như hòa bình và an ninh khu vực và các học giả Trung Quốc đến nay vẫn còn tranh cãi về vấn đề này.

“Trung Quốc đến nay vẫn không tuyên bố công khai liệu Biển Đông có phải hay không phải là lợi ích cốt lõi,” ông Trương cho biết và nói thêm Bắc Kinh vẫn duy trì ‘sự mơ hồ’ này và ‘khó mà dự đoán liệu họ sẽ thay đổi quan niệm như thế nào trong tương lai’.

Đáp câu hỏi của VOA rằng liệu Bắc Kinh có sử dụng vũ lực để thu hồi những lãnh thổ mà họ cho là của họ để hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước trước thời điểm năm 2049, thời điểm mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác định là cột mốc để hướng đến xây dựng một nước Trung Quốc hiện đại và hùng cường, ông Trương Phong nói rằng ông ‘hy vọng là không’ vì lợi ích của hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng thời điểm đó vẫn còn xa nên khó mà dự đoán.

Trong phần trình bày của mình, ông cũng nêu ra một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ chịu đàm phán giải quyết tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Đó là, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa tuyên bố đường cơ sở của các thực thể mà họ chiếm đóng ở Trường Sa để từ đó xác định chủ quyền với các vùng nước có liên quan. Trong khi đó, ở Hoàng Sa, từ lâu Bắc Kinh đã vẽ đường cơ sở và tuyên bố họ không chấp nhận đàm phán về Hoàng Sa vì ‘không có gì tranh chấp’ ở quần đảo này.

Phán quyết của trọng tài

Cũng tại hội thảo, một số học giả đã đề cập đến các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh hải và tài nguyên ở những nơi khác trên thế giới vốn được giải quyết nhờ vào phán quyết của Tòa án Quốc tế cũng như sự hỗ trợ của cơ quan trọng tài để rút ra bài học kinh nghiệm cho Biển Đông.

Giáo sư Bec Strating thuộc Đại học La Trobe, Úc, nêu ra tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Timor cũng như tranh chấp dầu khí thuộc mỏ Greater Sunrise thuộc vùng biển này giữa Úc và Timor Leste.

Cũng như Trung Quốc trên Biển Đông, Canberra luôn từ chối tham gia vào bất cứ vụ kiện nào mà Dili kiện ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tranh chấp trên Biển Timor, bà Strating cho biết. Tuy nhiên, Úc không thể bác bỏ việc hòa giải bắt buộc theo cơ chế giải quyết tranh chấp theo Phụ lục 5 của UNCLOS.

Theo yêu cầu của Timor Leste thì vào tháng Tư năm 2016 một ủy ban hòa giải của Liên Hiệp Quốc gồm năm chuyên gia được thành lập để xem xét tranh chấp và đưa ra những khuyến nghị (không mang tính ràng buộc đối với các bên) trong khoảng thời gian một năm.

Ngay từ đầu, Úc đã thách thức thẩm quyền của ủy ban hòa giải này nhưng sau khi bị bác bỏ, Canberra đã phải cùng ngồi vào bàn với Timor Leste. Sau một số hành động xây dựng lòng tin thì đến tháng 7 năm 2017 hai nước đã đạt được đột phá. Theo đó, Timor Leste được chia đến từ 70% cho đến 80% thu nhập từ mỏ dầu Greater Sunrise vốn ước tính có trị giá lên đến 40 tỷ đô la. Điều này được cho là chiến thắng đối với Timor Leste.

Theo bà Strating, sở dĩ Timor Leste có được thắng lợi này bất chấp họ là một nước nhỏ hơn Úc rất nhiều là vì nước Úc lúc đó cần thấy họ phải thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong bối cảnh có tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, bà Strating cũng tỏ vẻ nghi ngờ liệu cơ chế tương tự sẽ giúp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông vì tranh chấp trên Biển Đông phức tạp hơn nhiều với sự tham gia của nhiều nước, không chỉ về dầu khí mà còn về chủ quyền đối với các đảo, bãi đá bên cạnh việc quân sự hóa của Trung Quốc. Một vấn đề thêm nữa là Bắc Kinh không có động lực ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp như Canberra.

Thiếu tướng Hải quân Lalit Kapur, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Delhi Policy Group, đem đến kinh nghiệm giải quyết tranh chấp giữa Ấn Độ và Bangladesh vốn dựa vào phán quyết của Tòa án quốc tế. Hai nước đã có tranh chấp về đường phân giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa trên Vịnh Bengal.

Phán quyết của Tòa án PCA, mà cả hai nước đều chấp nhận và thực thi, đã giúp dọn đường cho hai nước tăng cường hợp tác kinh tế và đạt được lợi ích trên nhiều lĩnh vực, ông Kapur cho biết.

Tuy nhiên, ông Kapur cho rằng bối cảnh trên Biển Đông khó khăn hơn vì sự thiếu lòng tin nghiêm trọng giữa các bên trong khi Trung Quốc không chấp nhận các kênh đàm phán đa phương cũng như cơ chế pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, hai nước Ấn Độ và Bangladesh không dùng con bài dân tộc chủ nghĩa để kích động tình cảm dân tộc cực đoan trong nước trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ vốn rất nhạy cảm. Hơn nữa, Ấn Độ cũng không dùng lợi thế nước lớn trước Bangladesh để đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ.

Ông Trần Dĩ Tín, chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Nghiêu Mỹ-Đài Loan, nói rằng bất kỳ các cuộc đàm phán nào về Biển Đông cũng không thể loại trừ vai trò của Đài Loan và Đài Bắc sẽ không công nhận bất kỳ giải pháp đàm phán nào mà không có sự tham gia của họ.

Ông Trần nhắc lại lập trường của Đài Loan là là toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng vùng biển xung quanh là ‘thuộc chủ quyền của Cộng hòa Trung Hoa (tức Đài Loan)’.

XS
SM
MD
LG