Đường dẫn truy cập

Nam Phi: Tê giác bị săn bắt lậu tăng gần 50% năm 2013


Nhân viên hải quan Thái Lan tịch thu sừng tê trong hành lý của một hành khách tại phi trường Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, 22/6/13
Nhân viên hải quan Thái Lan tịch thu sừng tê trong hành lý của một hành khách tại phi trường Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, 22/6/13
Con số tê giác bị những tay săn bắt lậu giết hại tăng lên gần 50% trong năm nay – lên tới gần 1.000 con. Thông tín viên VOA Peter Cox tường trình từ Johannesburg.

Tính đến ngày 19 tháng 12, các tay săn bắt thú lậu đã giết 946 con tê giác ở Nam Phi trong năm nay. Bộ đặc trách các vấn đề môi trường của Nam Phi nói 668 con bị giết trong năm 2012. Cách đây 1 thập niên, vào năm 2003, chỉ có 22 con bị săn bắt.
Sừng tê bị Cục Thuế và Hải quan Hong Kong tịch thu
Sừng tê bị Cục Thuế và Hải quan Hong Kong tịch thu

Ông Richard Emslie là một giới chức khoa học ở Nam Phi thuộc Liên đoàn Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên.

Ông nói: “Thực là một cuộc khủng hoảng thực sự… vì săn bắt thú tiếp tục leo thang từ năm này qua năm khác.”

Ông nói con số vừa kể là điềm không tốt đối với các con thú, hiện đang bị giết hại để lấy sừng.

Ông nói tiếp: “Ở tỷ lệ săn bắt đã leo thang liên tục từ năm 2008, chúng ta sẽ đạt đến điểm đỉnh nơi số thú bị chết bắt đầu vượt quá số sinh ngay từ năm 2014 cho đến 2016, tuỳ vào tỷ lệ tăng số tê giác.”

Nam Phi là nơi sinh cư của 83% tê giác ở châu lục này, tức 73% số tê giác trên toàn thế giới.

Mặc dầu Nam Phi bắt giữ 330 tay săn bắt thú trong năm 2013, các chuyên gia về môi trường nói rằng nhu cầu gia tăng gây khó khăn thêm cho cuộc chiến chống lại việc săn bắt. Một chiếc sừng tê giác có thể bán được hàng ngàn đôla.

Trung Quốc và Đông Nam châu Á là các thị trường lớn nhất về sừng tê giác, mà nhiều người coi như một chất kích dục.
Xác một con tê giác bị giết để lấy sừng trong khu bảo tồn ở Nam Phi
Xác một con tê giác bị giết để lấy sừng trong khu bảo tồn ở Nam Phi

Thay đổi quan niệm đó đã trở thành trọng điểm của các tổ chức chống săn bắt thú và các chính phủ. Ðã có những chiến dịch quảng bá ở những nước như Việt Nam để giáo dục dân chúng về tác động của việc săn bắt lậu, và để giải thích rằng thành phần cấu tạo sừng tê phần lớn giống thành phần cấu tạo móng tay và móng chân người.

Một số tổ chức cũng đang tìm cách tìm ra những công việc khác cho người Nam Phi có thể được tuyển mộ để đi săn bắt lậu.

Ông Emslie nói các con số ắt phải là lời kêu gọi hành động cho người Nam Phi.

Ông nói: “Ðó là môt lời kêu cảnh tỉnh, và tình trạng săn bắt lậu leo thang đã là một lời cảnh tỉnh. Ðó là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng đối với các nhà bảo vệ môi sinh, không riêng ở Nam Phi mà ở tất cả các quốc gia nhiều mưa… nếu tình trạng này tiếp tục, chẳng hạn như tại châu lục này với mức độ đã tăng thêm từ năm 2008, số tê giác ở châu Phi có thể sụt từ 25.000 con vào đầu năm 2013 xuống tới dưới 10.000 vào cuối thập niên. Do đó chúng ta thực sự đang ở điểm khủng hoảng.”
Tê giác lẽ ra phải được sống trong môi trường thiên nhiên không bị mối đe dọa từ con người
Tê giác lẽ ra phải được sống trong môi trường thiên nhiên không bị mối đe dọa từ con người

Hy vọng của ông là có thêm sự hỗ trợ sẽ được dành cho các tổ chức chống săn bắt lậu.

Ông Emslie nói: “Chúng ta may mắn là có một số người hết sức tận tâm mà những người ở thực địa đang thực sự gắng hết sức để xoay chuyển tình hình và chúng ta phải hy vọng rằng cộng đồng quốc tế giúp quy tụ lực lượng để đem lại cho những người ở thực địa sự hậu thuẫn và nguồn lực mà họ cần đến.”

Cũng có những luật lệ mới để ngăn chặn việc săn bắt lậu. Nam Phi và Mozambique đang thăm dò một thỏa thuận giúp các nhân viên chống săn bắt lậu của Nam Phi vào Mozambique trong khi theo đuổi những kẻ săn bắt lậu.

Tại những nới khác ở châu Phi, Botswana đã cấm chỉ tất cả việc săn bắt dã thú lớn bắt đầu từ 1 tháng giêng năm mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG