Đường dẫn truy cập

G20 quyết ngăn khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan


Thủ tướng Ý Mario Draghi họp báo kết thúc cuộc họp thượng đỉnh khẩn trực tuyến của Khối G20 về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, ngày 12/10/2021 tại Rome.
Thủ tướng Ý Mario Draghi họp báo kết thúc cuộc họp thượng đỉnh khẩn trực tuyến của Khối G20 về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, ngày 12/10/2021 tại Rome.

Khối 20 các nền kinh tế lớn quyết tâm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, dù việc này có nghĩa là phải phối hợp với Taliban, Thủ tướng Ý Mario Draghi tuyên bố ngày 12/10 sau khi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn.

Kể từ khi Taliban lên cầm quyền tại Afghanistan hôm 15/8 năm nay, nước này – vốn đã chật vật đối phó với hạn hán và nghèo đói nghiêm trọng sau nhiều thập niên chiến tranh- đã chứng kiến nền kinh tế hầu như sụp đổ, khơi mào một làn sóng tị nạn ồ ạt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nhiều lãnh đạo châu Âu tham dự thượng đỉnh vừa kể, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham gia, cho thấy có sự khác biệt về lập trường quốc tế trong vấn đề này.

Ông Draghi nói sự vắng mặt của hai nhà lãnh đạo Trung, Nga không làm giảm tầm quan trọng của hội nghị do Ý tổ chức, nước đương kim chủ tịch G20.

Có đồng thuận giữa các nước tham dự về sự cần thiết phải làm giảm bớt cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, nơi các ngân hàng hết tiền, công chức không được trả lương và giá lương thực tăng vọt khiến hàng triệu người có nguy cơ bị đói trầm trọng.

Nhiều nỗ lực cứu trợ sẽ thông qua Liên hiệp quốc, nhưng cũng sẽ có trợ giúp trực tiếp từ các quốc gia dù hầu hết các nước từ chối công nhận chính phủ Taliban cực đoan.

Thủ tướng Ý nói thế giới sẽ phán đoán Taliban từ hành động chứ không phải từ lời nói của họ, và rằng thế giới đặc biệt quan tâm đến thống khổ của phụ nữ tại đất nước nghèo khổ này.

“Hiện nay chúng tôi không thấy có tiến bộ,” ông Draghi nói.

Trong một thông cáo chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 kêu gọi Taliban chặn đứng các tổ chức chủ chiến hoạt động ở ngoài nước. Họ khẳng định các chương trình nhân đạo trong tương lai sẽ chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái, và các công dân Afghanistan muốn rời bỏ đất nước nên có được một hành lang an toàn.

Trước hội nghị, Trung Quốc yêu cầu gỡ bỏ các chế tài kinh tế đối với Taliban và rằng hàng tỉ đô la tài sản quốc tế của Afghanistan nên được giải tỏa để trả lại cho Kabul.

Mỹ và Anh, nơi nhiều tài sản của Afghanistan đang được lưu giữ, phản đối yêu cầu của Trung Quốc. Tuyên bố chung cuộc của cuộc họp không đề cập tới vấn đề này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG