Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang ra tranh cử vào nhiệm kỳ thứ hai, và nhiều chuyên gia cho rằng ông đứng trước một cuộc tranh đua gay go.
Sau 5 năm tại chức, ông Sarkozy bị nhiều người dân Pháp cho là không thực hiện những lời hứa hẹn là cắt giảm công chi, tăng lương bổng và tạo thêm công ăn việc làm.
Ông John Merriman là một chuyên gia về nước Pháp của trường Đại học Yale.
Ông Merriman nói: “Ông tự coi mình là ứng viên với chủ trương tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực ra kết quả của nhiệm kỳ ông đã không được đánh dấu bởi sự tăng trưởng kinh tế chút nào. Nước Pháp vẫn có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, giới trẻ – nhất là những người có trình độ học vấn hay không có trình độ học vấn thì mức độ thất nghiệp cũng vẫn rất cao. Và những yếu tố này sẽ không có lợi cho ông Sarkozy.”
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy hơn 20 phần trăm người thuộc giới trẻ ở Pháp đang thất nghiệp – con số cao gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp nói chung.
Ông Merriman và những người khác cho rằng ông Sarkozy – phu quân của người mẫu siêu hạng Carla Bruni – đã xa rời nhiều người vì lối sống xa hoa của ông.
Ông Merriman nói tiếp: “Ông ấy gây cảm tưởng là ông ấy chỉ quan tâm đến những chiếc du thuyền lớn, và những chuyến du lịch, đến những nhà hàng lớn và những khoản tiền lớn.”
Trong nỗ lực chống lại quan điểm đó, bà Carla Bruni nói với nhiều hãng tin Pháp rằng “Chúng tôi là những người khiêm tốn.”
Ông Dominique Moisi, cố vấn kỳ cựu của Học Viện Quốc tế Vụ Pháp ở Paris, nêu ra một số thành tựu của ông Sarkozy.
Ông Moisi nói: "Chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế. Giữ chức chủ tịch Liên hiệp châu Aâu vào thời điểm xấu nhất và đứng ở đầu sóng ngọn gió. Bắt đầu cải tổ nước Pháp về tuổi hưu trí và hệ thống đại học. Cuối cùng là can thiệp và tạo được thay đổi ở Côte d’Ivoire và Libya.”
Ông Moisi nói thông điệp của ông Sarkozy gửi đến các cử tri rất đơn giản.
Ông Moisi nói tiếp: “Qúy vị cần đến tôi. Hãy giúp tôi cứu vớt quý vị vì sóng gió sẽ còn mạnh hơn nữa. Quý vị cần người có kinh nghiêm. Thật ra, bất kỳ ứng cử viên nào cũng sẽ nguy hiểm cho quý vị bởi vì người đó sẽ thiếu kinh nghiệm mà tôi đã có.”
Đối thủ chính của ông Sarkozy là ứng cử viên Francois Hollande của đảng Xã hội, người chưa từng nắm một chức vụ nào trong chính phủ trung ương. Tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chánh ENA, ông Hollande đã là đại biểu Quốc Hội Pháp từ cuối thập niên 1980.
Ông Dominique Moisi nói rằng: "Ông Hollande là tổng thư ký của đảng Xã hội trong một thời gian dài. Là một người kín đáo, một người nói rằng, “quý vị phải bỏ phiếu cho tôi vì tôi là một người bình thường.” Nhưng kết quả là người dân Pháp có thể không thấy ông là bình thường mà lại thấy là ông hơi tẻ nhạt. Ông không có sức lôi cuốn. Nhưng ông là một người rất biết điều, nghiêm túc và rất thân thiện.”
Cương lĩnh của ông Hollande là tăng thuế người rất giầu có, giữ vững giá nhiên liệu, tăng trợ cấp an sinh xã hội và tuyển dụng thêm 60 ngàn giáo viên.
Vợ cũ của ông Hollande, một người mẹ có 4 con, bà Segolene Royal, là người lãnh đạo đảng Xã hội vào năm 2007, và thất cử trước ông Sarkozy. Bà đã ủng hộ ông Hollande.
Có 8 ứng cử viên khác ra tranh cử Tổng thống Pháp, trong đó có ông Marine Le Pen theo chủ trương cực hữu, ông Jean-Luc Melenchon chủ trương cực hữu và ông Francois Bayrou thuộc trung phái.
Không ai hy vọng sẽ chiếm được 50% số phiếu cần thiết để thắng dứt khoát trong vòng đầu vào ngày chủ nhật này. Như thế có nghĩa là hai người được nhiều phiếu nhất sẽ phải ra tranh cử trong một vòng bỏ phiếu thứ nhì dự trù vào ngày 6 tháng 5.
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy ông Sarkozy và ông Hollande dự trù sẽ lọt vào vòng 2. Và nếu kết quả thăm dò là đúng thì ông Francois Hollande sẽ là vị tổng thống kế tiếp của nước Pháp.
Cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vào ngày chủ nhật này trong vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống. Trong bài tường thuật từ thủ đô Washington, thông tín viên Andre de Nesnera của đài VOA điểm qua chi tiết về hai ứng viên hàng đầu là tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy và ứng viên của đảng Xã Hội là Francois Hollande.
Đọc nhiều nhất
1