Đường dẫn truy cập

Vài nét về thành phần chính phủ mới của Pháp


Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Chính phủ mới của Pháp gồm nhiều chính trị gia cực kỳ bảo thủ và vắng bóng các chính trị gia có nhiều hoạt động về nhân quyền và đa dạng sắc tộc.

Nội các mới của Pháp phản ánh sự chuyển hướng sang cánh hữu, thuộc phe của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ông Sarkozy hiện gặp khó khăn và đã chỉ định nội các mới hôm Chủ nhật.

Ông Sarkozy đối mặt trước số người ủng hộ ở mức thấp kỷ lục và cuộc bầu cử tổng thống lần tới sẽ diễn ra vào năm 2012. Chính phủ mới có nhiều khuôn mặt được xem là bảo thủ, trong khi Thủ tướng Francois Fillon, một người được lòng dân, vẫn được giữ lại.

Nhưng điều đáng chú ý là những bộ trưởng bị thay thế. Sau khi được bầu vào năm 2007, Tổng thống Sarkozy đã sử dụng đến các chính trị gia cánh tả và những người hoạt động xã hội. Ông đã chỉ định 3 phụ nữ gốc châu Phi làm bộ trưởng. Bây giờ cả 3 đều bị loại.

Cùng bị loại là Ngoại trưởng Bernard Kouchner, nhà chính trị của đảng Xã hội và người lập ra tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới. Quá trình hoạt động nhân đạo của ông Kouchner không phải lúc nào cũng thích hợp cho một ghế bộ trưởng.

Trong cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh của Pháp hồi tháng 8, ông thú nhận đã có lúc tính đến chuyện từ chức khi chính phủ Pháp quyết định trục xuất người Roma, hay còn gọi là người gypsy.

Người lên thay ông trong chức Ngoại trưởng là bà Michelle Aliot-Marie, một người cực kỳ bảo thủ.

Ra khỏi nội các còn có bà Fadela Amara, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề đô thị, một người gốc Bắc Phi, lâu nay là một nhà hoạt động cánh tả tranh đấu cho quyền của người thiểu số. Một người gốc châu Phi quen thuộc khác, bà Rama Yade, cũng mất chức Bộ trưởng Thể thao.

Nhưng phản ứng của các nhà hoạt động Pháp trước các sự kiện này không ồn ào lắm. Ông Jean-Pierre Dubois, Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Pháp gọi thành phần đa dạng của nội các trước đây chỉ có tính cách hình thức:

“Thành phần đó không thực sự mang lại thay đổi gì nhiều cho xã hội Pháp. Do đó, tôi nghĩ đây không có gì khác hơn là một thủ đoạn tuyên truyền.”

Ông Dubois và một số những nhà tranh đấu khác cho nhân quyền cũng cho rằng ông Kouchner khi làm ngoại trưởng cũng không tranh đấu cho vấn đề nhân quyền, mặc dù ông Kouchner không đồng ý với lời chỉ trích này.

Các nhà hoạt động khác, như bà Zohra Bitan, một thủ lĩnh cộng đồng, tỏ vẻ thất vọng về bà Amara, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề đô thị trong nội các trước.

Bà nói với đài phát thanh Pháp rằng bà Amara không thực hiện được lời hứa cải tiến điều kiện tại các xóm nghèo của Pháp. Trước đó, bà Amara tỏ vẻ thất vọng và cho rằng chính phủ có thái độ ù lì và chỉ lo đấu đá nội bộ.

Các quan sát viên cho rằng Tổng thống Sarkozy đã thực hiện được những chuyện tốt lẫn xấu về mặt đa sắc tộc và di trú. Ông đã lập được một hội đồng đại diện đầu tiên của người Hồi giáo và hô hào phải chống lại chuyện phân biệt đối xử với thành phần thiểu số. Nhưng ông bị chỉ trích vì có lập trường cứng rắn về di trú và về các chính sách đối với người Roma.

Tuy nhiên, chính phủ mới của Pháp cũng có tính cách đa dạng. Thành phần phụ nữ gồm có Ngoại trưởng Aliot-Marie, trước đây là Bộ trưởng Tư pháp; và bà Jeannette Bougrab, người gốc Bắc Phi, được chỉ định làm Quốc vụ khanh về thanh niên và dịch vụ cộng đồng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG