Đường dẫn truy cập

Thành phố Fountain Valley hủy kế hoạch đón phái đoàn Việt Nam


Phó Thị trưởng thành phố Fountain Valley Michael Võ.
Phó Thị trưởng thành phố Fountain Valley Michael Võ.
Một trong những thành phố tại Mỹ có đông người Việt sinh sống nhất vừa hủy kế hoạch đón tiếp phái đoàn giới chức và doanh nhân từ Việt Nam.

Phòng Thương mại thành phố Fountain Valley thuộc tiểu bang California bỏ ý định này sau khi có phản đối mạnh mẽ từ Phó Thị trưởng thành phố, một người Mỹ gốc Việt.

Ông Michael Võ đã nhanh chóng viết thư cho giới hữu trách vận động hủy kế hoạch ngay khi được tin Hội đồng thành phố và Phòng Thương mại thành phố định đón tiếp phái đoàn Việt Nam vào tháng 3 tới đây.

Ông Võ dẫn lý do rằng cộng đồng người Việt tại Mỹ sẽ không chấp nhận chuyến thăm chính thức của giới chức từ một quốc gia không có nhân quyền và không tôn trọng quyền tự do của công dân như Việt Nam và việc này sẽ gây tiêu tốn cho thành phố trong chi phí giữ gìn an ninh trước các cuộc biểu tình phản đối.

please wait

No media source currently available

0:00 0:07:06 0:00
Tải xuống

Michael Võ: Thành phố Fountain Valley nằm trong khu vực Little Saigon, nơi được mệnh danh là có cộng đồng người Việt tị nạn nhiều nhất trên thế giới. Riêng tại thành phố Fountain Valley với 55.000 cư dân có đến khoảng 10.000 người Mỹ gốc Việt và những người này đa số là những người tị nạn Cộng sản Việt Nam. Thời gian qua, ngay tại thành phố Fountain Valley cũng đã có những sự chống đối khi có những đoàn văn công từ Việt Nam đến để trình diễn. Và hơn một thập niên trước, có một lần cuộc biểu tình đã lên đến 15.000 người. Cho nên , vì quyền lợi an ninh trong thành phố, với tính cách là Phó thị trưởng, tôi nghĩ rằng chuyện có mặt của phái đoàn Cộng sản Việt Nam sẽ gây sự xào xáo, sự bất ổn trong thành phố, và sẽ làm những thiệt hại mà thành phố sẽ phải chi trả cho vấn đề bảo vệ. Hơn thế nữa [với] sự có mặt của các viên chức cộng sản tại Fountain Valley, có thể sở cảnh sát sẽ không đủ nhân lực để có thể bảo đảm sự an ninh cho họ.

Trà Mi: Nhưng cản trở những cơ hội giao thương như thế cũng gây thiệt hại về lợi ích thương mại cho thành phố Fountain Valley, nói chung, và cho cộng đồng người Việt trong thành phố này, nói riêng, không kém gì những thiệt hại như ông nêu lên. Ông có nghĩ như vậy không?

Michael Võ: Khi một phái đoàn đến thành phố thì chưa hẳn là phái đoàn đó sẽ đầu tư vào thành phố Fountain Valley. Hơn thế nữa, những người trong phái đoàn đó có thể kêu gọi đầu tư về lại Việt Nam. Thành ra để nói rằng sự có mặt của phái đoàn đem lại quyền lợi cho thành phố thì điều đó là quá nhỏ so với sự thiệt hại của thành phố mà chắc chắn phải có. Và hơn thế nữa, những sư giao thương đó phải đi kèm với những đòi hỏi yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Chúng ta cũng biết rằng đến ngày hôm nay Việt Nam là một trong 10 nước xếp hạng tồi tệ nhất trên thế giới về tự do báo chí. Những blogger, những nhà đối lập vẫn bị giam cầm hàng ngày. Khi có giao thương thì phải có sự tôn trọng nhân quyền. Và đó là những điều đòi hỏi của chúng tôi.

Trà Mi: Trong bối cảnh hai nước Việt- Mỹ đang tăng cường hơn quan hệ, nhất là về quan hệ thương mại, phản đối những cuộc tiếp xúc về giao thương cũng gây cản trở hoặc đi ngược lại xu hướng này, nên về mặt thương mại, không có lợi cho 2 đất nước cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, đều là quê hương của người Mỹ gốc Việt như ông đây. Nếu có ai đó đặt ra ý kiến này, ông sẽ phản hồi thế nào?

Michael Võ: Trong những năm qua, sự giao thương giữa 2 nước Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng trưởng, và trong năm 2012 thì sự giao thương đó đã lên tới 24 tỷ đô la. Tuy nhiên, có 2 cách để giao thương. Cách thứ nhất là giao thương từng công ty với tính cách riêng tư, và giao thương với tính cách là những phái đoàn và sự tiếp xúc trực tiếp với thành phố. Với cương vị là Phó thị trưởng thành phố, tôi sẽ nhìn cái sự có mặt đó có đem lại nguyện vọng chung cho dân chúng hay không, có ảnh hưởng tới danh dự của thành phố hay không. Trong điều kiện cân nhắc như vậy, tôi thấy sự có mặt của phái đoàn Cộng sản Việt Nam bất lợi nhiều hơn. Cùng với nguyện vọng của gần 10.000 người Việt Nam tị nạn Cộng sản tại đây, làn sóng chống đối chắc chắn sẽ có và nó gây sự bất ổn an ninh trật tự trong thành phố nhiều hơn.

Trà Mi: Ông nhận xét thế nào về vai trò của người Mỹ gốc Việt trong tiến trình phát huy quan hệ Việt-Mỹ?

Michael Võ: Sau khi có sự bang giao giữa 2 chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng ta cũng nhận thấy rằng vấn đề giao dịch thương mại cũng mỗi ngày mỗi tăng lên nhiều. Tuy nhiên, đồng thời với sự giao thương đó, chúng tôi lúc nào cũng yêu cầu đời sống của dân chúng trong nước phải có sự tự do, bình đẳng. Đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tức là khi quý vị giao thương với chúng tôi, quý vị phải giao thương trong điều kiện làm cho đời sống của dân tại Việt Nam được dễ dàng hơn.

Trà Mi: Nhiều người cho rằng người Mỹ gốc Việt, cộng đồng người Việt Nam ở đây, đóng vai trò cầu nối trong việc siết chặt bang giao Việt-Mỹ sau bao nhiêu năm quá khứ chiến tranh. Với cương vị là một Phó thị trưởng của một khu vực có đông người Việt sinh sống tại Mỹ, theo ông, vai trò đó đã phát huy đúng mức chưa?

Michael Võ: Hơn 30 mấy năm cư ngụ tại vùng Little Saigon thì chúng tôi cũng đã nhìn thấy được những sự thay đổi rất nhiều. Trong những thập niên 80, thậm chí những cơ sở bán vé du lịch về Việt Nam từng bị biểu tình, bị chống đối. Hôm nay, chuyện gửi tiền về Việt Nam hay mua vé về Việt Nam là chuyện bình thường. Vấn đề cầu nối, đó là chuyện giao thương hiển nhiên và phải có. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bất cứ người Việt Nam nào cũng ao ước rằng đất nước mình sẽ có những sự thay đổi để đời sống người dân trong nước được dễ dàng hơn, được thay đổi tốt hơn, chứ không chỉ riêng cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Trà Mi: Theo ông, như vậy có thể hiểu rằng là vai trò cầu nối đó chưa phát huy hết mức vì một số trở ngại, lực cản. Vậy làm thế nào có thể vượt qua những trở ngại, những lực cản đó? Làm sao để người Việt ở đây phát huy được vai trò cầu nối giúp bang giao Việt-Mỹ siết chặt hơn nữa vì lợi ích của đôi bên, thưa ông?

Michael Võ: Lực cản đó là sự khó khăn, sự đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Đó mới thực sự là cái lực cản. Nếu ngày hôm nay Việt Nam mà công nhận tất cả các quyền bình đẳng của con người, công nhận những sự đối lập, cho mọi người đều có tiếng nói, thì những rào cản đó chắc chắn sẽ bị phá vỡ. Thành ra sự khó khăn ngày hôm nay đang có không phải là vì cộng đồng người Việt tại Mỹ gây khó khăn cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam mà tại vì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn có sự đàn áp, vẫn có những chính sách không phù hợp với lòng dân. Sự thay đổi, tôi thiết nghĩ cần phải có, là từ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Trà Mi: Một phó thị trưởng Mỹ gốc Việt phản đối cuộc gặp của chính quyền thành phố Mỹ với phái đoàn thương mại Việt Nam. Sự kiện này gửi ra thông điệp gì cho chính phủ và nhân dân Việt Nam thưa ông?

Michael Võ: Ngày hôm nay, mọi sự thông tin liên lạc qua hệ thống Internet, chúng ta đều hiểu rằng những sự đàn áp xảy ra ở một góc, một nơi nhỏ bé của Việt Nam đều không những dân chúng trong nước biết mà tất cả khắp nơi trên toàn thế giới đều biết. Chúng tôi, cho dù ở nước ngoài, cũng có những băn khoăn, bồi hồi khi nhìn về quê mẹ thấy đất nước đang dần dà bị xâu xé, lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam đang bị xâm chiếm. Bất cứ người Việt Nam nào cũng có một sự đau xót. Chúng tôi lúc nào cũng ao ước có những sự thay đổi trong Việt Nam, thật sự tự do, thay đổi về nhân quyền.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông Phó thị trưởng thành phố Fountain Valley, bang California, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Gần 300 người biểu tình đã tập trung trước Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Nghệ thuật Sài Gòn (Saigon Performing Arts Center) để phản đối khi một đoàn nghệ sĩ từ Việt Nam sang thăm thành phố Fountain Valley hồi tháng 9 năm ngoái. Vụ này đã khiến thành phố phải chi 8 ngàn đô la cho các dịch vụ an ninh.

Trước đây vào năm 1999, một cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra tại thành phố Westminster lân cận trong suốt 53 ngày, quy tụ hơn 15 ngàn người tham gia bày tỏ phẫn nộ khi một chủ tiệm video tên là Trần Trường treo cờ cộng sản và ảnh của ông Hồ Chí Minh trong tiệm. Thành phố Westminster đã tiêu tốn gần 200 ngàn đô la cho công tác giữ gìn an ninh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG