Đường dẫn truy cập

EU, Nga tranh cãi vấn đề nhân quyền, mậu dịch, và Syria


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso dự buổi họp báo ở St. Petersburg, 4/6/12
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso dự buổi họp báo ở St. Petersburg, 4/6/12
Các giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) đã gặp Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm nay để thảo luận nhiều vấn đề, kể cả thành tích nhân quyền của điện Kremli, vấn đề mậu dịch và cuộc khủng hoảng tại Syria.

Tổng Thống tân cử của Nga, ông Vladimir Putin đã lên tiếng bênh vực thành tích nhân quyền của nước ông, nói rằng ông không biết bất cứ người nào có thể được mô tả là “tù nhân chính trị” ở nước ông.

Ông Putin đưa ra lời bình luận đó sau khi các nhà báo đặt câu hỏi về yêu cầu của phe đối lập, đòi trả tự do cho khoảng 40 người mà họ nói đang bị giam cầm như các tù nhân chính trị.

Những người chỉ trích ông Putin thường nói rằng nhà cựu tài phiệt dầu hỏa Mikhail Khodorkovsky là tù nhân chính trị hàng đầu của Nga.

Tòa án nhân quyền của Liên hiệp Châu Âu đã không tiến xa tới mức đưa ra kết luận về những động cơ chính trị dẫn tới việc kết tội ông Khodorkovsky tội trốn thuế và gian lận hồi năm 2005, tuy nhiên, tòa vẫn chưa ra quyết định về phán quyết kết tội thứ nhì, cũng có liên quan tới gian lận.

Mặt khác, Tổng Thống Putin bênh vực một dự luật phạt vạ những người xuống đường biểu tình mà không có giấy phép. Ông nói luật lệ của Nga về các cuộc tuần hành hoàn toàn dân chủ.

Ông Putin nói vi phạm các luật lệ quy định các cuộc biểu tình của công chúng đang được áp dụng đối với những kẻ đã vi phạm các quy định đó. Ông nói theo như sự hiểu biết của ông, thì tất cả đều đang được tự do và có lẽ, đang chuẩn bị các cuộc biểu tình mới. Ông cho đó là chuyện bình thường.

Ông Putin đã giành lại chiếc ghế Tổng Thống hồi tháng trước, sau khi đối mặt với các cuộc biểu tình đông đảo nhất tính từ khi Liên bang Xô-viết sụp đổ. Những người chỉ trích nói rằng ông cai trị nước Nga qua một hệ thống chính trị được kiểm soát chặt chẽ, và nạn tham nhũng, một cáo buộc mà ông cực lực bác bỏ.

Trong khi đó, theo dự kiến Nga sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm nay, sau 18 năm thương thuyết. Trong tư cách là thành viên của WTO, điện Kremli sẽ bị buộc phải tuân thủ các quy định quốc tế.

Chủ Tịch Ủy Hội Âu Châu Jose Manuel Barroso nói giới lãnh đạo Châu Âu đang nóng lòng trông đợi được làm việc với Nga.

Ông Barroso nói: “Liên hiệp Châu Âu là nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Nga, EU cũng là khách hàng lớn nhất mua hàng nhập khẩu hàng đầu của Nga, là nhiên liệu. Chúng ta chia sẻ quyền lợi chung là được sống trong một khu láng giềng hòa bình và ổn định, trong một hệ thống quốc tế dựa trên các quy định đa phương. Trong những năm gần đây, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong các quan hệ song phương, cùng làm việc để thâu nhận Nga vào Tổ chức Thương mại Thế giới.”

Các nhà lãnh đạo cũng đề cập tới cuộc khủng hoảng tại Syria và việc Nga bênh vực Tổng Thống Bashar al-Assad, bất chấp một cuộc đàn áp bạo động chống phe đối lập.

Các cuộc đàm phán đã thất bại, không giải quyết được những khác biệt quan điểm về cách giải quyết cuộc tranh chấp đã kéo dài 15 tháng nay tại Syria.

Lên tiếng vào lúc kết thúc hội nghị cấp cao, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Herman Van Rompuy nói rằng nhà lãnh đạo Nga và khối EU gồm 27 nước thành viên “có những thẩm định khác biệt” về vấn đề Syria.

Trong cuộc họp báo chung với ông Putin, ông Van Rompuy nói cả hai phía cần làm việc với nhau để đạt mục tiêu, là tức khắc chấm dứt bạo động tại Syria, và khởi sự tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Điện Kremli từ lâu vẫn cho rằng đối thoại là điều cần thiết với cả chính quyền Tổng Thống Assad, lẫn với phe nổi dậy.

Hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton cho hay bà đã nói với vị tương nhiệm Nga, là Ngoại trưởng Sergei Lavrov, rằng trọng tâm của các hoạt động ngoại giao quốc tế về Syria đang chuyển sang chuyển tiếp chính trị, thay vì thương thuyết với chính quyền ông Assad.

Syria và Nga vẫn là đồng minh thân thiết của nhau. Trong quá khứ, Nga là nước bán vũ khí chủ yếu cho Syria trong khuôn khổ một thỏa thuận cho phép Moscow duy trì một căn cứ hải quân tại nước này.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo Tây phương xác nhận rằng một chiếc tàu của Nga chở đầy vũ khí cho các lực lượng chính phủ Syria, đã tới nước này.

Ông Putin bác bỏ sự hiện diện của chuyến tàu này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG