Đường dẫn truy cập

Covid-19: EU đạt thỏa thuận về gói cứu nguy tài chánh 500 tỷ euro


Tư liệu: Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo về các nỗ lực của EU nhằm giảm thiểu tác động kinh té của dịch COVID-19. Ảnh chụp tại Bruxelles, Bỉ ngày 2/4/2020. REUTERS/Francois Lenoir/Pool
Tư liệu: Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo về các nỗ lực của EU nhằm giảm thiểu tác động kinh té của dịch COVID-19. Ảnh chụp tại Bruxelles, Bỉ ngày 2/4/2020. REUTERS/Francois Lenoir/Pool

Các bộ trưởng tài chánh của Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Năm đạt thỏa thuận về một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro để hỗ trợ các nền kinh tế EU bị tác động nặng nề vì virus Covid-19, tuy nhiên họ để ngỏ vấn đề liên quan tới cách tài trợ cho tiến trình hồi phục kinh tế EU vốn đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng.

Thỏa thuận đạt được sau khi cường quốc hàng đầu EU là Đức và Pháp chấm dứt sự chống đối của Hà Lan đòi kèm theo các điều kiện kinh tế với việc cấp tín dụng khẩn cho các chính quyền bị tác động bởi đại dịch, và trấn an nước Ý rằng khối EU sẽ chứng tỏ sự đoàn kết.

Nhưng các bên không đồng thuận về đề xuất EU phát hành trái phiếu để cùng chung vai gánh vác món nợ để tài trợ cho tiến trình hồi phục, điều mà Ý, Pháp và Tây Ban Nha hối thúc, nhưng gặp sự chống đối mạnh mẽ của Đức, Hà Lan, Phần Lan và Áo.

Thay vào đó, các bên chấp thuận trao quyền quyết định cho các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên, liệu có nên sử dụng “các công cụ tài chính sáng tạo” hay không, và điều đó có nghĩa là trong tương lai sẽ còn nhiều tranh cãi về vấn đề này.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh thỏa thuận là ‘kế hoạch kinh tế quan trọng nhất trong lịch sử EU’.

Thủ tướng Ý hôm thứ Năm khuyến cáo rằng sự tồn tại của EU có thể bị đe dọa nếu khối này không đoàn kết và cùng chiến đấu chống dịch corona.

Thỏa thuận đạt được sau nhiều giằng co giữa các nước EU ở Bắc Âu, vốn bảo thủ về tài chính, và các nước ở miền Nam Châu Âu, là những nước bị tác động nặng nề nhất vì Covid-19.

Pháp và Ý muốn các nước thành viên chia sẻ gánh nặng bằng cách phát hành trái phiếu được gọi là trái phiếu corona. Đề xuất này gặp sự chống đối mạnh mẽ của Đức, Hà Lan và Phần Lan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG