Đường dẫn truy cập

Dự kiến biểu tình lớn ở Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ với TQ


Học sinh xiềng tay nhau biểu tình đòi nhà chức trách bãi bỏ luật dẫn độ được đề xuất với Trung Quốc, ở Hong Kong, ngày 8 tháng 6, 2019.
Học sinh xiềng tay nhau biểu tình đòi nhà chức trách bãi bỏ luật dẫn độ được đề xuất với Trung Quốc, ở Hong Kong, ngày 8 tháng 6, 2019.

Ít nhất nửa triệu người ở Hong Kong dự kiến sẽ đổ ra đường vào Chủ nhật để biểu tình đòi chính phủ hủy bỏ một đạo luật dẫn độ được đề xuất cho phép nghi phạm được gửi tới Trung Quốc để đưa ra xét xử, những người tổ chức cuộc tuần hành nói.

Một ủy ban của các nhóm ủng hộ dân chủ nâng ước tính số người tham gia và hiện đang dự kiến một cuộc tập hợp lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2003, khi một số lượng người biểu tình tương tự buộc chính phủ phải từ bỏ luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt hơn, Reuters đưa tin.

Cuộc tuần hành sẽ dừng lại tại Hội đồng Lập pháp của thành phố, nơi các cuộc tranh luận sẽ bắt đầu vào thứ Tư về những sửa đổi lớn đối với Sắc lệnh Đào phạm. Dự luật dẫn độ theo lịch trình sẽ được thông qua vào cuối tháng.

Sau nhiều tuần với sức ép địa phương và quốc tế gia tăng, cuộc biểu tình dự kiến sẽ phản ánh phạm vi phản đối rộng lớn đối với dự luật, với nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản không tin tưởng hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của Trung Quốc.

Hệ thống pháp lí độc lập của thành phố được bảo đảm theo các luật quản trị việc Hong Kong được Anh trao lại cho Trung Quốc cai trị 22 năm trước, và được các cộng đồng kinh doanh và ngoại giao của trung tâm tài chính này xem là tài sản vững mạnh còn lại của nó chưa bị Bắc Kinh xâm phạm, theo Reuters.

Mối lo ngại đã lan ra từ các nhóm dân chủ và nhân quyền của thành phố đến các học sinh cấp hai, các nhóm tôn giáo và các tổ chức vận động truyền thông cũng như các luật sư công ty và các nhân vật kinh doanh ủng hộ giới chính thống đương quyền, một số thường không thích mâu thuẫn với chính phủ.

Cuộc tuần hành sẽ khép lại một tuần lễ đậm màu sắc chính trị cho thành phố, với ước tính 180.000 người thắp nến vào ngày thứ Ba đánh dấu 30 năm kể từ vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn và một cuộc biểu tình hiếm hoi của các luật sư của thành phố hôm thứ Năm.

Nó theo sau một cuộc biểu tình trước đó của hơn 100.000 người vào cuối tháng Năm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các ngoại trưởng Anh và Đức đã lên tiếng phản đối dự luật, trong khi 11 đặc sứ của Liên minh Châu Âu đã gặp Trưởng quan Hành chính Hong Kong Carrie Lam để chính thức phản đối.

Ngày thứ bảy, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại lo ngại của Mỹ.

“Hoa Kỳ đang theo dõi sát và lo ngại về những sửa đổi được đề xuất của chính phủ Hong Kong đối với luật này,” bà nói. “Sự xói mòn liên tục khuôn khổ ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ đề ra nguy cơ cho tư cách đặc biệt lâu nay của Hong Kong trong các sự vụ quốc tế.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG