Đường dẫn truy cập

Ðội nữ Bắc Triều Tiên đến Seoul tranh cúp bóng đá Ðông Á


Ðội tuyển bóng đá nữ quốc gia Bắc Triều Tiên trong buổi tập trên sân World Cup ở thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên, ngày 19/7/2013.
Ðội tuyển bóng đá nữ quốc gia Bắc Triều Tiên trong buổi tập trên sân World Cup ở thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên, ngày 19/7/2013.
Trong lúc các nỗ lực nhằm lập lại cầu nối mong manh giữa hai miền Triều Tiên chưa đạt được một dấu hiệu nào cho thấy có thể khai thông được cánh cổng khu công nghiệp liên doanh Kaesong, thì đội tuyển bóng đá quốc gia nữ của miền Bắc vừa đến Seoul để tranh Cúp bóng đá Ðông Á. Giới hâm mộ bóng đá dự đoán đội miền bắc sẽ thắng đội miền nam, trong khi các nhà quan sát quốc tế thì chú ý nhiều hơn đến kết quả ngoại giao của trận đấu.

21 nữ tuyển thủ và 15 thành viên của đội tuyển quốc gia nữ Bắc Triều Tiên đến phi trường Incheon của Nam Triều Tiên hôm qua, thứ Năm, để dự tranh Cúp vô địch của Liên đoàn Bóng đá Ðông Á (EAFF) -- vài tháng sau khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử phi đạn và đe dọa chiến tranh hạt nhân đẩy Bán đảo Triều Tiên vào tình trạng căng thẳng. Và gần đây nhất là khu công nghiệp liên doanh Kaesong, chiếc cầu nối mong manh giữa hai miền, cũng bị đóng cửa.

Cúp bóng đá nữ Ðông Á gồm 4 đội tuyển quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, và hai đội Triều Tiên, tranh tài tại sân vận động World Cup ở thủ đô Seoul từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 7.

Giải đấu diễn ra giữa lúc các giới chức chính phủ hai miền đang ngồi vào bàn đàm phán hiếm hoi với nhau để tìm cách khởi động lại khu công nghiệp liên doanh Kaesong bị đóng cửa hồi tháng tư khi tình hình căn thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tăng cao. Khu công nghiệp Kaesong, chiếc máy gặt ngoại tệ cho Bình Nhưỡng, bị đóng cửa sau khi Bắc Triều Tiên đe dọa tấn công bằng hạt nhân và phi đạn đối với miền nam và Hoa Kỳ để phản ứng lại việc Liên hiệp quốc mở rộng các lệnh chế tài Bắc Triều Tiên vì nước này đã thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2.

Trong lúc phần lớn các mối hợp tác xuyên biên giới đều bị đóng băng, chỉ còn lại có thể thao được xem là sân chơi chung cho hai miền.

Giáo sư Jeon Young-sun, của Ðại học Konkuk ở Nam Triều Tiên, được hãng tin Reuters trích lời nói rằng có một vài dấu hiệu đáng kể đi kèm với chuyến đi tranh giải của đội tuyển nữ miền bắc, nhưng các mối quan hệ cần phải được cải thiện.

“Sự kiện thể thao này có thể được xem là mang nhiều ý nghĩa,” ông Jeon nói, “thế nhưng trong tình hình u tối của quan hệ liên-Triều, chính trị có phần chắc sẽ ảnh hưởng đến thể thao, chứ không phải ngược lại.”

Quan hệ thể thao liên-Triều trong mấy năm qua đã đi từ chỗ lạnh nhạt xuống đóng băng. Thời kỳ nồng ấm nhất là khi hai đoàn thể thao cùng diễu hành dưới lá cờ thống nhất tại Olympic Sydney 2000.

Năm 1991 hai nước Triều Tiên đã cử một đoàn vận động viên chung đi dự Giải vô địch bóng bàn thế giới. Những hình ảnh như vậy rất hiếm thấy.

Ðội Bắc Triều Tiên sẽ đấu trận ra quân với Nam Triều Tiên vào Chủ nhật này, và theo nhận định của giới chuyên môn thì các tuyển thủ nữ miền Bắc có phần chắc sẽ lập một thành tích để làm hài lòng Chủ tịch Kim Jong Un.

Bóng đá nữ Nam Triều Tiên lâu nay vẫn luôn bị xem là kém hơn Bắc Triều Tiên. Trong các trận đấu liên-Triều, đội nữ miền Nam thua miền Bắc 6 lần gần đây nhất, và chỉ giành được một trận thắng. Ðội nữ miền Bắc đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng toàn thế giới của FIFA, cao hơn đội miền nam 7 bậc.

Tuy nhiên cả hai đội hiện đang không ở phong độ cao nhất. Ðội nữ Nam Triều Tiên để lọt lưới 9 bàn trong hai trận đấu hồi tháng 6 -- cả hai trận đều đấu với đội tuyển Mỹ, đội đứng đầu thế giới hiện nay. Trong khi đó, đội nữ Bắc Triều Tiên thua Mỹ 0-1 hồi tháng 7 năm ngoái tại Olympic ở London.

Cờ Bắc Triều Tiên sẽ được treo lên tại giải đấu, và quốc ca của miền bắc cũng được cất lên trước các trận đấu của đội này. Ngược lại, các trận đấu bóng đá giữa hai miền dự định diễn ra ở Bình Nhưỡng đã phải dời sang Trung Quốc bởi vì Bắc Triều Tiên không cho phép cờ Nam Triều Tiên được treo lên và quốc ca Nam Triều Tiên cất lên ở miền Bắc.

Tại Olympic London hồi năm ngoái, đội nữ Bắc Triều Tiên đã bước ra khỏi sân đấu một khoảng thời gian để phản đối việc ban tổ chức nhầm lẫn để cờ Nam Triều Tiên bên cạnh danh sách cầu thủ Bắc Triều Tiên trên màn hình chính ở sân vận động.

Một cuộc tập dượt chính thức và một cuộc họp báo được tổ chức cho đội Bắc Triều Tiên vào chiều tối thứ Sáu tại sân vận động mà hai đội sẽ đấu với nhau vào Chủ nhật.

Nhiều người nghĩ rằng đội miền bắc sẽ hoàn toàn không có một ủng hộ viên nào trên khán đàn. Nhưng Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên cho hay họ cấp thị thực nhập cảnh cho 33 người Bắc Triều Tiên sống ở Nhật Bản sẽ đến cổ vũ cho các tuyển thủ của họ. Cũng có tin nói rằng một số người Nam Triều Tiên sẽ cổ vũ cho đội miền bắc trong trận họ đấu với Nhật Bản, liên quan đến những hiềm khích trong lịch sử chiến tranh.

Các cầu thủ Bắc Triều Tiên đến dự giải lần này cũng sẽ thận trọng hơn ở World Cup 2011, khi họ bị FIFA cấm 5 cầu thủ thi đấu một năm vì bị phát hiện sử dụng thuốc tăng lực có trong bài thuốc bắc sâm nhung. Ðội tuyển miền bắc cũng bị cấm dự World Cup 2015.

Bóng đá từ lâu vẫn thường được xem là nơi tranh chấp của các căng thẳng chính trị trên bán đảo này. Bắc Triều Tiên đã không chú ý đến việc tranh suất dự World Cup 2002 vì vòng chung kết đó được đồng tổ chức tại Nam Triều Tiên và Nhật Bản. Cũng như các trận đấu giữa hai miền trong khuôn khổ tranh vé dự World Cup 2010 thường làm đau đầu FIFA.

Ông Kwak Moon-wan, chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá của những người Bắc Triều Tiên đào tị ở Seoul, nói rằng có rất ít hy vọng bóng đá sẽ được sử dụng như một phương tiện để thâu ngắn khoảng cách biệt ý thức hệ trên Bán đảo Triều Tiên.

“Sẽ là một chuyện lạ thường nếu Bắc Triều Tiên cho đội tuyển Nam Triều Tiên thi đấu trên đất của họ, cho cờ Nam Hàn được giương lên, và quốc ca được cất lên,” ông Kwak nói. “Chừng nào điều đó chưa xảy ra, thì thể thao chưa thể đóng vai trò ngoại giao ở đây được. “ Ông Kwak đã trốn khỏi miền bắc từ năm 2003 và hiện đang sinh sống ở Seoul.

Lần gần đây nhất đội thể thao miền bắc đến miền nam là vào năm 2009, khi đội tuyển bóng đá nam của Bắc Triều Tiên đấu với Nam Triều Tiên trong khuôn khổ tranh vé dự World Cup 2010.

Mặc dù các trận đấu bóng đá liên-Triều thường rất hiếm, cầu thủ Bắc Hàn vẫn thi đấu cho các đội bóng chuyên nghiệp Nam Triều Tiên.

Cúp vô địch bóng đá Ðông Á bên nam cũng được tổ chức trong tháng này tại Nam Triều Tiên, nhưng đội nam của Bắc Triều Tiên không tranh được suất tham dự.

Trong lúc có nhiều người bày tỏ hy vọng rằng hai đoàn Olympic của hai miền có thể diễu hành chung với nhau dưới một ngọn cờ ở Thế vận hội mùa Ðông Pyeongchang 2018, một giới chức cấp cao của Ủy ban Olympic Hàn quốc nói rằng khả năng đó còn xa vời lắm.

Ðội tuyển nữ Nhật Bản, đội đang nắm giữa World Cup, được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch Ðông Á tại giải đấu này.
XS
SM
MD
LG