Đường dẫn truy cập

Đọc thơ, sống nhạc và “nghe’ tranh Du Tử Lê


Những tác phẩm hội họa của Du Tử Lê được mọi người khen ngợi và đón nhận nhiệt tình dù chính ông không nhận mình là họa sĩ.
Những tác phẩm hội họa của Du Tử Lê được mọi người khen ngợi và đón nhận nhiệt tình dù chính ông không nhận mình là họa sĩ.
Houston, Texas - Du Tử Lê không phải là một người xa lạ trong giới văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông là một nhà thơ thành danh đã 50 năm qua và có lẽ đang là nhà thơ nổi tiếng nhất và rất được hâm mộ trong văn học hiện đại với những tác phẩm trữ tình và sáng tạo. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên ông được giới thiệu trong lãnh vực hội họa do Trường Suối Nhạc, tức là Mozart Institute of Music, tại Houston tổ chức.

Nhạc sĩ Đăng Khánh, là một trong những người sáng lập trường Suối Nhạc, đã làm nhiều quan khách ngạc nhiên khi được ông mời đến, để “đọc thơ, sống nhạc và nghe tranh Du Tử Lê”. Ông giải thích về ý niệm “nghe tranh” của ông như sau:

“Đối với một người nhạc sĩ sáng tác như chúng tôi thì âm nhạc có màu sắc, cái điều đó thì rõ rệt rồi. Chỉ có mình tôi dùng chữ 'nghe tranh' Du Tử Lê. Riêng cá nhân tôi, nếu chúng ta, hay ngay chính anh, nhìn thấy một bức tranh vẽ một trái bom đang thả xuống, cháy nổ bùm bùm, bom nổ, súng đạn nổ..., rồi một người mẹ đang bồng một đứa con chết bên lề đường, gào thét lên, há mồm ra gào thét kinh hoàng...thì nếu có một người phụ nữ dịu dàng đứng bên tôi, nhìn cảnh đó, thì có lẽ cô ấy sẽ nhỏ những giọt nước mắt, rơi lệ xót thương. Nhưng ngược lại, tôi có thể cảm thấy những tiếng hét cuồng nộ trong đó. Tôi có thể nghe ra những tiếng nổ kinh hồn ở trong bức tranh đó. Thì nghe tranh đối với tôi cũng có nghĩa như vậy, tức là nhìn bức tranh mình nghe ra một điều gì.”

please wait

No media source currently available

0:00 0:06:34 0:00
Tải xuống


Diễn giả chính trong buổi giới thiệu tranh này là ông Lê Văn. Lê Văn là một giọng nói quen thuộc với thính giả VOA vì ông từng là chủ biên ban Việt Ngữ của Đài trong nhiều năm. Theo diễn giả Lê Văn, thì Du Tử Lê không chỉ là một tay “phù thủy chữ nghĩa” mà là một "phù thủy đa năng" khi ông bước bào lãnh vực hội họa:

“Hội họa là lãnh vực mà từ trước tới bây giờ tôi không thấy Du Tử Lê có tham dự nhiều nhưng mà lần này thì anh ta đưa mười mấy bức tranh tới đây và tôi chợt nhớ lại cái câu Mai Thảo nói rằng Du Tử Lê là một tay ‘phù thủy chữ nghĩa’ thì tôi lại nghĩ là bàn tay phù thủy của chàng bây giờ đi sang lãnh vực hội họa thì nó lại tạo thành những họa phẩm mà trong đó nó man mác hồn thơ Du Tử Lê. Cho nên tôi nói rằng Du tử Lê không phải là “phù thủy chữ nghĩa” mà là “ phù thủy đa năng.”

Buổi họp mặt có nhiều khuôn mặt quen thuộc trong giới văn học nghệ thuật tại Houston. Nhà thơ Tô Thùy Yên nói là ông sẽ không ngạc nhiên nếu Du Tử Lê sẽ còn bước vào lãnh vực âm nhạc trong tương lai, sau khi đã bước vào hội họa:

“Tôi nghĩ một điều là trái tim và khối óc của anh Du Tử Lê chắc là nó bề bộn lắm, thành thử anh Du Tử Lê sau khi cảm thấy Thơ không đủ để diễn đạt những sự bề bộn đó, thì anh phải dùng tới hội họa. Thành thử ra tôi nghĩ có một lúc nào đó mà anh Du Tử Lê sáng tác nhạc thì tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên.”

Trong khi đó ông Phạm Thông, một họa sĩ và cũng là điêu khắc gia nổi tiếng của Houston, thì tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy họa phẩm của Du Tử Lê không chịu ảnh hưởng của các họa sĩ nổi danh và thân thiết với ông:

“Tôi rất ngạc nhiên, anh Du Tử Lê là một nhà thơ nổi tiếng, bạn bè anh rất nhiều là những họa sĩ nổi danh và trước khi tôi đến đây thì tôi nghĩ rằng anh cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng rất là ngạc nhiên, tôi thấy anh Du Tử Lê có một sắc thái riêng biệt, tranh của anh không giống bất cứ một ai cả. Cái điều đó làm tôi vô cùng cảm phục.”

Còn Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo là người sáng lập hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam tại Houston thì cho rằng tranh Du Tử Lê không thuộc một trường phái nào mà luôn phảng phất ý thơ Du Tử Lê:

“Điểm đặc biệt của tranh Du Tử Lê là chất thơ bàng bạc trong tranh như các cụ chúng ta vẫn nói ‘Thi trung hữu họa mà họa trung thì hữu thi’, trong thơ có họa mà trong họa thì có thơ.”

Đó là những lời nhận xét tiêu biểu về họa phẩm của Du Tử Lê. Khi được hỏi là nguyên do nào khiến ông kết nối với ‘người tình mới’ là hội họa, Du Tử Lê trả lời:

Và tôi tin là, hội họa là một ngôn ngữ quốc tế, tức là nó không cần đi qua một thông dịch nào cả...
Và tôi tin là, hội họa là một ngôn ngữ quốc tế, tức là nó không cần đi qua một thông dịch nào cả...
“Trước hết cảm ơn anh dùng chữ ‘người tình mới’, tôi thích cái chữ đó lắm. Tôi có cái tham vọng, có cái mơ ước chuyển thể thơ của mình qua bên một cái kênh về nghệ thuật, thì tôi thấy chỉ có hội họa nó gần với cái tham vọng của tôi nhất. Nói một cách khác là tôi muốn chuyển thơ của tôi qua đường nét và màu sắc.”

Và ông giải thích ưu điểm của hôi họa trong việc diễn tả ý tưởng như sau:

“Tại vì khi mình vào hội họa thì mình có thể thấy ngay những cái ý tưởng của mình hiện lên màu sắc và đường nét. Và tôi tin là, hội họa là một ngôn ngữ quốc tế, tức là nó không cần đi qua một thông dịch nào cả. Thí dụ tôi đọc một bài thơ thì nó phải đi qua óc, rồi óc tôi mới trả lời những chữ đó nghĩa là gì, nhưng màu sắc thì tôi nghĩ nó đi thẳng vào trái tim người ta. Có lẽ vì thế mà người ta gọi hội họa cũng như âm nhạc là tiếng nói quốc tế, là ngôn ngữ chung của thế giới.”

Những tác phẩm hội họa của Du Tử Lê được mọi người khen ngợi và đón nhận nhiệt tình dù chính ông không nhận mình là họa sĩ.

Riêng về phương diện tài chính, lần triển lãm đầu tiên này được coi là một sự thành công tốt đẹp vì hầu hết các họa phẩm của ông đã được bán trong 3 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên khi biết có một số bạn trẻ tỏ bày ước vọng bỏ hết mọi sự để theo chân Du Tử Lê, dấn thân vào con đường nghệ thuật, Du Tử Lê có những lời tâm sự chân tình, rút ra từ đời sống nghệ sĩ của chính ông và cũng là lời nhận xét của ông về những hy sinh của những người làm văn học nghệ thuật Việt Nam hiện tại:

“Lời khuyên thành thực nhất của tôi là nếu các bạn trẻ đã có cho mình một nghề nghiệp vững chắc, đủ nuôi mình và lo cho gia đình, thì tôi khuyến khích nên, hoặc đi theo hội họa, âm nhạc hoặc là thi ca,hoặc là văn chương. Nhưng nếu chưa, thì không nên. Tại vì nói chung là văn học và nghệ thuật của Việt Nam mình, cái thị trường nó chưa đủ sức để nuôi những người làm công tác văn học nghệ thuật và nếu vì đam mê như tôi, thì nó là một cái thất bại về phương diện thực tế đó và nó là một cái buồn phiền rất lớn lao cho đấng sinh thành. Tại vì ngày xưa, tôi giống như một tai họa của gia đình tôi và sau này khi ra đời, mặc dù tôi có nghề khác, nhưng mà nó cũng không có chu toàn, về vật chất đó, nói cho dễ hiểu, đối với gia đình và con cái.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG