Đường dẫn truy cập

Đi chợ ở Little Saigon thời lạm phát


Cư dân vùng Little Saigon đi chợ và cân nhắc giá cả
Cư dân vùng Little Saigon đi chợ và cân nhắc giá cả

Vật giá tăng cao và câu chuyện lạm phát tại Little Saigon không phải câu chuyện mang tính địa phương. Cả nước Mỹ đang đối mặt với tình trạng lạm phát.

Cư dân Little Saigon, du khách đến Little Saigon, California, gần đây than rằng, vật giá nơi thủ đô người Việt tị nạn tăng cao quá. Người mua sắm, nhất là những người nội trợ, luôn phải cân nhắc khi đi chợ trong vùng.

Đại dịch, hay lạm phát, hay cả hai yếu tố, làm giá cả gia tăng ảnh hưởng đến túi tiền người đi chợ?

Câu chuyện lạm phát tại Little Saigon không phải câu chuyện mang tính địa phương. Cả nước Mỹ đang đối mặt với tình trạng lạm phát.

Khi California cho phép mở cửa lại sau hơn một năm có lệnh giãn cách xã hội, Little Saigon và các nơi khác bừng lại sức sống, và điều này kéo theo nhu cầu ăn uống, đi lại, mua sắm, vui chơi, hội họp của cư dân trong vùng cũng như du khách gốc Việt đến từ các địa phương khác.

Trong lúc đó, nguồn cung cấp thực phẩm và vận chuyển hàng hóa không bắt nhịp kịp với yêu cầu tăng vọt của người tiêu thụ.

Sự chênh lệch giữa cung và cầu khiến giá cả tăng vọt – một bài toán cổ điển của kinh tế.

Coco Rico 6 lon từ $1.99 lên $3.99

Giá Coco Rico 6 lon tăng lên gấp đôi tại siêu thị
Giá Coco Rico 6 lon tăng lên gấp đôi tại siêu thị

Bà Tâm Lê, cư dân trong vùng Little Saigon, và đang đi chợ Saigon City Supermarket, cho VOA Tiếng Việt biết: “Mấy tháng trước giá cả đã lên rồi. Từ tháng Hai, cỡ chừng bốn tháng rồi. Như là Coco Rico, 6 lon, hồi đó có $1.99, bây giờ quất lên tới $3.99. Vật giá leo thang thì mình tiết kiệm lại một chút. Chứ ăn thì cũng phải ăn để sinh tồn. Nhưng mà mình sẽ tiết kiệm những cái khác không cần thiết. Giữa hai cái cần và thích, thì bây giờ cái cần hơn cái thích. Ăn thua là cái tươi hay không thôi.”

Theo quan sát của phóng viên đài VOA Tiếng Việt tại các chợ trong vùng Little Saigon, trung bình giá cả thực phẩm thiết yếu tại các chợ và siêu thị tăng gấp hai, hoặc hơn.

Bà Phụng, 72 tuổi, cư dân quận Somona County ở Bắc California, đang ở tại thành phố Anaheim, và đang đi chợ Á Đông trong khu Bolsa, Phước Lộc Thọ, chia sẻ với VOA Tiếng Việt: “Cái gì cũng lên hết. Rau cải mắm muối. Hồi nào tới giờ nước nắm chỉ có hai đồng mấy một chai, bây giờ năm đồng mấy một chai. Món gì mà dân chúng xài nhiều là nó lên. Thịt thì xuống giá, mà cá thì lên giá. Thịt đùi không có ai ăn nên giá xuống không tưởng tượng. Tôi bất ngờ.”

Bà Phụng cho biết “rất thích đi chợ.” “Một ngày kêu đi năm lần cũng đi được,” Bà nói với VOA Tiếng Việt. Mỗi hai tuần bà lái xe xuống Little Saigon thăm con cái, đi bác sĩ, đi chợ, và nấu ăn cho bạn bè.

Chủ chợ Saigon City Suppermarket, ông Peter Quế Mai, phân tích cụ thể về tình trạng tăng vọt của vật giá: “Hàng hóa tăng cao vì tiền vận chuyển hàng hóa, tiền xăng lên cao. Hơn nữa các nhà sản xuất không có đủ nhân viên. Nếu nhu cầu tiêu thụ tăng mà nguồn cung cấp thực phẩm không có thì giá cả phải lên rồi. Trung bình giá cả thực phẩm tăng từ 30 đến 40 phần trăm.”

Lạm phát chỉ là tạm thời

Thống kê chỉ số tiêu dùng (CPI) vào tháng Bảy, 2021 từ Bộ Lao Động Hoa Kỳ.
Thống kê chỉ số tiêu dùng (CPI) vào tháng Bảy, 2021 từ Bộ Lao Động Hoa Kỳ.


Lạm phát sẽ kéo dài bao lâu? Bà Janet Yellen, Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ, “tin rằng giá cả tăng vọt chỉ có tính cách tạm thời.” Bà Yellen nói sau buổi họp thượng đỉnh về tài chánh với bảy nước Châu Âu (G7) tại Luân Đôn hồi tháng Sáu vừa rổi.

Theo dữ liệu của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, lạm phát ở Mỹ đã lên tới mức 5.4% vào tháng Bảy, 2021. Cao nhất là giá xăng và giá xe cũ, tăng hơn 45 phần trăm so với năm ngoái. Giá dịch vụ vận chuyển tăng 10%. Thực phẩm tăng 2.4%. Trong đó, thực phẩm tiêu thụ trong nhà chỉ tăng gần 1% nhưng thực phẩm tiêu thụ ở ngoài tăng 4.2%.

Điều này phản ảnh nhu cầu vận chuyển đi lại tăng vọt, chiếm gần một nửa thị trường tiêu thụ tại Mỹ; đồng thời phản ánh đời sống và lòng tự tin của người dân khi lệnh cách ly xã hội được rút lại khiến nhu cầu hội tụ ăn uống bên ngoài tăng cao sau mùa đại dịch so với nhu cầu nấu ăn tại nhà.

Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) có khuynh hướng giữ mức lạm phát khoảng 2% vì xem đó là mức “lạm phát lành mạnh” theo tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thống kê từ Bộ Lao Động cho thấy lạm phát ở Mỹ đã lên đến 5.4% và có thể cao hơn trong những tháng tới.

Ông Jerome Powell, chủ tịch Fed, cho biết lạm phát đã tăng đáng kể và sẽ có thể leo thang trong vài tháng tới trước khi giảm bớt vì nguồn cung và mức độ sản xuất tùy vào khả năng đáp ứng nhanh hay chậm, và “vì chúng đang trong tình trạng ‘bottle neck’ (cổ chai nhỏ giọt)”. Tình trạng thiếu nhân viên có thể làm cho lạm phát kéo dài và cao hơn.

Lạm phát lên cao gần đây nhất ở Mỹ mà mọi người có thể nhớ là vào những năm thập niên 1980, khi mức lạm phát cao hơn 14%. Nếu ai mua nhà vào thời gian này có thể vẫn còn nhớ lãi suất ngân hàng cho mượn tiền để mua nhà lên đến 19% - 20% vào lúc đó.

VOA Express

XS
SM
MD
LG