Đường dẫn truy cập

Đề nghị của Mỹ tái cấm vận Iran bị chống đối tại Hội đồng Bảo an


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói chuyện với các nhà báo sau một buổi họp với các thành viên của Hội đồng Bảo an, kêu gọi tái áp đặt cấm vận của LHQ với Iran vì nước này không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. REUTERS/Mike Segar/Pool
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói chuyện với các nhà báo sau một buổi họp với các thành viên của Hội đồng Bảo an, kêu gọi tái áp đặt cấm vận của LHQ với Iran vì nước này không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. REUTERS/Mike Segar/Pool

Chính quyền Tổng Thống Trump đã bị chống đối ngay lập tức sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chính thức thông báo cho Liên Hiệp Quốc rằng Hoa Kỳ yêu cầu khôi phục lại tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Iran.

Các đồng minh cũng như các nước đối nghịch đều tuyên bố hành động của Mỹ là bất hợp pháp và chắc chắn sẽ thất bại.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Năm nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn có quyền hợp pháp để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ mặc dù Tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.

Nga và Trung Quốc cùng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu gồm: Anh, Pháp và Đức, vốn thường hay bất đồng với nhau, nhất trí tuyên bố hành động của Mỹ là "bất hợp pháp", viện lẽ một nước không thể rút khỏi một thỏa thuận rồi sau đó sử dụng nghị quyết làm nền cho thỏa thuận đó để tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Vụ tranh cãi này vẫn chưa ngã ngũ, nhưng động thái của Hoa Kỳ đã lót đường cho một cuộc tranh cãi ở LHQ, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín nhiệm đối với Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất của LHQ.

Ông Pompeo đến trụ sở Liên Hiệp Quốc để trao một bức thư cho đại sứ Dian Triansyah Djani của Indonesia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của HDBA.

Bức thư viện dẫn những vi phạm nghiêm trọng của Iran đối với Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015, còn gọi là JCPOA, một điều kiện để "áp đặt lại" các lệnh trừng phạt của LHQ.

Ông Pompeo nói thông điệp của ông rất đơn giản:

"Hoa Kỳ sẽ không bao giờ cho phép nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới tự do mua bán máy bay, xe tăng, tên lửa và các loại vũ khí khác ...và sẽ không cho phép nước này thủ đắc vũ khí hạt nhân."

Ông nói lệnh trừng phạt của LHQ sẽ tiếp tục các lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10; đồng thời cấm Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo và làm giàu hạt nhân, điều có thể dẫn đến một chương trình vũ khí hạt nhân mà Tehran khẳng định họ không hề theo đuổi.

Ngoại trưởng Pompeo mạnh mẽ chỉ trích “những người bạn của chúng tôi ở Đức, Pháp và Vương quốc Anh”, không ủng hộ nghị quyết của Hoa Kỳ để gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, sau khi nghị quyết này bị đánh bại với đa số áp đảo vào tuần trước.

Sau cuộc họp kéo dài 30 phút với ông Pompeo, Chủ tịch HĐBA tham vấn trực tiếp với 14 thành viên khác về tính hợp pháp của hành động của Mỹ, các nhà ngoại giao tại đây cho biết.

Theo các điều khoản trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an được ghi trong thỏa thuận hạt nhân, thông báo hôm thứ Năm bắt đầu đếm ngược 30 ngày, sau đó các lệnh trừng phạt trước năm 2015 của LHQ đối với Iran đã được nới lỏng sẽ được áp đặt trở lại trừ phi có một nghị quyết gia hạn nó. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn bất kỳ giải pháp nào gia hạn biện pháp giảm nhẹ lệnh trừng phạt.

Các nước châu Âu vẫn hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận tương nhượng trước khi lệnh cấm vận vũ khí Iran hết hạn vào ngày 18/10, khả dĩ có thể thu hẹp khác biệt quá lớn giữa Nga và Trung Quốc, hai nước ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm, với Hoa Kỳ, nước đang tìm cách gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận đối với Iran.

VOA Express

XS
SM
MD
LG