Đường dẫn truy cập

Dạy tiếng Việt: dễ hay khó? (3)


Dạy tiếng Việt: dễ hay khó? (3)
Dạy tiếng Việt: dễ hay khó? (3)

Lời tác giả: Việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (cho trẻ em Việt Nam ở hải ngoại cũng như cho người ngoại quốc ở Việt Nam và hải ngoại) đang phát triển mạnh mẽ. Điều này gợi ra nhiều vấn đề liên quan đến phương pháp giảng dạy vốn còn rất mới với người Việt Nam. Bài viết này chỉ nhắm đến mục đích nêu lên một số cái khó để mọi người cùng quan tâm. Vì bài viết khá dài, tôi xin chia làm bốn phần:

1. Dạy ngôn ngữ thứ hai bao giờ cũng khó
2. Khi ngôn ngữ thứ hai là một ngôn ngữ cộng đồng lại càng khó.
3. Bản thân tiếng Việt rất khó (1)
4. Bản thân tiếng Việt rất khó (2)
NHQ

***

Bản thân tiếng Việt khó

Dạy ngôn ngữ thứ hai: Khó. Dạy ngôn ngữ thứ hai mà lại là ngôn ngữ cộng đồng: càng khó. Khi ngôn ngữ thứ hai và là ngôn ngữ cộng đồng ấy là tiếng Việt: Lại càng khó hơn nữa.

Khó vì bản thân tiếng Việt khó.

Thanh điệu

Khó, trước hết, là vì thanh điệu. Thật ra, trên thế giới cũng có khá nhiều ngôn ngữ có thanh điệu (tonal language). Các ngôn ngữ có thanh điệu thường được chia ra làm hai loại: đơn giản và phức tạp. Những ngôn ngữ có hai loại thanh điệu, cao và thấp, được xem là đơn giản (simple tone system). Có từ ba thanh trở lên được xem là phức tạp (complex tone system). Tiếng Việt có sáu thanh, bằng tiếng Quảng Đông, nhiều hơn tiếng Lào và tiếng Thái (5 thanh) và cả tiếng Quan Thoại (bốn thanh), được xếp vào loại phức tạp. Hơn nữa, bởi vì hầu hết các loại ngôn ngữ có thanh điệu đều tập trung chủ yếu ở châu Phi (đặc biệt vùng Sub-Saharan) và châu Á (đặc biệt Đông Á và Nam Á), chúng trở thành xa lạ, và từ đó, khó học với tất cả những người nói tiếng Tây phương, nơi hầu hết đều thuộc loại phi-thanh điệu. (Ở châu Âu và châu Mỹ, thật ra, cũng có một số ngôn ngữ có thanh điệu; nhưng hầu hết đều rơi vào một trong hai trường hợp: một, chỉ là thanh điệu đơn giản - như tiếng Na Uy, Thụy Điển, Lithuanian, Latvian, Serbo-Croatian; hai, thuộc ngôn ngữ của các thổ dân - như ngôn ngữ thổ dân ở vùng Alaska, Tây Nam Mỹ và ngôn ngữ thuộc nhóm Ota-Manguean ở Mễ Tây Cơ.)

Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn sinh viên Tây phương phải mấy ít nhất một hai năm học toàn thời (thật ra, ở đại học, mỗi tuần chỉ học có vài ba tiếng; một năm trung bình khoảng trên 70 tiếng), mới có thể làm quen với các thanh điệu trong tiếng Việt. Mới đây, trong học kỳ 2 của năm học 2011, tôi thử làm một kiểm tra nhỏ về khả năng phân biệt thanh điệu của sinh viên Úc trong lớp Tiếng Việt Trung Cấp (Intermediate Vietnamese). Đầu tiên, tôi nói: "Ông ấy là một nhà thơ". Hầu hết các sinh viên đều hiểu. Tôi nói tiếp: "Chủ nhật nào ông ấy cũng đi nhà thờ." Họ hiểu. Tôi nói tiếp: "Làm việc mệt quá, ông ấy ngồi thở." Họ cũng hiểu. Tôi lảng sang chuyện khác. Khoảng năm, bảy phút sau, tôi nói với họ: "Nhà thơ và người thợ thở trong nhà thờ." Không ai hiểu cả. Tôi lặp lại lần thứ hai. Vẫn không hiểu. Lần thứ ba. Vẫn không hiểu.

Vậy, tại sao mấy câu đầu họ hiểu? Họ hiểu không phải vì họ nghe rõ thanh điệu. Mà chỉ vì, dựa trên ngữ cảnh, họ đoán. Chữ "thơ" trong câu "Ông ấy là một nhà thơ" không thể bị lẫn lộn với "thợ" (vì chữ "thợ" không kết hợp với chữ "nhà"), hay với chữ "thở" (vì "thở" cũng không đi liền với "nhà"), hay "nhà thờ" (vì chủ từ của câu là "ông ấy": một người không thể là một nhà thờ được!)

Trong câu "Nhà thơ và người thợ thở trong nhà thờ", ngược lại, không chứa đựng nhiều thông tin đủ để tạo nên một ngữ cảnh rõ ràng để dựa theo đó, sinh viên có thể đoán được. Họ đành bí.

Hình thái học

Cái khó thứ hai là ở hình thái học (morphology). Trong tiếng Việt, mỗi âm tiết đều được viết rời. Trước đây, quen nhìn như thế, tôi không thấy có vấn đề gì. Tuy nhiên, từ khi dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai cho sinh viên ngoại quốc, tôi mới phát hiện ra đó là một vấn đề lớn và khó giải quyết đối với sinh viên. Thường, học các ngôn ngữ được viết theo mẫu tự La Tinh, chỉ sau vài ba giờ, sinh viên có thể tự tra từ điển được. Với tiếng Việt, thời gian để làm được cái việc đơn giản ấy mất ít nhất là vài ba chục giờ. Lý do đơn giản: Sinh viên không thể phân biệt được từ và từ tố. Ví dụ, đọc câu "khuôn mặt anh ấy vàng vọt", thay vì tìm trong từ điển các từ "khuôn mặt", "anh ấy" và "vàng vọt", sinh viên thường có khuynh hướng tìm chữ "khuôn" (cast/mould), rồi chữ "mặt" (face), rồi chữ "anh ấy" (he/him/his), rồi chữ "vàng" (gold/yellow), và, cuối cùng, chữ "vọt" (spurt out). Ráp tất cả ý nghĩa ấy lại thành một câu, họ chẳng hiểu gì cả. Tại sao cái khuôn (để đúc) mặt anh ấy lại có vàng vọt lên? Một số người, suy nghĩ một cách thực dụng, giải thích: trong cái khuôn đúc có giấu vàng; một số người khác, giàu tưởng tượng và quen tư duy theo hình ảnh trong thơ, giải thích: mặt anh ấy rạng ngời lên như có một mỏ vàng mới được khám phá, v.v...

Những kiểu sai lầm như vậy cứ lặp đi lặp lại hoài. Học kỳ này sang học kỳ khác. Năm này sang này khác. Chỉ có điều là, may, mức độ càng ngày càng giảm.

Cách xưng hô

Trong các từ loại tiếng Việt, phức tạp nhất là đại từ xưng hô. Theo kinh nghiệm của tôi, phải mất ít nhất vài ba tháng, sinh viên ngoại quốc mới bắt đầu cảm thấy quen quen với cách xưng hô của người Việt, và có lẽ phải mất đến vài ba năm mới có thể sử dụng một cách tương đối thoải mái. Điều này cũng có thể thấy ngay trong giới trẻ Việt Nam sinh sống ở hải ngoại. Cũng vẫn lúng túng không biết xưng hô thế nào mỗi lần gặp người lạ.

Mà thật. So với hệ thống đại từ xưng hô của phần lớn các ngôn ngữ Tây phương, cách xưng hô của người Việt rắc rối hơn hẳn.

Thử so sánh hệ thống đại từ xưng hô trong tiếng Anh và trong tiếng Việt:

Số ít

Số nhiều

Ngôi thứ nhất

(I/We)

tôi / tớ / tao / ta / mình

chúng tôi / chúng tớ / chúng tao / chúng ta / chúng mình / mình

Ngôi thứ hai

(You)

mày / mi / ngươi / cậu

bay, chúng mày, tụi mày

Ngôi thứ ba (He/She/It/They)

Nó/hắn/y

Họ / chúng/ chúng nó /

Nhìn danh sách ở trên, chúng ta có thể thấy ngay là số lượng đại từ xưng hô trong tiếng Việt nhiều hơn hẳn tiếng Anh. Tuy nhiên, nên lưu ý, đây chỉ là danh sách sơ lược. Cực kỳ sơ lược. Trên thực tế, người Việt thường dùng các danh từ thân tộc và một số danh từ chỉ chức vụ để xưng hô. Chỉ riêng với các danh từ thân tộc, bảng xưng hô chỉ ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai sẽ rất dài. Dưới đây, tôi chỉ nêu lên một ít:

Ngôi thứ nhất

Ngôi thứ hai

Trong gia đình

Ngoài gia đình

Con

Cha/ba/bố/tía/thầy

Dùng “cha” để gọi linh mục

Con

Mẹ/má/mạ/u/bầm

Anh

Em (em ruột, em họ hoặc vợ)

Dùng “em” để gọi những người nhỏ tuổi hơn

Chị

Em (em ruột hoặc em họ)

Dùng “em” để gọi những người nhỏ tuổi hơn

Em

Anh (anh ruột, anh họ hoặc chồng)

Dùng “anh” để gọi bạn trai hoặc người ở vai anh (trong dòng họ) hoặc đáng tuổi anh (lớn hơn mình)

Em

Chị (chị ruột hoặc chị họ)

Dùng “chị” để gọi những người ở vai chị hoặc đáng tuổi chị (lớn hơn mình)

Cháu

Ông/bà/bác/chú/cô/dì/dượng

Dùng các từ này để gọi những người ngang tuổi với những người tương ứng trong thân tộc

Ông/bà/bác/chú/

cô/dì/cậu/mợ/dượng

Con/cháu

Dùng “con” hay “cháu” để gọi những người nhỏ tuổi, thuộc thế hệ con hoặc cháu của mình

Với người ngoại quốc, để nhớ tất cả các danh từ thân tộc ở trên để xưng hô cho đúng phải mất rất nhiều thời gian. Mà nhớ hết cũng chưa chắc đã dùng đúng đối với những người ở ngoài quan hệ thân tộc. Trên nguyên tắc, các sách dạy tiếng Việt đều ghi: dùng “em” để gọi những người đáng vai em trong gia đình, tức nhỏ tuổi hơn mình. Nhưng nhỏ hơn bao nhiêu thì có thể gọi được là em?

Trả lời câu hỏi ấy không phải là điều dễ. Bởi có khá nhiều yếu tố khác.

Trước hết là tùy độ tuổi. Trong lần gặp đầu tiên, một thanh niên 20 tuổi dễ dàng xưng “anh” và gọi “em” một cô gái 15 tuổi. Nhưng thêm 10 năm nữa, một người đàn ông 30 tuổi thường có chút dè dặt khi muốn gọi một phụ nữ 25 tuổi là em. Thêm 10 năm nữa, việc một người đàn ông 40 tuổi gọi một phụ nữ 35 tuổi là “em” và xưng “anh” ngay lần đầu mới gặp mặt thường bị xem là suồng sã. Càng về sau, việc xưng hô như thế càng bị xem là suồng sã. Ở tất cả các trường hợp này, khoảng cách tuổi tác bằng nhau: 5 năm.

Nói chung, theo quan sát của tôi, càng lớn tuổi, người ta càng dè dặt trong cách xưng hô. Ở lứa thanh niên hay trung niên, người ta dễ dàng xưng “anh/chị/em” và gọi người khác là “em/anh/chị”. Phần lớn những người cao niên, ngược lại, gọi tất cả những người mình mới gặp, dù chỉ đáng tuổi con hay cháu mình, bằng “anh” hay “chị” và xưng “tôi”.

Sau đó là quan hệ xã hội. Ngay cả với những người nhỏ tuổi hơn mình nhiều nhưng lại có chức tước cao hơn, người ta cũng không thể bỗ bã gọi là “em” hay “cháu”. Môi trường cũng là yếu tố quan trọng: Cách xưng hô ở cơ quan khác ở một bữa tiệc. Ngay trong một bữa tiệc, cách xưng hô cũng khác, tùy người. Ví dụ, tôi đến nhà bạn thân của tôi. Với mấy đứa em của bạn tôi, dù chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, tôi cũng gọi là “em” và xưng “anh”. Nhưng cũng trong bữa tiệc ấy, với một số người hàng xóm của bạn tôi, dù nhỏ hơn tôi cả chục tuổi, tôi vẫn gọi là “anh” hay ‘chị” và xưng “tôi”.

Với bản thân tôi, cách xưng hô thường thay đổi theo một số yếu tố:

1. Với đồng nghiệp trong lãnh vực giáo dục, tôi gọi mọi người, bất kể tuổi tác, là “anh” hay ‘chị” và xưng “tôi”.

2. Với đồng nghiệp trong giới văn nghệ, cách xưng hô linh động hơn.

  • Với những người thuộc lứa tuổi của ba tôi (sinh năm 1920), tôi thường gọi là “bác” và xưng “cháu”. Tuy nhiên, ở đây, cũng có một số ngoại lệ: Một số văn nghệ sĩ chỉ muốn được gọi là “anh” hay “chị”. Trong trường hợp đó, tôi cũng chiều theo họ, gọi họ là “anh/chị”. Thoạt đầu, thấy cũng hơi ngường ngượng; sau, quen dần.
  • Với những người sinh khoảng thập niên 1930 hay 1940, tức lớn hơn tôi khoảng từ 10 đến hơn 20 tuổi, tôi thường gọi là “anh/chị” và xưng là “em” nếu thấy thân thiết, hoặc “tôi”, nếu thấy có khoảng cách nào đó.
  • Với những người lớn hay nhỏ hơn tôi vài tuổi, cách xưng hô thường là “anh/chị/tôi” hay “ông/tôi”.
  • Với những người trẻ hơn, thậm chí đến vài ba chục tuổi, tôi cũng thường gọi “anh/chị”; thân hơn thì gọi bằng tên; thân lắm mới gọi là “em”.

Tôi nghĩ phần lớn người Việt Nam đều có lối ứng xử tương tự trong văn hóa xưng hô. Tuy nhiên, tôi cũng biết có một số trường hợp khá đặc biệt. Nhà văn Mai Thảo sinh năm 1927, nhà thơ Vũ Hoàng Chương sinh năm 1915 (trên giấy tờ ghi năm 1916), lớn hơn Mai Thảo 12 tuổi. Vậy mà, nói chuyện với nhau, hai người vẫn mày mày tao tao với nhau.[1] Nhà văn Kiệt Tấn, sinh năm 1940, nhỏ hơn Mai Thảo 13 tuổi, cũng vẫn mày mày tao tao với Mai Thảo.[2] Hiện tượng mày mày tao tao giữa những người lệch tuổi đến mười mấy, hai mươi như vậy trong giới văn nghệ có lẽ không hiếm.

Ngoài ra, còn có hiện tượng người ta thay đổi cách xưng hô ngay trong một câu chuyện. Đang vui vẻ và ngọt ngào thì anh anh em em; sau, tự dưng đâm cãi cọ, thành ông tôi; sau nữa, giận quá, thì mày tao. Trong truyện ngắn “Về lại bức tranh xưa”, Nguyễn Quang Sáng kể về cuộc hội ngộ kỳ thú giữa hai cha con trong rừng thời chiến tranh. Họ xa nhau từ lúc đứa con còn bé tí. Sau đó, tình cờ gặp nhau trong chiến khu. Hỏi chuyện nhau một lúc, người cha bỗng nhận ra thằng bé chính là con mình. Ông la lên:

“Đ.m.! Tao là ba mày. Minh! Ba là Mười Biện đây con!”[3]

Chỉ trong một câu ngắn, ngôi thứ nhất biến từ “tao” đến “ba” và ngôi thứ hai thì từ “mày” đến “con”.

Tất cả những điều kể trên, với những người sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ thứ nhất, không có gì khó hiểu. Nhưng để dạy cho những người học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai thì lại khác. Ở đây, cần hai năng lực khác: giải thích và hướng dẫn. Nhưng, trong tình trạng thiếu những tài liệu công cụ cần thiết được giới nghiên cứu ngôn ngữ học cung cấp như hiện nay, hai năng lực ấy lại tùy thuộc vào hai năng lực khác của người đi dạy: khái quát hóa và hệ thống hóa. Từ vô số những biến thể của cách xưng hô, người đi dạy cần tìm một sơ đồ đơn giản, dễ nhớ và dễ áp dụng nhất. Nhưng lại không được sai.

Đó không phải là điều dễ.

[1] Mai Thảo có kể điều này trong bài viết "Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương". Có thể đọc trên http://sachxua.net/forum/index.php?topic=10801.0.

[2] Ít nhất là trong lúc say rượu trong một buổi tiệc tiếp đãi Mai Thảo ở nhà Kiệt Tấn khoảng năm 1990. Lúc ấy có tôi tham dự.

[3] Truyện ngắn hay 1998, tập 2, nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, tr. 133.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG