Đường dẫn truy cập

Đằng sau cái ôm Tập-Putin, Trung Quốc là đối tác ‘cấp trên’


Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, ngày 16/5/2024 (ảnh do Thông Tấn Xã nhà nước Nga Sputnik phân phối)
Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, ngày 16/5/2024 (ảnh do Thông Tấn Xã nhà nước Nga Sputnik phân phối)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nổi tiếng là người thể hiện tình cảm nơi công cộng.

Vì vậy, cái ôm kép của ông Tập dành cho người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, vào tuần trước – được chiếu trên truyền hình nhà nước Trung Quốc và Nga – được nhiều người coi là một tín hiệu có tính toán cho thế giới về mối quan hệ cá nhân và địa chính trị đang nở rộ.

Chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa Moscow và Bắc Kinh khi hai nước ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn, ngay cả khi phương Tây cố gắng cô lập Moscow sau khi nước này xâm lược Ukraine.

Sự nồng nhiệt cá nhân

Việc thể hiện sự nồng nhiệt cá nhân được kết hợp bằng một loạt nghi lễ cấp nhà nước xa hoa, bề ngoài có vẻ là đánh dấu kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao.

“Đây là lựa chọn chiến lược chung của cả hai nước nhằm tăng cường hợp tác chiến lược, mở rộng hợp tác cùng có lợi và tuân theo xu hướng lịch sử chung về đa cực trên thế giới và toàn cầu hóa kinh tế”, ông Tập nói với ông Putin trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 16/5.

Ông Putin ca ngợi thương mại song phương ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc, theo ông, đã đạt 240 tỷ đô la hàng năm - đồng thời đề cao tham vọng bán thêm dầu và khí đốt cho Bắc Kinh.

“Nga sẵn sàng và có khả năng cung cấp liên tục và đáng tin cậy cho kinh tế, doanh nghiệp, các thành phố, các thị trấn Trung Quốc nguồn năng lượng, ánh sáng và nhiệt lượng thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng”, ông Putin nói sau chuyến thăm thành phố Cáp Nhĩ Tân phía bắc Trung Quốc.

Hợp tác sâu sắc

Theo bà Liana Fix thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Washington, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Trung Quốc đã đạt được mục tiêu đề ra.

“Ngay sau lễ nhậm chức của ông Putin, việc này đã có tác dụng hợp pháp hóa nhiệm kỳ tổng thống thứ năm của ông trên trường quốc tế, chứng tỏ rằng ngay cả khi phương Tây không chấp nhận cuộc bầu cử của ông là tự do và công bằng, thì Trung Quốc vẫn coi ông là nhà lãnh đạo hợp pháp.”

“Thứ hai, nó phục vụ mục đích tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước này, đặc biệt bằng cách né tránh các chế tài của Mỹ đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc vì tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga, và tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp tục giao hàng cho cỗ máy chiến tranh của Nga,” bà Fix nói với đài VOA trong một email.

Sự lạnh nhạt của châu Âu

Chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc diễn ra vài ngày sau khi ông Tập tới châu Âu, nơi các nhà lãnh đạo EU cố gắng thuyết phục ông chấm dứt ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nhà phân tích Velina Tchakarova, người sáng lập công ty tư vấn địa chính trị FACE, cho biết rõ ràng là họ đã thất bại.

“Trung Quốc cung cấp huyết mạch chính cho Nga. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc cũng đã tạo tiền đề để Nga không bị cô lập trên trường quốc tế. Nga đã chính thức tuyên bố rằng họ đang đi theo hướng một cuộc chiến lâu dài mà họ muốn giành chiến thắng, và ở đây chúng ta thấy rõ rằng Trung Quốc đang đứng về phía Nga”, bà Tchakarova nói với VOA.

Mối đe dọa dân chủ

Theo tác giả Anne Applebaum, cây bút của tạp chí The Atlantic, ông Tập và ông Putin thống nhất với nhau vì các mục tiêu địa chính trị, và lý tưởng chuyên quyền của họ đe dọa các xã hội dân chủ.

Bà Applebaum nói: “Điểm chung của họ là không thích thế giới dân chủ, không thích ngôn ngữ dân chủ cũng như các lý tưởng về tự do, công lý, pháp quyền và sự minh bạch”. “Và họ sẵn sàng cùng nhau chiến đấu chống lại chúng. Đó là một thách thức trọng tâm từ thế giới chuyên quyền, và nó đang tấn công cả công dân và đồng minh trên khắp thế giới, và chúng ta cần phải đối mặt với nó.”

Quan hệ không cân bằng

Bà Applebaum cho biết, mối quan hệ đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.

“Họ có thể có lợi ích trong việc làm suy yếu nước Nga. Một nước Nga yếu hơn phải bán cho họ dầu và khí đốt với giá thấp hơn. Một nước Nga yếu hơn là một đồng minh dễ uốn nắn hơn, là một tay chơi yếu hơn trên sân khấu. Và có lẽ họ đang hy vọng vào điều đó. Khá rõ ràng rằng Nga là đối tác cấp dưới trong liên minh này, đây không phải là điều mà chúng tôi có thể nghĩ đến cách đây vài thập niên,” bà nói với VOA.

Ông Putin sẽ đón tiếp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10 ở Nga, khi cả hai nước đều tìm cách thu hút sự ủng hộ toàn cầu cho tầm nhìn của họ coi Bắc Kinh và Moscow là những nước đóng vai trò quan trọng trong một thế giới đa cực mới.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG