Đường dẫn truy cập

Dấn thân độc đáo của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn


Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Vụ xử án luật sư Cù Huy Hà Vũ là sự kiện rất nóng trong tháng 4 vừa qua. Đã có hơn 1.000 trí thức, cán bộ, luật sư, sinh viên ký kiến nghị đòi trả lại tự do cho anh. Chính quyền các nước Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Thụy Điển…và nhiều tổ chức quốc tế tỏ rõ thái độ bất bình, phê phán cuộc xử án là phi pháp, đi ngược lại cam kết của chính phủ Việt Nam là xây dựng chế độ pháp trị công minh. Vụ xử án đã nâng cao thêm vị thế của bị cáo và hạ rất thấp tư thế của nền tư pháp và chế độ chính trị của đảng CS Việt Nam.

Nhà nghiên cứu giáo dục kiêm dịch giả Phạm Toàn công khai chỉ trích phiên tòa là mang tinh chất lưu manh, vì dùng quyền lực để hiếp đáp một công dân yêu nước, với một mức án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế rất tàn ác.

Nhà thơ Hoàng Thanh Trúc nổi cơn giận dữ trước vụ án bất lương, bật lên những câu thơ cảm khái gửi cho viên thẩm phán Nguyễn Hữu Chính chủ tọa Hội đồng xét xử:

Chúng là người, nhưng sao nhìn giống ngợm
Lũ đười ươi xa lạ giữa chốn người
Không nghĩa nhân, không chút tình dân tộc
Chỉ biết còng lưng biết phận tôi đòi
Chúng ngồi đó, khoác áo xiêm công lý
Mặt ngây ngô như những kẻ sắm tuồng
Vào vai quan viên thân phàm ác quỷ
Miệng lưỡi ca ngôn ngữ lũ ma vương
Chúng là người, cũng cha sinh, mẹ đẻ
Cũng đói – ăn, cũng khát - uống, như người
Nhưng khác người, chúng không còn liêm sỷ
Khúm núm dạ vâng, theo đóm ăn tàn!

Viên thẩm phán Nguyễn Hữu Chính hãy ngâm nga cho kỹ bài thơ này và nhớ chuyển cho viên thẩm phán nào sắp chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử luật sư Cù Huy Hà Vũ.

Em sinh viên Nguyễn Anh Tuấn đang học năm thứ 3 của Học Viện Hành chánh Hà Nội có một kiểu phản ứng riêng, độc đáo đối với phiên tòa.

Em theo dõi rất kỹ vụ án này, vì vốn là người ngưỡng mộ trí tuệ và nhân cách của luật sư Hà Vũ. Trong máy điện toán của em có lưu giữ trong bộ nhớ một số bài viết của anh Hà Vũ. Em cho rằng nếu anh Hà Vũ bị tù thì hàng vạn, hàng chục vạn người tàng trữ những bài viết của Hà Vũ, tán đồng quan điểm chính trị của Hà Vũ như: chuyển hệ thống độc quyền đảng trị sang hệ thống đa đảng đa nguyên, từ đảng trị sang pháp trị, từ quan hệ quốc tế Bắc thuộc trên thực tế sang liên minh với thế giới dân chủ văn minh, thì hàng vạn, hàng chục vạn người ắt cũng phải vào ngồi tù 7 năm như anh Hà Vũ.

Thế là anh bạn trẻ thảo đơn tự thú là mình có tội, tàng trữ tài liệu chống chế độ, yêu cầu Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội hãy ra lệnh truy tố và đưa anh ra xét xử đàng hoàng, công khai. Lý lẽ của anh rất xác đáng. Mọi công dân là bình đẳng. Cùng phạm tội như nhau thì phải bị trừng phạt như nhau.

Anh cho rằng nếu chính quyền không truy tố sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, không mở phiên tòa xét xử anh như đã xử Ls Hà Vũ thì anh là người vô tội, do đó Ls Hà Vũ cũng phải được coi là người vô tội và phải được tự do ngay.

Thế là chính quyền bị dồn vào thế kẹt cứng. Trả lời ra sao cho lá đơn có vài trăm chữ của em sinh viên 20 tuổi trẻ mà thông minh, dũng lược dấn thân độc đáo như vậy. Họ đành lặng im, coi như không có chuyện gì hết.

Chắc chắn Bộ Chính trị biết rõ chuyện này, rất lo sự phản ứng như thế này lây lan trong giới trẻ, vì họ không có cách nào đối phó. Nỗi lo sợ đang ở giữa thời kỳ đổi ngôi. Như ở Bắc Phi vậy.

Họ chỉ mong với thời gian, mọi chuyện sẽ yên. Nhưng sóng gió vẫn nổi lên, giông bão còn nổi lên. Các trang internet truyền đi, hàng trăm blogger truyền đi, các paltalk mở tranh luận, mạng Dân làm báo với những tay gõ phím cừ khôi Nguyễn Bá Chổi, Thiên Sầu Nguyễn Thanh Tú, Lê Bi, Đoan Trang, Võ Đông Hà, Paulus Lê Sơn…, rồi mạng Anh Ba Sàm, rồi ngoài nước, các đài phát thanh VOA, RFI, BBC, RFA…truyền đi rất nhanh, rất rộng về hiện tượng Nguyễn Anh Tuấn, bức ảnh điềm đạm kiên nghị của anh, lá đơn của anh, với bao nhiêu là bình luận, ca ngợi, khuyến khích và bài học thu nhận được ở anh...

Các bạn sinh viên trường Y dược, trường Văn hóa, trường Bách khoa Hà Nội, cùng các bạn trẻ các trường Luật và Sư phạm trong Sài Gòn đang bàn luận về hiện tượng Nguyễn Anh Tuấn. Theo tin từ trong nước, các bạn sinh viên nam nữ chú ý nhiều đến cách dấn thân độc đáo, thông minh, sâu sắc của bạn Anh Tuấn, chú ý đến động cơ của anh như anh viết trong đơn tự thú: «tôi làm điều này để bảo vệ nền pháp quyền non trẻ của đất nước tôi», và «tôi không thể tiếp tục thỏa hiệp với nỗi sợ hãi và sự hèn nhát của bản thân mình».

Lá đơn tự thú kết luận: «… sẽ rất là hổ thẹn nếu tôi im lặng, bàng quan trước những bất công đang rõ ràng hiện hữu».

Các bạn trong nước cho biết chỉ có rất ít người cho rằng anh Tuấn «muốn làm cho mình nổi tiếng », «dại dột làm chính trị», «khéo mà mang vạ vào thân», nhưng số đông rất quý mến việc làm của anh, tỏ thiện chí, khuyến khích và sẵn sàng bảo vệ anh nếu anh gặp nạn. Anh đã tạo nên một sự kiện chính trị hấp dẫn, sôi nổi, làm náo động cả giới trẻ, sẽ còn kéo dài với thời cuộc.

Giữa lúc lãnh đạo đảng và nhà nước chỉ mong muốn thanh niên lao vào ăn chơi, nhảy múa, hội hè, thi hoa hậu, đua nhau mua sắm, tiêu xài, ăn diện, lo kiếm tiền bằng mọi cách, thì vẫn còn không ít thanh niên, học sinh, sinh viên, bạn trẻ quan tâm đến đất nước và nhân dân, tìm cách dân thân cho tương lai dân tộc.

Đây là dấu hiệu rất tốt về sức khỏe chính trị của dân tộc ta, thế hệ nào cũng có những con người yêu thương đất nước mình, quý trọng nhân dân mình, sãn sàng dấn thân cho nghĩa lớn, nêu tấm gương sáng lôi cuốn thế hệ mình tham gia sự nghiệp chung và cấp bách cứu dân, cứu nước.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG