Đường dẫn truy cập

Dân Đài Loan biểu tình đòi hủy bỏ hiệp định thương mại với TQ


Sinh viên biểu tình mặc áo đen như một biểu tượng của điều mà họ gọi là sự hắc ám trong cách thức hoạt động của chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu.
Sinh viên biểu tình mặc áo đen như một biểu tượng của điều mà họ gọi là sự hắc ám trong cách thức hoạt động của chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu.
Hơn 100.000 người biểu tình bên ngoài dinh Tổng thống Đài Loan hôm chủ nhật để đòi hủy bỏ một hiệp định thương mại với Trung Quốc. Nhưng những người biểu tình, hầu hết là người trẻ, dường như không lo ngại cho mấy về việc làm ăn mua bán với đối thủ chính trị ở Bắc Kinh, mà thật ra họ cảm thấy bất mãn về cách thức hoạt động của chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc.

Đoàn người biểu tình, được ước tính từ 100.000 đến 400.000 người, đã tràn ngập các đường phố và các trạm xe điện ở trung tâm thành phố Đài Bắc hôm chủ nhật. Họ mặc áo đen như một biểu tượng của điều mà họ gọi là sự hắc ám trong cách thức hoạt động của chính quyền. Họ đòi chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu hủy bỏ một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tự do hóa hoạt động đầu tư trong khu vực dịch vụ của đôi bên.

Một số người biểu tình e rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng thỏa thuận này để thúc ép đảo quốc tự trị Đài Loan thống nhất với Hoa Lục. Trung Quốc lâu nay vẫn xem Đài Loan là lãnh thổ của họ từ khi cuộc nội chiến giữa hai phe Quốc gia và Cộng Sản chấm dứt năm 1949.

Nhưng hầu hết những người biểu tình cảm thấy bất mãn về việc chính phủ Mã Anh Cửu đã ký hiệp định này hồi tháng 6 mà không cho dân chúng biết rõ. Anh Mạch Bác Tuấn, một sinh viên biểu tình, nói rằng anh không biết nội dung của hiệp định là gì.
Đoàn người biểu tình, từ 100.000 đến 400.000 người, đã tràn ngập các đường phố và các trạm xe điện ở trung tâm thành phố Đài Bắc
Đoàn người biểu tình, từ 100.000 đến 400.000 người, đã tràn ngập các đường phố và các trạm xe điện ở trung tâm thành phố Đài Bắc
"Tôi không phản đối hiệp định, nhưng vấn đề là chính phủ đã thông qua hiệp định này trước khi nói rõ nội dung của nó. Điều này làm cho giới trẻ không biết được tương lai của mình sẽ ra sao. Tôi mong chính phủ trình bày một cách rõ ràng cho dân chúng về tất cả mọi thứ trong hiệp định, thay vì chỉ tuyên bố tại các cuộc họp báo rằng đây là một hiệp định rất tốt."

Cuộc biểu tình hôm chủ nhật diễn ra sau khi các sinh viên xông vào Viện Lập pháp hôm 18 tháng 3. Thoạt đầu, hàng trăm sinh viên đã chiếm bục phát biểu trong phòng họp của quốc hội để đòi các nhà lập pháp xem xét hiệp định thương mại dịch vụ này từng điều khoản một thay vì biểu quyết trọn gói. Nhưng bây giờ họ đòi chính phủ hủy bỏ hiệp định và thương thuyết lại.

Những cuộc biểu tình trước đây ở Đài Loan nhằm chống lại việc siết chặt quan hệ với Trung Quốc đã tập trung vào điều được cho là những mối đe dọa của Bắc Kinh trong lãnh vực chính trị. Nhưng 20 thỏa thuận mà Tổng thống Mã Anh Cửu đã ký kết với Bắc Kinh từ đó tới nay đã mang lại nhiều lợi ích cho giới doanh thương của đảo quốc này và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho dân chúng ở đây. Các giới chức chính phủ nói rằng thỏa thuận về thương mại dịch vụ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khu vực dịch vụ, chiếm đến 69% sản lượng kinh tế, của nền kinh tế Đài Loan.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2008, Tổng thống Mã Anh Cửu đã phá vỡ tình trạng băng giá kéo dài 60 năm của mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan qua việc ký kết một loạt các hiệp định kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Những người biểu tình giờ đây muốn chính phủ để cho dân chúng biết thêm về các thỏa thuận trước khi ký kết. Lâu nay các thỏa thuận thường được ký kết tại Trung Quốc sau những cuộc họp riêng tư giữa các đảng cầm quyền của đôi bên.

Dân chúng Đài Loan mới đây lại cảm thấy bất mãn đối với việc không có một chương trình nghị sự rõ ràng khi đôi bên tổ chức cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đầu tiên hồi tháng 2. Nhiều người cũng chỉ trích Tổng thống Mã Anh Cửu về sự ứng phó mà họ cho là chậm chạp đối với các vấn đề trong nước.

Ông Lâm Trung Bân, một nhà phân tích chính trị Đài Loan, cho biết sự bất mãn đó đã sôi sục trở lại trong tháng này.

"Đây là kết quả của sự bất mãn tích lũy lâu ngày. Trung Quốc là bối cảnh chớ không phải là yếu tố chính."

Quốc Dân Đảng đương quyền ở Đài Loan đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng đòi họ nhượng bộ trước những đòi hỏi của các sinh viên chiếm cứ quốc hội trong lúc các cuộc bầu cử cấp địa phương sẽ diễn ra trong năm nay. Nhưng chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu nói rằng 20 cuộc điều trần đã được tổ chức về hiệp định thương mại mậu dịch và có một cơ chế để bảo đảm là những thỏa thuận với Trung Quốc không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Đài Loan. Ông Mã Anh Cửu tuyên bố ông sẽ không hủy bỏ thỏa thuận này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG