Đường dẫn truy cập

Đại sứ Mỹ gặp Giám mục Nguyễn Thái Hợp


Giám mục Nguyễn Thái Hợp và Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Hà Nội. (Ảnh chụp từ Facebook Ted Osius)
Giám mục Nguyễn Thái Hợp và Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Hà Nội. (Ảnh chụp từ Facebook Ted Osius)

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius vừa có cuộc gặp với Giám mục Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh.

Hôm 19/10 đại sứ Mỹ thông báo trên Facebook: “Thật là tuyệt vời được tiếp đón Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp từ giáo phận Vinh.”

Nhà ngoại giao Mỹ không tiết lộ chi tiết nội dung trao đổi với giám mục, nhưng không loại trừ khả năng hai bên nói về vụ giáo dân khiếu kiện nhà máy Formosa Hà Tĩnh vì gây ô nhiễm môi trường và vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Năm năm trước đây, Đại sứ Hoa Kỳ tiền nhiệm, David Shear, khi họp với cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon, Nam California nói rằng vào tháng 9 năm 2012 ông có vào Nghệ An để thăm đức giám mục Hợp nhưng khi đến nơi, ông được chính quyền thông báo là “cuộc gặp sẽ không diễn ra được.”

Trước đây, giám mục Hợp đã công du châu Âu và Đài Loan, vận động quốc tế, đồng hành cùng các ngư dân các tỉnh miền Trung, trong đó có giáo dân ở giáo phận Vinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vụ ô nhiễm môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra.

Giám mục Nguyễn Thái Hơp vào tháng 8 năm nay, viết thư cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đại diện cho gần 600,000 giáo dân trong Giáo Phận Vinh, bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, nói: “Chúng tôi là nạn nhân trực tiếp của thảm trạng gây ô nhiễm của công ty Formosa Hà Tĩnh vào ngày 6/4/2016.”

Sau biến cố ô nhiễm khủng khiếp này, Giáo phận đã thành lập Ban Hỗ Trợ Nạn nhân Ô nhiễm Môi trường Biển với mục đích hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân Formosa Hà Tĩnh đòi lại công bằng, công lý.

Trong thư, người đứng đầu giáo phận Vinh yêu cầu chính phủ Đài Loan xem xét sự nghiêm trọng của vấn đề này nhằm đảm bảo các quyền con người và tránh tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trả lời phỏng vấn VOA vào tháng 5, giám mục Nguyễn Thái Hợp nói những câu hỏi rất căn bản của người dân như nguyên nhân của thảm họa, tác hại của nó thế nào, kéo dài bao lâu, khi nào biển miền Trung được khôi phục trở lại… vẫn chưa được chính quyền trả lời thỏa đáng.

“Cho tới hôm nay, tôi thấy rằng chúng tôi chỉ gặp được những câu trả lời một cách rất mị dân và vô trách nhiệm. Có những người trả lời một cách vô trách nhiệm rằng biển miền Trung cũng như dân tộc Việt Nam oai hùng nên nó tự có thể tẩy xóa được thảm họa, những chất độc trở lại tình trạng ban đầu.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG