Đường dẫn truy cập

Đại sứ Anh quan ngại về bản án tù nặng nề dành cho nhóm Hiến Pháp


Các bị cáo tại phiên xét xử Nhóm Hiến Pháp hôm 31/7 ở TP HCM. Đại sứ Anh tại Việt Nam, và trước đó là Chính phủ Mỹ, lên tiếng quan ngại về bản án tù lên tới 40 năm dành cho 8 thành viên của nhóm bị cáo buộc "phá rối an ninh." (Ảnh chụp màn hình TTXVN)
Các bị cáo tại phiên xét xử Nhóm Hiến Pháp hôm 31/7 ở TP HCM. Đại sứ Anh tại Việt Nam, và trước đó là Chính phủ Mỹ, lên tiếng quan ngại về bản án tù lên tới 40 năm dành cho 8 thành viên của nhóm bị cáo buộc "phá rối an ninh." (Ảnh chụp màn hình TTXVN)

Chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về việc Việt Nam kết tội và tuyên án tám thành viên của tổ chức xã hội dân sự Hiến Pháp lên tới 40 năm tù giam, Đại sứ Anh tại Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại trước các mức án mà ông gọi là “nặng nề” dành cho những “người bảo vệ nhân quyền của Việt Nam.”

Nhóm 8 người có tên Hiến Pháp bị đưa ra xét xử hôm 31/7 tại một toà án ở TP HCM của Việt Nam, với bản án nặng nhất là 8 năm tù và thấp nhất là 2 năm rưỡi, với cáo buộc “phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ luật Hình sự 2015.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus hôm 13/8 ra thông cáo nói rằng Mỹ “quan ngại về xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và những bản án nặng nề giành cho những nhà hoạt động ôn hoà kể từ đầu năm 2016.”

Bốn ngày sau đó, Đại sứ Anh tại Hà Nội Gareth Ward đưa ra một tuyên bố trong đó cho biết ông “quan ngại khi biết tin về các bản án nặng nề tuyên cho 8 người bảo vệ nhân quyền của Việt Nam hôm 31/7 vì tìm cách nâng cao nhận thức của mọi người về các quyền cá nhân của họ đã được quy định trong hiến pháp của Việt Nam cũng như theo các tuyên bố và thoả thuận mà Việt Nam đã tham gia.”

Theo truyền thông trong nước, các thành viên của nhóm Hiến Pháp là những người “có tư tưởng bất mãn với chính quyền,” thường xuyên tiếp xúc với các “thông tin có nội dung xấu trên mạng xã hội,” và “kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình” thông qua các chia sẻ trên Facebook.

“Tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông tự do cũng là những đặc trưng cần thiết làm nền tảng cho nhà nước pháp quyền và thúc đẩy phát triển, mà điều này đặc biệt quan trọng hiện nay trong bối cảnh tác động về kinh tế mà COVID-19 đã và đang tiếp tục gây ra trên thế giới,” Đại sứ Ward nói trong tuyên bố được đăng tải trên trang Twitter chính thức của Đại sứ quán Anh ở Việt Nam.

Ông Ward bày tỏ sự ấn tượng của mình về “sự cởi mở mà Việt Nam cho thấy trong thời gian đại dịch khi cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết để được an toàn và giúp Việt Nam ngăn chặn COVID-19 một cách hiệu quả.”

Do đó Đại sứ Anh “hy vọng rằng Việt Nam sẽ thay đổi cách tiếp cận tới những người cổ vũ cho tự do biểu đạt cũng như phương tiện truyền thông tự do và xem họ không phải là một mối hiểm hoạ mà là có lợi cho sự phát triển của Việt Nam cũng như là một điều gì đó làm cho Việt Nam mạnh hơn.”

Vụ xét xử nhóm Hiến Pháp cùng với các vụ bắt giam gần đây gồm các thành viên Hội Nhà báo Độc lập và các bản ánh nhiều năm tù dành cho các nhà hoạt động vì môi trường như Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hoá đã khiến quốc tế quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Robert Destro hôm 14/8 nói tại một buổi thảo luận “Ngày Vận động cho Việt Nam 2020” trực tuyến qua mạng rằng “mọi cá nhân tại Việt Nam phải được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị trả thù.”

Chính phủ Việt Nam luôn bác bỏ những chỉ trích về vi phạm nhân quyền từ các tổ chức quốc tế và luôn khẳng định rằng họ không bắt giam ai vì bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người vi phạm pháp luật Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG