Đường dẫn truy cập

Đại hội 13: Mười bảy ông sao có mỗi một bà


Bộ Chính Trị có 17 ông và một bà. (Hình: Trích xuất từ VnExpress.net)
Bộ Chính Trị có 17 ông và một bà. (Hình: Trích xuất từ VnExpress.net)

Mười tám nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam vừa được quyết định vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng Một. Vị trưởng đảng theo gương của Vladimir Putin ở Nga hay Tập Cận Bình ở Trung Quốc đã quyết định tại vị càng lâu càng tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 66 tuổi, sẽ chuyển sang ghế chủ tịch nước, gánh bớt một ghế cho người cao niên mà nếu ở hết nhiệm kỳ sẽ chuẩn bị sang tuổi 82. Thay ông Nguyễn Xuân Phúc là chính trị gia Phạm Minh Chính, 62 tuổi, hiện đang là Trưởng ban tổ chức trung ương.

Còn tại Quốc hội, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Hà Nội, sẽ thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân ở ghế chủ tịch. Và đây là điều đáng nói vì trong cái gọi là tứ trụ lại toàn các ông trong khi một nửa dân số Việt Nam là nữ giới.

Đáng buồn hơn số nữ giới trong Bộ Chính trị giờ chỉ còn một, so với ba của nhiệm kỳ trước. Người duy nhất đó là bà Trương Thị Mai, sinh năm 1958, Trưởng Ban dân vận trung ương. Tất cả 53 dân tộc thiểu số Việt Nam, vốn chiếm 15% dân số, cũng không có đại diện trong Bộ Chính trị.

Như vậy có thể nói nhóm chưa tới 20 đàn ông người Kinh, đa số đã già, sẽ quyết mọi thứ trong một quốc gia mà dân số còn rất trẻ. Nếu ở Việt Nam có một đảng đối lập, chẳng hạn Đảng 54 Dân tộc, mà có cơ cấu lãnh đạo cao cấp như của Đảng Cộng sản hiện nay thì báo Đảng Cộng sản sẽ tấn công họ “chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc” và “trọng nam khinh nữ”.

Nhưng khi chính Đảng Cộng sản làm vậy, ai mà nói ngược có khi sẽ lại bị kết tội chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Không có đảng đối lập và thiếu tự do ngôn luận nó khổ thế đấy.

Theo tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 99,1 nam/100 nữ. Cũng theo điều tra này, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm tới 68% trong khi số người trên 65 tuổi, trong đó có hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc, chỉ chiếm chưa tới 8%. Số người dưới 15 tuổi chiếm chừng 24% dân số.

Với các con số thống kê này, Việt Nam được cho là đang ở thời kỳ dân số vàng. Nếu có sự lãnh đạo đúng đắn và cấp tiến, khả năng Việt Nam sớm vươn lên đứng đầu khối 10 nước Đông Nam Á trong ASEAN là hoàn toàn có thể. Nhưng mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 do chính Đảng Cộng sản đề ra nay đã bị đẩy lùi tới một phần tư thế kỷ về năm 2045.

Trở lại chuyện trong số 18 tiếng nói quyền lực nhất cả nước chỉ có một đại diện nữ, mới hồi tháng 10/2020, chính báo Nhân Dân của Đảng chạy tít “Việt Nam đứng thứ 87/153 quốc gia về bình đẳng giới”. Bài viết nói một mạng lưới đại diện nữ giới ở Việt Nam đã phát động chiến dịch “Sự nghiệp không phân biệt giới” để “thay đổi mạnh mẽ nhận thức và cách nhìn nhận về bình đẳng giới của các chủ doanh nghiệp cũng như của cộng đồng nhằm mang lại một môi trường làm việc hạnh phúc”.

Xem ra chiến dịch Sự nghiệp không phân biệt giới không có tác động gì tới ông chủ tịch nước kiêm trưởng đảng và nhiều chính trị gia già nua khác. Hay là họ hành động theo câu nói xuất hiện đâu đó trên cõi mạng: Chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG