Đường dẫn truy cập

Đặc sứ Mỹ đến Bình Nhưỡng để can thiệp trả tự do cho công dân Mỹ


Ông Robert King, Đặc sứ về các vấn đề Nhân quyền Bắc Triều Tiên
Ông Robert King, Đặc sứ về các vấn đề Nhân quyền Bắc Triều Tiên
Hoa Kỳ phái một đặc sứ đến Bắc Triều Tiên để tìm cách yêu cầu Bắc Triều Tiên trả tự do cho một nhà truyền giáo người Mỹ gốc Triều Tiên sức khỏe kém bị kết án 15 năm lao động khổ sai.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Đặc sứ về các vấn đề Nhân quyền Bắc Triều Tiên ông Robert King sẽ yêu cầu ông Kenneth Bae được thả vì lý do nhân đạo khi ông đến Bình Nhưỡng vào ngày thứ Sáu này.

Một Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về sức khỏe và an sinh của ông Bae. Ông Bae được tin đã được chuyển từ một trại lao động cải tạo đến một bệnh viện sau khi sụt mất 13 kí.

Ông Bae bị bắt sau khi vào Bắc Triều Tiên vào tháng 11 trong tư cách là một người điều hành du lịch. Sau đó ông bị kết tội âm mưu lật đổ chính phủ. Ông Bae, 44 tuổi có nhiều vấn đề về sức khỏe trong đó có tim và thận.

Bắc Triều Tiên chưa công khai phản ứng về chuyến đi của ông King. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến đi của ông King là theo lời mời của chính phủ Bình Nhưỡng.

Kể từ năm 2009, Bắc Triều Tiên đã bắt giam ít nhất 6 công dân Mỹ. Tất cả đều được trở về nhà trước khi mãn hạn tù. Hầu hết được trả tự do tiếp sau những chuyến viếng thăm của những người Mỹ nổi tiếng trong đó có cựu Tổng thống Jimmy Carter và Bill Clinton.

Trong một video được một nhật báo thân Bắc Triều Tiên ở Nhật công bố trước đây trong tháng, ông Bae nói sức khỏe của ông sa sút và kêu gọi Hoa Kỳ phái một viên chức cao cấp đến Bắc Triều Tiên để điều đình về việc trả tự do cho ông.

Nhiều nhà phân tích nói Bình Nhưỡng sử dụng trường hợp của ông Bae như là một con bài mặc cả với Hoa Kỳ để yêu cầu nhân nhượng đối với chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã bác bỏ việc này.

Việc ông Bae bị bắt xảy ra giữa lúc căng thẳng Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên lên đến cao độ. Chỉ vài tuần lễ sau khi ông Bae bị bắt, Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm phi đạn tầm xa và thử hạt nhân. Cả hai sự kiện này đều bị Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ lên án.

Tại cao điểm của cuộc khủng hoảng, Bắc Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Căng thẳng giảm dần kể từ đó với việc Bình Nhưỡng thực hiện một vài bước để cải thiện quan hệ với Seoul.

Tuyên bố của Hoa Kỳ ngày hôm qua không đề cập đến bất cứ nỗ lực nào được thực hiện trong chuyến đi của ông King để tiến đến những cuộc thảo luận đa quốc gia về việc giải trừ hạt nhân, đã bị ngưng trệ kể từ năm 2009.

Ông King đã đóng một vai trò trong việc thương thuyết về một thỏa hiệp năm 2011 theo đó nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đồng ý ngưng chương trình hạt nhân của quốc gia nghèo đói này để đổi lấy viện trợ lương thực.

Washington sau đó ngưng thi hành thỏa thuận sau khi Bắc Triều Tiên phóng một hỏa tiễn khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG