Đường dẫn truy cập

Cựu chiến binh tàu HQ-10 VNCH: Chưa thấy có phương án, cơ hội nào để đòi lại Hoàng Sa


Một số cựu chiến binh VNCH từng tham chiến ở Hoàng Sa thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng, 18/1/2024 (ảnh: Mai Kỳ).
Một số cựu chiến binh VNCH từng tham chiến ở Hoàng Sa thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng, 18/1/2024 (ảnh: Mai Kỳ).

Một đoàn cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa trong hải chiến Hoàng Sa cách đây 50 năm và thân nhân của một số tử sỹ tới thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng vào sáng 18/1. Cựu thủy thủ Trần Văn Hà nói với VOA rằng ông rất xúc động khi xem các hiện vật, tư liệu, ngoài ra, ông cũng chia sẻ là chưa thấy có cơ hội nào để đòi lại quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm.

VOA được biết đoàn khách đặc biệt này gồm 5 cựu binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trực tiếp tham gia trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974 và 4 người con của những người lính đã hy sinh trong trận này. Tiến sĩ Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa đồng thời là Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, đã tiếp đoàn.

Cách đây tròn nửa thế kỷ, Trung Quốc đã điều nhiều tàu tiến hành cưỡng chiếm những đảo thuộc quyền kiểm soát của VNCH ở quần đảo Hoàng Sa. Hải quân VNCH đã chống trả nhưng không giữ được. Trong trận hải chiến này, 74 quân nhân VNCH tử trận. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa từ đó đến nay.

VNCH ở miền nam Việt Nam chấm dứt tồn tại từ ngày 30/4/1975 sau khi quân đội của Việt Nam cộng sản chiếm Sài Gòn, giành thắng lợi chung cuộc trong Chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1976, nước Việt Nam thống nhất có tên chính thức mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Chính quyền CHXHCN Việt Nam kể từ đó nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, bao gồm cả việc lập các đơn vị hành chính hay đặt tên đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, nhưng chưa có hành động pháp lý cụ thể nào để đòi lại Hoàng Sa.

Với cuộc thăm hôm 18/1, đây là lần đầu tiên các cựu thủy thủ VNCH Trần Văn Hà, tàu HQ-10; Lữ Công Bảy, tàu HQ-4; Trịnh Văn Quý, tàu HQ-4; Nguyễn Văn Sáu, tàu HQ-4; và Huỳnh Đắc Lộc, tàu HQ-16, tức những nhân chứng quan trọng, đến Nhà trưng bày Hoàng Sa, sau 50 năm nổ ra trận hải chiến.

Cùng đi thăm là những người con của các tử sỹ Nguyễn Thành Trí, Đỗ Văn Long, Lương Thanh Thú và Đinh Văn Thực.

Nhà trưng bày là nơi đưa ra những bằng chứng về chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam và cả những chứng tích về cuộc cưỡng chiếm của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nơi này cũng lưu giữ nhiều kỷ vật các lính thủy VNCH, là đồng đội hoặc cha anh của các thành viên trong đoàn.

Ông Trần Văn Hà, thủy thủ cơ khí trên tàu HQ-10, 1 trong 4 tàu của VNCH tham chiến, nói với VOA: “Rất là xúc động. Rất cảm ơn anh em Ban tổ chức cho tôi có điều kiện trở lại chiến trường xưa, xem những hiện vật, những gì của Việt Nam mình hiện giờ rơi vào tay của Trung Cộng”.

Chuyến thăm của đoàn do chương trình mang tên Nhịp Cầu Hoàng Sa tài trợ và tổ chức, theo tìm hiểu của VOA. Chương trình này ra đời cách đây 10 năm nhằm tri ân những người lính Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh vì tổ quốc, đặc biệt là những người lính đã hy sinh trong hai cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (19/1/1974) và Trường Sa (14/3/1988).

Những người khởi xướng Nhịp Cầu Hoàng Sa là các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức, Nguyễn Thanh Triều, tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu và nhà hàng hải học Đỗ Thái Bình.

Đến nay, chương trình đã quyên góp được hơn 12 tỷ đồng, giúp xây mới và nâng cấp 30 căn nhà cho các cựu binh, thân nhân các gia đình tử sỹ Hoàng Sa; các cựu binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ Gạc Ma (Trường Sa)…

Ngoài cuộc thăm nhà trưng bày kể trên, những ngày này, như VOA đã đưa tin, xuất hiện nhiều bài và ảnh trên mạng xã hội cho thấy có những người Việt thực hiện các việc làm khác nhau để tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc.

Cựu chiến binh Trần Văn Hà đưa ra suy nghĩ về vấn đề này: “Chúng ta cần tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ hơn, tìm hiểu nhiều hơn. Trong anh em của tôi thời đó, hiện giờ những người còn sống sót, trong những cuộc gặp mặt thế này chỉ có một mình tôi. Mình thấy nó quá mỏng đi. Chúng ta phải có ngân sách hoặc quỹ nào đó để tìm kiếm thêm và họp mặt dày đặc hơn thì có thể nhắc nhở được [về lịch sử]”.

Mỗi năm, đến dịp tưởng niệm sự kiện Hoàng Sa, lại có những lời kêu gọi chính phủ nước CHXHCN Việt Nam chính thức ghi công cho các tử sĩ VNCH trong trận hải chiến. Đáng chú ý nhất trong các tiếng nói đó là lời kêu gọi của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin đưa ra hồi tháng 3/2022.

Cựu lính thủy VNCH Trần Văn Hà nói với VOA rằng ông có cảm nhận là “khó thúc đẩy” vấn đề này và chỉ ra rằng các hoạt động tưởng niệm mới chỉ là do các hội, nhóm tổ chức chứ chưa có quy mô “rộng rãi”.

Về vấn đề đại sự là liệu Việt Nam có đòi lại được Hoàng Sa từ Trung Quốc không, ông Hà chia sẻ nhận định cá nhân về một tương lai mờ mịt: “Tôi nghĩ chưa có phương án nào đâu. Mặc dù mình khẳng định đó là của Việt Nam, tôi ở trong nước, tôi cảm nhận chính phủ chưa có thái độ hay hành động gì đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam mình”.

Vẫn cựu chiến binh của VNCH nhận xét thêm rằng việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cũng “vô ích” và ông dẫn ra kết quả vụ kiện của Philippines là Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế ra phán quyết năm 2016 bác bỏ cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, song không có cơ quan nào cưỡng chế thi hành án.

Theo quan sát của VOA, ở thời điểm sáng 19/1/2024, trang web Báo Điện tử Chính phủ và trang Facebook Thông tin Chính phủ của chính phủ Việt Nam đều không đăng bài viết hay hình ảnh nào về sự kiện 50 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG