Đường dẫn truy cập

Giới hữu trách Crimea trả tự do cho Tư lệnh Hải quân Ukraina


Một sĩ quan hải quân Ukraina (giữa) rời khỏi căn cứ hải quân ở ở Sevastopol được canh gác bởi lính Nga, ngày 19/3/2014.
Một sĩ quan hải quân Ukraina (giữa) rời khỏi căn cứ hải quân ở ở Sevastopol được canh gác bởi lính Nga, ngày 19/3/2014.

Danh sách các giới chức Nga bị chế tài

Hôm 18 tháng 3 Tổng thống Mỹ Barack Obama áp đặt các biện pháp chế tài những cá nhân sau đây vì gây phương hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina:

  • Viktor Yanukovych, tổng thống Ukraina bị lật đổ.
  • Viktor Medvedchuck, cựu trưởng ban hành chính của tổng thống Ukraina.
  • Sergei Asksyonov, thủ tướng Crimea.
  • Valentina Marviyenko, chủ tịch thượng viện Nga.
  • Dmitry Rogozin, phó thủ tướng Nga.
  • Sergei Glazyev, cố vấn tổng thống Nga.
  • Vladislav Surkov, trợ lý tổng thống Nga.
  • Yelena Mizulina, đại biểu quốc hội Nga.
  • Andrei Klishas, đại biểu quốc hội Nga.
  • Leonid Slutsky, đại biểu quốc hội Nga.
  • Vladimir Konstantinov, chủ tịch quốc hội Crimea.

Nguồn: Tòa Bạch Ốc
Quyền Tổng thống Ukraina, hôm nay cho biết viên tư lệnh hải quân của nước ông đã được trả tự do sau khi bị các lực lượng Nga và giới hữu trách Crimea bắt giam tại bộ tư lệnh hải quân ở Crimea trong ngày hôm qua. Ông Oleksandr Turchnyov nói rằng Phó Đô đốc Sergei Haiduk đã được thả cùng với một số thường dân bị bắt làm con tin. Nhà lãnh đạo Ukraina cho biết như thế trong lúc chuẩn bị tiếp kiến Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon để bàn về việc làm thế nào để giải quyết vụ khủng hoảng với Nga về vấn đề Crimea.

Chuyến viếng thăm Kyiv của nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc diễn ra một ngày sau khi Ukraina cho biết họ đã có kế hoạch để di tản toàn bộ nhân viên quân sự ra khỏi bán đảo Crimea. Kế hoạch này trên thực tế là từ bỏ quyền kiểm soát quân sự của phần đất này, trong lúc các dân quân thân Nga trang bị vũ khí hùng hậu chiếm đóng một căn cứ then chốt ở Crimea.

Khi loan báo kế hoạch di tản, ông Andriy Parubiy, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraina, cho biết Kyiv sẽ mưu tìm sự hậu thuẫn của Liên hiệp quốc để biến bán đảo Crime thành một khu phi quân sự. Ông cũng tuyên bố Ukraina dự trù thực hiện những cuộc thao dượt quân sự “với các nước đồng minh”, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.

Các lực lượng thân Nga đã chiếm bộ tư lệnh hải quân Ukraina ở cảng Sevastopol mà không gặp phải sự kháng cự nào. Việc này xảy ra hôm thứ tư, một ngày sau khi Moscow ký kết một hiệp ước với giới hữu trách Crimea để làm cho phần đất này trở thành một phần của Liên bang Nga.

Chính phủ ở Washington đã nhiều lần bày tỏ sự bất bình đối với những hành động của Nga ở Crimea, nhưng Tổng thống Barack Obama tuyên bố trên đài truyền hình là quân đội Mỹ sẽ không can thiệp vào Ukraina.

"Chúng tôi sẽ không đưa quân vào Ukraina. Điều mà chúng tôi đang làm là huy động tất cả mọi nguồn lực ngoại giao để bảo đảm là chúng tôi có một liên minh quốc tế vững mạnh nhằm đưa ra một thông điệp rõ ràng là Ukraina phải được quyền định đoạt vận mệnh của mình. Ngay lúc này đây, nước Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của một nước khác. Sức mạnh không biện minh được cho những hành động không chính đáng, và chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Nga trong lúc họ tiếp tục đi theo con đường hiện nay."

Cũng trong ngày thứ tư, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Ukraine đã từ Kyiv tới Crimea để tìm cách xoa dịu những mối căng thẳng, nhưng đã bị ngăn không cho vào phần đất mới sáp nhập vào Nga. Các quan sát viên quốc tế cũng liên tục bị xua đuổi không cho vào bán đảo này.

Tại cuộc họp báo hôm qua ở thủ đô Vilnius của Lithuaniau, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng Nga sẽ đối mặt với “sựï cô lập kinh tế và chính trị ngày một tăng” nếu họ tiếp tục đi theo con đường mà ông gọi là “con đường đen tối”.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng bán đảo Crimea lúc nào cũng là một bộ phận “không thể tách rời” của Nga.

Trong khi đó, Liên hiệp Âu châu đang chuẩn bị để thực hiện thêm các biện pháp chế tài đối với Nga vì vụ thôn tính bán đảo Crimea.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay nói với quốc hội là E.U. đang chuẩn bị để áp đặt các biện pháp chế tài “Cấp 3”, bao gồm chế tài kinh tế, nếu tình hình trở nên tệ hại hơn.

EU đã áp dụng lệnh cấm du hành và phong tỏa tài sản của các giới chức Nga mà họ cho là chịu trách nhiệm đối với vụ xâm chiếm Crimea.

Binh lính Nga chiếm trụ sở hải quân Ukraina ở Crimea
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:18 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG