Đường dẫn truy cập

Covid tái lây nhiễm cộng đồng, người dân Sài Gòn ‘sợ nhưng quen rồi’


Học sinh một trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh đi học trong mùa dịch
Học sinh một trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh đi học trong mùa dịch

Một số người dân thành phố Hồ Chí Minh bị tác động trực tiếp bởi các ca lây virus corona mới trong cộng đồng cho biết ‘họ đã có một năm rất khó khăn’ và dự đoán ‘Tết năm nay sẽ buồn’ nhưng đồng thời cũng nói họ đã quen với dịch bệnh trong một năm qua nên ‘bớt sợ’.

Sau bốn tháng không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, từ ngày 28/11, thành phố lớn nhất nước đã ghi nhận chùm 4 ca nhiễm mới xuất phát từ một tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines. Nam tiếp viên này, được đánh số là bệnh nhân 1342, được cho là đã vi phạm quy định cách ly khi gặp gỡ bạn bè và đi đến nơi đông người khi anh đã nhiễm virus corona mà không biết.

Từ bệnh nhân 1342 đã có thêm ba bệnh nhân khác bị lây nhiễm được đánh số từ 1347 đến 1349. Trong số này có một bé trai chỉ mới một tuổi.

Chùm ca nhiễm cộng đồng này đã dẫn đến cuộc sống bị xáo trộn ở thành phố Hồ Chí Minh sau bảy tháng chấm dứt cách ly toàn xã hội để chống dịch hồi tháng 4. Nhiều người bị cách ly, nhiều hàng quán đóng cửa. Có hai trường tiểu học ở Quận 6 và nhiều trường đại học, trong đó có Đại học Công nghệ (tức HUTECH) đã phải cho hàng chục ngàn sinh viên nghỉ học để tránh dịch.

Ngoài bốn ca bệnh này, đến nay Việt Nam chưa phát hiện thêm ca nhiễm cộng đồng nào mới trong khi bệnh nhân 1342 đang đối mặt bị truy tố hình sự về tội làm lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

‘Xui nhưng đành chấp nhận’

Bà Đồng Thị Tuyết Thu, chủ quán Mẹt nằm gần Đại học HUTECH là một trong những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Bệnh nhân 1348 là một bé trai đã được gia đình dẫn đến quán ăn của bà. Hiện giờ vợ chồng con cái bà Thu cùng hơn một chục nhân viên của quán đã bị đưa đi cách ly tập trung và quán ăn của bà đã bị đóng cửa.

“Tự dưng có khách đến nhà mình làm mình bị đóng cửa, cả nhà còn bị cách ly, con cái không được đi học thì có phải xui không?” bà than thở với VOA và cho biết đến giờ bà đã cách ly được 7 ngày.

Bà nói trong thời hạn đóng cửa cách ly bà bị mất thu nhập nhưng vẫn phải trả chi phí tiền thuê nhà hơn chục triệu, chưa kể tiền lương nhân viên. “Nhà nước chỉ hỗ trợ ăn ở trong thời gian cách ly tập trung thôi,” bà nói.

“Tôi đã phải đóng cửa hai lần để chống dịch rồi. Đợt này vừa ổn định lại thì lại bị đóng cửa. Khách hàng cũng sợ rồi. Năm nay chắc là đói rồi. Tết nhất gì nữa,” bà nói thêm.

Bà cho biết mặc dù bà không muốn đóng cửa quán và bị cách ly nhưng ‘vì sự an toàn xã hội’ mà bà ‘phải tuân thủ’.

“May là một đứa con của tôi mới 5 tuổi không bị ảnh hưởng gì nhiều, chứ một đứa đang học lớp 7 thì mười mấy ngày ở trong này thì học hành kiểu gì, rồi không biết sau khi ra có đi học liền được không hay là phải cách ly thêm ở nhà nữa trong khi đã sắp thi học kỳ rồi,” bà Thu than thở.

Trong tình hình này thì vợ chồng bà ‘phải cố gắng giữ mặt bằng’ chờ đến khi ổn định thì mở bán lại ‘vì khách quen cũng đã mấy năm rồi’, bà cho biết.

Tuy nhiên, bà Thu bày tỏ lo ngại cho dù mở cửa trở lại thì trước mắt khách hàng vẫn sẽ tẩy chay quán bà một thời gian. “Người ta vẫn còn lo nên tốt nhất là thôi không nên đến mà đến ăn ở chỗ khác,” bà nói.

“Trong thời điểm này tất cả mọi người đều sợ. Ngay cả bản thân mình thì chỗ nào bị dịch rồi mình cũng sợ chứ, vì không chỉ mình mà còn gia đình mình nữa,” bà nói thêm.

Người chủ quán này nói do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cả năm nay ‘chẳng làm ăn được gì’. Nhưng bà nói ‘so với đồng bào miền Trung bị lũ lụt mất trắng thì mình vẫn còn đỡ hơn’.

“Người ta cũng chẳng biết người ta bị bệnh nên mới đến với mình. Họ mà biết thì họ cũng chẳng đến đâu. Làm sao mà trách cho được. Chỉ có mình xui thì mới gặp chuyện như thế. Trách họ cũng chẳng làm được gì,” bà Thu nói.

Về người tiếp viên hàng không làm lây lan virus corona ra cộng đồng, bà Thu cho rằng ‘không cố tình’, nhưng bà nói việc người này không thực hiện đúng quy định cách ly làm ảnh hưởng đến nhiều người, trong đó có gia đình bà, là ‘đáng lên án’.

Trong thời điểm Tết Nguyên đán sắp đến, bà Thu hy vọng ‘nhà nước tiếp tục chống dịch nghiêm ngặt’ vì nếu làm không chặt chẽ khiến dịch lây lan ‘thì cả xã hội đều khổ’.

“Ai nghi nhiễm bệnh thì cũng phải cách ly triệt để như tụi tôi để tránh những người khác bị ảnh hưởng phải cách ly xã hội lần nữa,” bà yêu cầu.

“Chỉ cần đừng có dịch là đất nước ổn định và trên thế giới tất cả đều hết dịch thì mới làm ăn sinh sống được. Chứ có dịch là khổ lắm, người nào cũng bấp bênh hết,” bà nói.

‘Yên tâm rồi’

Do một bệnh nhân có tiếp xúc với các giáo viên trường tiểu học Nguyễn Huệ ở Quận 6 nên ngay sau khi được tin, trường này đã cho toàn bộ các học sinh được nghỉ. Một phụ huynh nhà ở quận 8 có con học lớp 3 ở trường này nói với VOA rằng con bà đã nghỉ ở nhà 4 ngày và nay đã đi học trở lại.

Bà nói hiện giờ bà đã ‘yên tâm rồi’ vì kết quả xét nghiệm tất cả các F1, F2 của các ca bệnh mới đều âm tính. “Sợ bé nghỉ nhiều quá sẽ học không kịp chương trình,” vị phụ huynh xưng tên là Liên này nói với VOA.

Theo lời bà thì do ở nhà bà có người phụ trông con nên ‘cuộc sống cũng không đảo lộn gì mấy’. Tuy nhiên, con bà ‘không thích ở nhà’ nhưng bé cũng hiểu dịch bệnh nên không thể đến trường được.

Về tình hình xung quanh ở chỗ bà, bà Liên cho biết mọi người ‘vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ vệ sinh kỹ hơn, rửa tay và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng’.

Bà cho biết sau lần cách ly xã hội hồi tháng Tư đến giờ thì ‘bà đã quen rồi’ nên ‘cũng thấy bình thường’. “Mọi người cũng sợ nhưng sợ ít hơn trước,” bà nói.

“Bộ Y tế cũng có khuyến cáo người dân nên làm gì, với lại môi trường tôi tiếp xúc cũng không ai bệnh nên tôi thấy không có gì,” bà nói thêm.
Về bệnh nhân 1342, bà Liên bày tỏ: “Bạn đó chẳng may sơ suất thôi. Tôi cũng không lên án quá. Thật sự bản thân bạn đó cũng không muốn lây cho cộng đồng như vậy.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG