Đường dẫn truy cập

Công nhân TQ dùng hành động tập thể để thương lượng khiếu kiện


Công nhân Trung Quốc bên ngoài một nhà máy điện hạt nhân.
Công nhân Trung Quốc bên ngoài một nhà máy điện hạt nhân.
Tình trạng kinh tế trì trệ và chi phí lao động tăng cao tại các trung tâm công nghiệp chính trong nước đang góp phần tạo chuyển biến trong cách thức công nhân thương thảo với chủ nhân, theo nhận xét của một tổ chức chuyên về quyền lợi công nhân có cơ sở ở Hong Kong. Trang bị bằng một sự hiểu biết rõ hơn về quyền lợi của mình, công nhân ở Trung Quốc đang ngày càng vận dụng hành động tập thể để thương thảo về lương bổng và quyền lợi.

“Trong 2 năm vừa qua, hành động tập thể của các tổ chức do chính công nhân thành lập đã trở thành loại hình chính mạch của phong trào lao động ở Trung Quốc.” Ðó là nhận xét ghi trong bản Báo cáo lần thứ 5 về Phong trào Công nhân Trung Quốc công bố trong tuần này bởi Tập San Lao động Trung Quốc, một tổ chức chuyên theo dõi điều kiện công nhân ở Trung Quốc.

Báo cáo này xem xét 270 vụ đình công diễn ra trong thời gian từ 2011 đến 2012 ở những khu vực khác nhau của Trung Quốc. Báo cáo nhận thấy rằng công nhân xuống đường trong các vụ tranh chấp về những vấn đề như không trả lương cho giờ làm phụ trội, và bồi thường sau khi công ty dời chỗ hay thay đổi ban quản lý. Ða số những vụ tranh chấp xảy ra tại các nhà máy trong các tỉnh vùng duyên hải Trung Quốc, nơi phần lớn các công ty sản xuất thường tọa lac.

Các nước bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc khủng hoảng nợ nần ở châu Âu, như Hoa Kỳ và các nước trong khối sử dụng đồng euro, đã giảm bớt đơn đặt hàng từ Trung Quốc trong những năm gần đây.

Kết quả là khu vực xuất khẩu của Trung Quốc - từng là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế của nước này trong thập niên vừa qua - đã bị thiệt hại, và các công ty sản xuất đã tiến hành các biện pháp để cắt giảm mức lỗ lã, trong đó có việc sa thải nhân viên, dời chuyển việc sản xuất qua những địa điểm rẻ tiền hơn hay bán công ty.

Báo cáo nói: “Các hành động này ảnh hưởng đến quan hệ giữa chủ nhân và công nhân. Một số công nhân không đồng ý với việc dời địa điểm công ty, các công nhân khác bị thất nghiệp, những người khác đồng ý ở lại công ty nhưng lo ngại rằng ban quản lý mới sẽ không thừa nhận kinh nghiệm nhiều năm làm việc hay thâm niên của họ.”

Báo cáo liệt kê các ví dụ về cách thức những khiếu nại như thế đã biến thành hành động tập thể. Hồi tháng Giêng năm ngoái, 3000 công nhân công ty Sanyo Electric ở thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông đã đình công. Sanyo đã không thông báo cho các công nhân về một thỏa thuận sát nhập với Panasonic, và từ chối trả tiền bồi thường sát nhập cho các công nhân này.

Báo cáo vừa kể nói rằng “các công nhân Trung Quốc đã biết được quy chế của mình, họ hiểu về quyền của mình, và đưa ra hành động để xem những quyền đó được thực hiện.”

Ông Geoffrey Crothall, giám đốc thông tin tại Tập San Lao Động Trung Quốc nói rằng mặc dầu đây là những dấu hiệu rất khích lệ, phong trào lao động tại Trung Quốc vẫn còn thiếu một cơ chế trong trường kỳ và được thiết lập tốt để giải quyết những tranh chấp về lao động qua việc thương thuyết ôn hòa.

Ông Crothall nói, “Hiện nay, nếu các công nhân có những khiếu nại, phần lớn họ không có chọn lựa nào khác mà chỉ ra ngoài đình công và buộc ban quản trị ít nhất phải nghe đòi hỏi của họ.”

Ông Crothall nói rằng Công đoàn Toàn quốc được Đảng Cộng sản chấp nhận phần lớn là người ngoài cuộc trong các vụ tranh chấp lao động.

Ông nói: “Họ đã thực hiện một số toan tính trở thành hoạt động hơn, và tích cực can dự hơn trong vài năm nay ở cấp địa phương, tại Thâm Quyến và Quảng Châu, nhưng nói chung vẫn còn là một trường hợp mà các công nhân ở một phía, các quản trị viên ở phía bên kia, và công đoàn đứng ngoài cuộc nhìn vào.”

Liên hiệp Công đoàn Toàn Trung Quốc là tổ chức duy nhất được phép đại diện cho các công nhân ở Trung Quốc. Tổ chức này chịu trách nhiệm giám sát quyền của các công nhân, nhưng thường hay bị cáo buộc là không đại diện cho các công nhân để hành động.

Công đoàn này có sự hiện diện rộng rãi tại các công ty quốc doanh và đã thiết lập chi nhánh tại các công ty tư cũng như các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Ông Lưu Nhĩ Đạc, phó giáo sư tại Trường Lao Động và Nhân lực thuộc Trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh nói rằng, mặc dầu các công đoàn tại những công ty quốc doanh có nhiều phần chắc là không thay đổi phương cách họ quản lý công nhân, tiến bộ chắc sẽ xảy ra trong phạm vi những xí nghiệp tư.

Ông Lưu nói: “Bản chất của các công đoàn tại các công ty không phải là quốc doanh có thể thay đổi trong tương lai. Các công đoàn có thể độc lập hơn trong việc quản lý, và kết quả là có thể có khuynh hướng tiến tới nhiều hình thức khác nhau trong phong trào xã hội do các công nhân thực hiện, thương thảo tập thể, cũng như xử lý các vụ tranh chấp giữa công nhân và chủ nhân.”

Năm 2008, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật lao động sâu rộng gia tăng quyền thực hiện hợp đồng cho các công nhân, và gia tăng vai trò của công đoàn trong việc thương thảo về lương bổng và điều kiện làm việc. Nhiều tổ chức phi chính phủ ở địa phương đã có thể sử dụng đạo luật này như một công cụ để giáo dục các công nhân về quyền của họ, cũng như thúc đẩy các công ty cho nhân viên những hợp đồng tốt hơn.

Ông Crothall nói các tổ chức phi chính phủ đó và những người hoạt động cho quyền của công nhân giờ đây làm công việc mà các công đoàn chính thức phải làm.

Ông nói: “Cuối cùng thì giải pháp lý tưởng là những người tranh đấu cho công nhân thực sự gia nhập công đoàn chính thức, hoặc qua bầu cử ở cấp nhà máy, và thật sự hành động như các đại diện của công đoàn và công nhân tại nơi làm việc.”

Tình trạng tiếp tục trì trệ trong nền kinh tế Trung Quốc có nhiều phần chắc là sẽ kích thích thêm sự bất mãn vì nhiều công ty bị buộc phải dời nơi hoạt động, hoặc không thể làm tròn những hứa hẹn trong hợp đồng.

Trong bốn tháng đầu năm 2013, Tập San Lao Động Trung Quốc ghi nhận 201 trường hợp tranh chấp lao động, gần gấp đôi con số của cùng giai đoạn này năm ngoái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG