Đường dẫn truy cập

Cộng đồng Hồi giáo quan ngại về số phận người Rohingya ở Miến Điện


các nhà hoạt động ở Indonesia biểu tình phản đối các vụ bạo động nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện
các nhà hoạt động ở Indonesia biểu tình phản đối các vụ bạo động nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện
Cộng đồng người Hồi giáo khắp thế giới đang gia tăng sức ép lên chính phủ Miến Điện nhằm ngăn chặn những vi phạm nhân quyền nhắm vào người Hồi giáo thuộc sắc tộc Rohingya, những người mà Hội Ân xá Quốc tế nói là nạn nhân của bạo lực do nhà nước gây ra.

Cộng đồng người Hồi giáo khắp thế giới từ lâu đã quan ngại về tình cảnh của nhóm người đang sinh sống ở bang Rakhine thuộc miền tây Miến Điện này mà trên giấy tờ, họ là những người không quốc tịch.

Nhưng trong những tuần gần đây, sự chú ý dành cho nhóm người này tăng cao sau khi căng thẳng vốn đã âm ỉ nổ ra giữa người Rohingya và những người Rakhine theo Phật giáo, khiến hàng chục người chết và hàng ngàn người ly tán.

Những tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế nói người Rohingya là nạn nhân của bạo lực do nhà nước gây ra và của sự phân biệt đối xử ở một đất nước mà từ lâu đã mang tiếng ngược đãi những dân tộc thiểu số.

Nhưng những nhóm khác, bao gồm cả chính phủ Iran, lại đẩy sự việc đi xa hơn khi gọi cuộc xung đột này là một cuộc "diệt chủng" mang màu sắc tôn giáo và loan truyền nhiều hình ảnh và tin tức về cuộc xung đột mà theo những nhà quan sát là giả mạo và bịa đặt.

Một số nhóm cực đoan cũng góp tiếng nói vào sự việc, bao gồm cả nhóm Taliban ở Pakistan. Hôm thứ Năm, nhóm này đe dọa tấn công Miến Điện để trả thù cho những người Rohingya bị ngược đãi.

Ông Jim Della-Giacoma thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nói, việc cộng đồng Hồi giáo trên toàn cầu tăng cường chú ý có thể giúp gây áp lực lên chính phủ Miến Điện để họ trao nhiều quyền hơn cho người Rohingya.

Tuy nhiên, ông nói với đài VOA rằng việc này cũng có thể khiến cho tình hình tồi tệ hơn:

"Đây là vấn đề khiến công dân thuộc sắc tộc Miến Điện tập hợp về phe mình, và đó chính là một phần của vấn đề," ông Della-Giacoma nói. "Vì vậy, bất kỳ những đe dọa nào từ các nhóm bên ngoài sẽ chỉ khiến cho thái độ dân tộc chủ nghĩa mạnh thêm và chắc chắn điều này không giúp giải quyết vấn đề."

Ông Maung Kyaw Nu, một cựu tù nhân chính trị trở thành nhà hoạt động, đang làm việc với Hiệp hội người Rohingya Miến Điện tại Thái Lan. Ông nói không những ông nghi ngờ việc những lời đe dọa tấn công sẽ được nhìn nhận một cách nghiêm túc, mà còn nói những lời đe dọa này đi ngược lại mục tiêu của tổ chức là tìm ra một giải pháp hoà bình. Ông nói:

"Chúng tôi thậm chí còn không muốn điều đó. Thái độ chính trị của tôi đối với Miến Điện khôi phục lại hòa bình và nền pháp trị nên chúng tôi không ủng hộ những nhóm đe dọa tấn công này. Chúng tôi lên án họ, không chỉ Miến Điện mà còn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới."

Mặc dù một số người Rohingya có tiếng đã lên tiếng bác bỏ những lời đe dọa, ông Chris Lewa thuộc Dự án Arakan, một tổ chức phi chính phủ theo dõi các vấn đề về người Rohingya, cho biết những lời đe dọa từ bên ngoài đã đem lại hệ quả tiêu cực.

Ông Lewa nói với đài VOA rằng quân đội Miến Điện được cho là đã bắt giữ 38 lãnh đạo Hồi giáo ở phía bắc bang Rakhine hôm thứ Năm sau mối đe dọa khủng bố của Taliban sau khi Taliban đưa ra lời đe dọa. Ông Lewa nói:

"Có vẻ như quân đội Miến Điện đã đáp trả bằng việc bắt giữ một số những lãnh đạo tôn giáo ở MaungdawButhidaung dọc theo biên giới với Bangladesh."

Ông nói những lãnh đạo tôn giáo khác cũng bị bắt trong một cuộc đàn áp dường như nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc biểu tình trong tháng chay Ramadan quan trọng.

Theo ông Lewa bạo lực và phân biệt đối xử nhắm vào người Rohingya không phải là diệt chủng hay thanh trừng sắc tộc. Ông nói những phóng đại như vậy một phần là do những phát biểu gần đây của Tổng thống Miến Điện Thein Sein.

Hồi đầu tháng này, tổng thống Thein Sein nói rằng các trại tị nạn hoặc việc trục xuất là giải pháp duy nhất cho người Rohingya, những người bị từ chối quyền công dân ở cả Miến Điện và nước láng giềng Bangladesh.

Ông Benjamin Zawacki, một nhà nghiên cứu về Miến Điện thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, nhấn mạnh sẽ là một sai lầm nếu chỉ nhìn nhận cuộc xung đột này ở khía cạnh tôn giáo. Ông nói cần nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh rộng hơn là ở Miến Điện thường có căng thẳng với những nhóm sắc dân thiểu số. Ông Zawacki nói:

"Tôi nghĩ rằng tôn giáo rõ ràng là một phần của vấn đề, nhưng theo đánh giá của tôi thì đó chỉ là yếu tố phụ giải thích tại sao những vi phạm và phân biệt đối xử này lại diễn ra."

Ông Zawacki nói người Rohingya không chỉ có ngoại hình khác biệt so với phần lớn người Miến Điện, mà họ còn theo một tôn giáo mà nhiều người cho là “ngoại lai” hay “của người thiểu số.”

Nhưng ông nói thành kiến và phân biệt đối xử rộng khắp nhằm vào người Rohingya trong xã hội Miến Điện một phần là sản phẩm của chính sách hạn chế quyền của các nhóm thiểu số của chính phủ.

"Nếu ta nhìn vào sự phân biệt đối xử mà người Rohingya đã phải đối mặt trong nhiều thập kỷ thì sẽ thấy phần nhiều đã trở thành một định chế," ông Zawacki nói. "Hạn chế hôn nhân, hạn chế giáo dục, hạn chế đi lại, tất cả đã thành hệ thống trong xã hội Miến Điện.”

Zawacki nói rằng những chính sách kiểu này khiến cho công dân Miến Điện cảm thấy việc họ đối xử với người Rohingya khác với những nhóm người khác là đúng đắn.

Những tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế nói rằng cuộc khủng hoảng có thể bắt đầu được giải quyết khi Miến Điện sửa đổi luật quốc tịch năm 1982, trong đó quy định rằng người Rohingya không phải là công dân nước này.

Nhiều người hy vọng rằng lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi vào tuần này sẽ kêu gọi có những luật nhằm bảo vệ quyền của sắc dân thiểu số.

Nhưng ông Zawacki nói rằng bà Suu Kyi nên tiến thêm một bước xa hơn nữa và tuyên bố rõ ràng rằng người Rohingya cần được trao quyền giống mọi công dân Miến Điện khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG