Đường dẫn truy cập

Công an Tuyên Quang bắt chủ kênh Tiếng dân Tivi Lê Hà


Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Tho
Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Tho

Chính quyền thành phố Tuyên Quang vừa bắt giam nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà, chủ một kênh YouTube chuyên lên tiếng cho những người dân bức xúc về các tranh chấp đất đai và các vấn đề xã hội, theo tin từ gia đình.

Bà Ma Thị Thơ cho VOA hay chồng bà bị một nhóm các quan chức chính quyền bắt đi từ sáng sớm ngày 12/1 khi ông đến huyện Chiêm Hóa mời đám hỏi cho con gái và ông bị giải về nhà ở thành phố Tuyên Quang để khám xét nơi ở vào buổi trưa cùng ngày.

“Trong nhà có khoảng 30 người vào, còn ngoài kia có người chắn đường, có cả y tế, có khoảng tất cả 50 người, mặc sắc phục và thường phục.”

Sau khi lục soát nơi cư trú của gia đình ông Lê Mạnh Hà ở xã Kim Phú, chính quyền tịch thu một số vật dụng.

Ông Lê Mạnh Hà. Photo: Ma Thi Thơ
Ông Lê Mạnh Hà. Photo: Ma Thi Thơ

Bà Thơ cho biết:

“Cơ quan chức năng khám xét lấy đi hơn 20 quyển sách – toàn sách luật do nhà xuất bản Việt Nam sản xuất. Họ lấy hai cái laptop của nhà – của vợ một cái, của con một cái. Anh ấy làm kênh [YouTube] trên máy này nên người ta thu giữ hết, với lại cả cái điện thoại của tôi vì tôi theo dõi kênh của anh ấy bằng điện thoại của tôi”.

VOA đã liên lạc chính quyền thành phố Tuyên Quang và chính quyền tỉnh Tuyên Quang để tìm hiểu về vụ bắt ông Hà, nhưng chưa được phản hồi.

Thông báo của Công an tỉnh Tuyên Quang đề ngày 13/1 mà gia đình vừa nhận được cho biết ông Lê Mạnh Hà bị bắt theo Điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Thông báo bắt tạm giam ông Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Thơ
Thông báo bắt tạm giam ông Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Thơ

Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà, 52 tuổi, lập kênh Tiếng dân Tivi Tiếng nói của người dân Việt từ tháng 5/2018 với nhiều buổi phát trực tiếp. Kênh của ông là tập hợp tiếng nói đa dạng của những người dân không được đền bù thỏa đáng trong các tranh chấp đất đai, bức xúc trong xã hội, và lên án tệ tham nhũng.

“Chồng tôi chuyên giúp dân oan, như đi đòi đất đai. Việc của anh làm là đòi quyền lợi cho dân, chứ tôi không thấy có cái gì là “chống phá nhà nước”.

“Anh không vào hội, nhóm nào,” bà Thơ cho biết thêm.

Vào tháng 1/2022, ông Lê Mạnh Hà viết trên trang Facebook Lê Việt Hà về “cuộc chiến đấu không cân sức” trong việc bài trừ tham nhũng: “Ở Việt Nam, tham nhũng đã chiến thắng người dân. Vì tham nhũng được trang bị vũ khí hiện đại. Người dân không được trang bị vũ khí – ngoài chiếc điện thoại – để chống lại tham nhũng”.

Ông Lê Mạnh Hà là một trong những nhà báo độc lập, những người bình luận trên Facebook và YouTube mới nhất bị bắt hay xét xử tại Việt Nam vì lên tiếng chỉ trích chính quyền.

Ông Nguyễn Thái Hưng và vợ là bà Vũ Thị Kim Hoàng hôm 5/1 bị chính quyền tỉnh Đồng Nai bắt giam với báo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng, một người nổi tiếng với các chương trình phát trực tiếp trên YouTube về các vấn đề tranh chấp đất đai và xã hội, vừa bị một toàn án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù hôm 31/12/2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Hôm 13/1, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) viết trong một thông cáo rằng Chính quyền Việt Nam hạn chế nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có các quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, thông tin, lập hội và nhóm họp ôn hòa.

“Những người công khai phê phán chính quyền hay lãnh đạo Đảng Cộng sản trên mạng xã hội thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu, đe dọa, theo dõi gắt gao, cản trở quyền tự do đi lại, bị hành hung thân thể và bắt giữ,” HRW nhận định.

Việt Nam thường xuyên lên tiếng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nhà nước luôn đảm bảo các quyền căn bản của người dân, và chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG