Đường dẫn truy cập

Công an tại Hà Nội bắt giữ nhà hoạt động vì dân chủ Nguyễn Chí Tuyến


Ông Nguyễn Chí Tuyến hồi tháng 8/2017 (REUTERS/Kham)
Ông Nguyễn Chí Tuyến hồi tháng 8/2017 (REUTERS/Kham)

Công an ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vì dân chủ và môi trường Nguyễn Chí Tuyến hôm 29/2, vợ ông xác nhận với VOA. Theo tìm hiểu của VOA, ông Tuyến, 50 tuổi, bị công an tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi bị nhà chức trách xem là “tuyên truyền chống nhà nước”.

Nói với một số hãng tin nước ngoài, bao gồm cả BBC và RFA, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ ông Tuyến, thuật lại rằng “hơn chục người” trong đó có 2 người mặc cảnh phục ập vào nhà vợ chồng bà ở quận Long Biên hồi sáng 29/2, đọc quyết định khởi tố vụ án, khám nhà và thu giữ một số vật dụng, bao gồm một điện thoại, một máy tính xách tay và một số giấy tờ của ông.

Ở thời điểm bị bắt, ông Tuyến trong tình trạng sức khỏe không được tốt, bà Tuyết cho biết. Trước đó, hôm 28/2, ông đã nhận giấy triệu tập đến làm việc với công an vào ngày 29/2 nhưng ông đã liên lạc với họ xin hoãn với lý do ông bị sốt.

Bà Tuyết tả lại rằng chồng mình “bình tĩnh” khi bị bắt và bà nói thêm rằng trong suy nghĩ của bà, ông “không làm gì sai” và “không chống phá chế độ”.

VOA liên lạc với công an Hà Nội để tìm hiểu thêm về vụ bắt giữ nhưng không có hồi đáp.

Chia sẻ thêm với báo chí nước ngoài, bà Tuyết cho hay từ năm ngoái ông Tuyến đã bị triệu tập nhiều lần về những việc bị nhà chức trách xem là vi phạm Bộ luật Hình sự, gồm “Làm, tàng trữ hoặc phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Đến tháng 1/2024, ông Tuyến nhận được thông báo qua đường bưu điện rằng ông bị cấm xuất cảnh.

Trong 2 năm gần đây, ông Tuyến sở hữu một kênh YouTube qua đó ông chủ yếu cung cấp thông tin và bình luận về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trước đó, ông có một kênh YouTube khác bàn luận về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế… đáng chú ý ở Việt Nam.

Hồi những năm đầu thập niên 2010, ông nổi bật trong các hoạt động ủng hộ dân chủ, môi trường, quyền lợi đất đai của những người dân yếu thế, và phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Vào tháng 5/2015, ông Tuyến bị những kẻ lạ mặt - mà anh nghi là công an - hành hung đẫm máu gần nhà, một vụ việc gây phẫn nộ công luận trong và ngoài nước cũng như khiến dư luận quốc tế một lần nữa chú ý đến tình hình nhân quyền bị nhiều chỉ trích của Hà Nội.

Dân biểu Mỹ Alan Lowenthal sau khi thăm Việt Nam trong cùng tháng đã gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là ông Trương Tấn Sang, bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu có biện pháp chấm dứt ngay việc sử dụng bạo lực đẫm máu chống lại những tiếng nói phản biện ôn hòa và các nhà hoạt động cổ súy dân chủ-nhân quyền.

Đại diện các cơ quan ngoại giao của Mỹ, Australia và Đức đã tới động viên, thăm hỏi ông Tuyến tại nhà ông.

Nói với VOA ở thời điểm đó, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến bình luận rằng vụ hành hung ông và sự phản ứng hời hợt của nhà cầm quyền là một bằng chứng thêm nữa làm nổi rõ tình trạng vi phạm nhân quyền ‘trắng trợn’ và ‘khủng khiếp’ tại Việt Nam.

Vụ đánh đập ông và các trường hợp tra tấn các nhà hoạt động khác trong các trại giam Việt Nam đã bị nêu trong báo cáo của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG