Đường dẫn truy cập

‘Trung thành’ có ‘tiêu chuẩn kép’


Với Việt Nam, “trung thành” có tới hai tiêu chuẩn: Một dành cho thiên hạ và một chỉ có ở Việt Nam.
Với Việt Nam, “trung thành” có tới hai tiêu chuẩn: Một dành cho thiên hạ và một chỉ có ở Việt Nam.

Trân Văn


Chuyện ông Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ, gợi ý để ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) hứa trung thành, đang làm chính trường Hoa Kỳ chao đảo.

Sở dĩ gợi ý của ông Trump với ông Comey gây sốc vì chẳng riêng với Hoa Kỳ mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, các hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp chỉ có thể trung thành với Hiến pháp. Nếu ông Comey cam kết trung thành với cá nhân ông Trump, rộng hơn là với Đảng Cộng hòa, FBI sẽ “chệch hướng”, các giá trị phổ quát ở Hoa Kỳ sẽ bị đe dọa, lợi ích hợp pháp và các quyền chính đáng của dân chúng Hoa Kỳ có thể bị tổn thương.

***

Trong vài ngày vừa qua, gần như tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đều bám rất sát, tường thuật cặn kẽ, gần như ngay lập tức những diễn biến mới xoay quanh sự kiện ông Comey, nay là cựu Giám đốc FBI, điều trần trước Ủy ban tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ.

Độc đáo nhất có lẽ là tờ Sài Gòn Giải phóng – cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP.HCM. Theo tường thuật của tờ báo này thì buổi điều trần do Ủy ban tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ tổ chức là một “bộ phim chính trị cao cấp”, một “Super Bowl của Washington” và hàng loạt nhà hàng, quán rượu trên khắp Hoa Kỳ đồng loạt thông báo sẽ mở cửa sớm để phục vụ thực khách muốn theo dõi buổi điều trần.

Sài Gòn Giải phóng kể rằng, một bar ở Washington đưa vào thực đơn món “FBI” bao gồm một bánh mì nướng kiểu Pháp, thịt xông khói và kem trị giá 10 Mỹ kim. Một nhà hàng ở Texas đưa vào thực đơn món cocktail có tên "Impeachment" (luận tội) với vodka Nga giá 5 Mỹ kim…

Đối với phần còn lại của thế giới, sự quan tâm cũng như thái độ trước sự kiện vừa kể vốn hết sức bình thường, song tại Việt Nam, sự hào hứng này lại đặc biệt khó hiểu. Trước nay, cả hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông Việt Nam đều cho rằng, quân đội và công an phải “trung thành và bảo vệ Đảng CSVN”. Những đề nghị “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” (Quân đội và công an chỉ bảo vệ quốc gia, trật tự xã hội. Cấm quân đội và công an tham gia các sinh hoạt chính trị cũng như can dự vào các tranh chấp chính trị,…) như đa số quốc gia khác bị xem là luận điệu của thế lực thù địch, phản động.

***

Bạn cảm thấy ra sao nếu có một ngày, Tổng thống nào đó của Hoa Kỳ tuyên bố: Cả FBI lẫn quân đội Hoa Kỳ phải trung thành và bảo vệ đảng cầm quyền bằng mọi giá? Phi chính trị hóa FBI và quân đội Hoa Kỳ như trước kia là “một sự lừa bịp về chính trị”, “một chiêu bài hết sức nguy hiểm và thâm độc”! Nếu không được đảng cầm quyền lãnh đạo “quân đội Hoa Kỳ và FBI sẽ mất phương hướng chiến đấu”, Hoa Kỳ sẽ “lâm vào tình cảnh rối ren, mất ổn định, lệ thuộc ngoại quốc”.

Cũng vào ngày cả thế giới bàng hoàng đó, hãy mường tượng dân chúng Hoa Kỳ phản ứng ra sao khi một sĩ quan cao cấp của quân đội Hoa Kỳ viết như thế này và nhiều tờ báo ở Hoa Kỳ đồng tình quảng bá: “Không bao giờ và không ở đâu có lực lượng vũ trang ‘phi giai cấp’, ‘phi chính trị’, ‘đứng ngoài chính trị’ như các thế lực thù địch đã và đang rao giảng, tung hô, cổ súy”?

Tương tự một sĩ quan cao cấp khác của quân đội Hoa Kỳ khẳng định, quân đội, FBI, các lực lượng cảnh sát trên toàn Hoa Kỳ là “lực lượng đặc biệt của một giai cấp”, là “công cụ bạo lực vũ trang chủ yếu nhằm thực hiện mục đích chính trị và cuối cùng là mục đích kinh tế của giai cấp”. Quân đội và các lực lượng thực thi pháp luật từ liên bang đến địa phương là “công cụ thực hiện mục tiêu chính trị ấy”.

***

Dù diễn đạt bằng ngôn ngữ nào thì “trung thành” cũng chỉ có một nghĩa nhưng cách tường thuật sự kiện ông Comey điều trần trước Ủy ban tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ trên báo chí Việt Nam cho thấy, với Việt Nam, “trung thành” có tới hai tiêu chuẩn: Một dành cho thiên hạ và một chỉ có ở Việt Nam. Đó cũng là lý do mà tôi rất mong bạn chia sẻ suy nghĩ của mình về tiêu chuẩn kép này.

Trước khi cuộc thảo luận bắt đầu, xin hỏi thêm một câu, nếu ngày mai, ở Việt Nam có quán ăn, nhà hàng nào đó đưa vào thực đơn món rượu ngâm theo công thức “tuyệt đối trung thành”, nhắm với món mắm “còn đảng, còn mình” thì việc quảng bá thực đơn này ở xứ sở “dân chủ đến thế là cùng” liệu có suôn sẻ không?

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG