Đường dẫn truy cập

Cổ phiếu VinFast xuống đáy mới thấp chưa từng có, sau bản tin về thua lỗ trên Reuters


Giá cổ phiếu của hãng xe hơi Việt Nam VinFast rơi xuống mức đáy mới, thấp nhất từ trước đến nay, là 3,6 đô la khi thị trường Nasdaq ở Mỹ đóng cửa hôm thứ Sáu 12/4. Chỉ một ngày trước hãng tin Reuters đăng bài phân tích dài chỉ ra rằng VinFast thua lỗ nặng, tạo ra rủi ro cho cả tập đoàn mẹ là Vingroup.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cổ phiếu của VinFast với mã VFS tụt từ mức 4,03 đô la của cuối ngày hôm trước xuống dưới 3,7 đô la ngay trong ít giờ đầu phiên, sau đó dao động trên mức này một chút trong phần lớn thời gian và sát giờ đóng cửa chỉ còn có giá từ 3,59 đến 3,6 đô la.

Hôm thứ Sáu tuần trước, VFS cũng đã lập mức sàn tính đến thời điểm đó, và đến nay, sau 1 tuần, giá của cổ phiếu này lại mất thêm 14%. Từ đầu năm đến nay, VFS mất đi gần 54% giá trị.

Tình trạng giá cổ phiếu của VinFast giảm liên tục trong nhiều ngày xảy ra trong bối cảnh có nhiều tin bất lợi cho hãng như việc các thương hiệu Trung Quốc gồm Great Wall Motors, Chery, GAC, BYD… tuyên bố đẩy mạnh bán xe hoặc cân nhắc mở nhà máy ở Việt Nam và mới nhất là bài phân tích của Reuters về hoạt động kinh doanh thua lỗ của chính VinFast.

Bài viết dài hơn 1.000 từ của Reuters dựa vào báo cáo mà VinFast gần đây nộp cho cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ cũng như những thông tin do hãng cung cấp, từ đó chỉ ra rằng hãng lỗ tổng cộng 5,7 tỷ đô la trong 3 năm vừa qua, trong khi số tiền đi vay tăng lên.

Song song với hai điều kể trên, giá cổ phiếu của hãng đã giảm hơn 38% kể từ khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 8/2023, còn tính từ mức đỉnh đạt được trong cùng tháng đó, giờ đây VFS đã mất đi hơn 97% giá trị.

Những kết quả như vậy cho thấy rõ có những rủi ro đối với tập đoàn mẹ là Vingroup, Reuters nhận xét.

Vẫn bài báo cho biết trong năm 2023, VinFast đạt doanh thu 1,1 tỷ đô la nhưng 82% số đó là nhờ bán xe cho các công ty trong cùng tập đoàn Vingroup hoặc thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của cả tập đoàn lẫn VinFast.

Bên cạnh đó, hầu hết số xe bán lẻ của VinFast tại Việt Nam là qua các chương trình khuyến mại, tiếp thị thực hiện chung với hãng bất động sản Vinhomes cùng tập đoàn.

VinFast đưa ra thông tin rằng khoảng 70% lượng xe giao trong năm ngoái là cho hãng taxi GSM mà ông Vượng sở hữu 95%.

Reuters chỉ ra rằng GSM hoạt động theo hình thức tài xế là nhân viên của hãng này và các chiếc xe thuộc sở hữu của hãng, được xem là chiến lược “giúp hãng tăng trưởng nhanh chóng nhưng cũng làm tăng chi phí”.

Ông Kengo Kurokawa, đứng đầu công ty nghiên cứu Asia Plus, được Reuters trích lời nói rằng ông nghĩ mô hình kinh doanh của GSM không bền vững do “cơ cấu chi phí cao” và “khả năng sinh lời thấp” trên thị trường.

Với thực trạng VinFast bị thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận ròng của Vingroup giảm gần một nửa trong năm 2023 xuống còn 1,2%, Reuter cho biết.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG