Đường dẫn truy cập

Có nên lạc quan không?


Có nên lạc quan không?
Có nên lạc quan không?

Tháng 9 năm nay, tin vui: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam lên hạng thứ 59 trong 139 nước trên thế giới cho 2010-2011. Theo thông báo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, con số những dự án FDI giảm nhưng hàm lượng vốn đăng ký tăng. Nhưng chưa đủ vui, chính Bộ này lại thông báo khả năng sẽ rút nhiều dự án FDI không thực hiện cam kết, tiến độ chậm, vốn ảo, chiếm dụng đất rồi bỏ đấy[i]… Vậy phải hiểu thế nào đây? Không lẽ những nhà đầu tư nước ngoài làm nhiễu thông tin để “đánh quả”? Và rót bạc tỉ vào Việt Nam, như một bạn đọc ở Hà Nội chuyên phản biện trong blog, họ đã... “vả vào miệng” tôi, một giáo sư zỏm dám đi “giáo huấn”. Không, một ngàn lần không, tôi không dám!

Kể chuyện ở ga Hàng Cỏ 30 năm về trước, khi tôi lò mò đi xếp hàng mua vé để vào TP Hồ Chí Minh. Ra ga 4 giờ sáng, đến quầy vé, tôi ngạc nhiên thấy hàng chục cục gạch xếp hàng, và đi lên… thì một chú bảo vệ đang thiu thiu ngủ bỗng chồm dậy, mắt lườm, miệng cáu kỉnh “Mù à, chỗ người ta đã giành! Bước xuống, mau…”. Đến khi quầy bán vé mở, trẻ con người lớn xông vào như vỡ chợ, và ào một cái, vé đã bán hết. Còn đang lơ ngơ, một bà khều tay, thầm thì “…chú theo chị, vé có, nhưng chỉ đắt hơn một tí!”. Và quả thế, nhưng vé đắt gấp 2, gấp 3. Có phải trình dự án ngày nay cũng là một động thái xếp gạch “hiện đại”, và chú bảo vệ ngày trước có quyền ký giấy duyệt trình những dự án bạc tỉ USD khiến nước ta mạnh, dân ta giầu, nếp sống văn minh, dân chủ, công bằng…? Thế những cái vé xe lửa thì sao. Ngày trước vé chợ đen đắt, nay thành những siêu dự án đầy hứa hẹn. Còn vé giá chính thức rẻ, nay là những dự án èo uột. Ảo thành thật, và ngược lại. May mà những cơ quan hữu trách kịp thời rà soát lại, thu hồi giấy phép những dựa án trăm voi chẳng có lấy một bát nước xáo. Xin hoan nghênh chính phủ, hoan nghênh Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Những vị được phân công phản biện cá nhân tôi lên tiếng ở điểm này thì chẳng biết họ sẽ đả đảo những gì.

Quay về chuyện đứng đắn. Thông tin trái chiều về nền kinh tế Việt Nam khá nhiều. Công ty Fitchs hạ điểm Việt Nam vì đánh giá mức rủi ro tăng, Bloomberg lo lắng về tiền tệ và lạm phát, IMF quan ngại những chính sách kinh tế tế vĩ mô thiếu nhất quán và đồng bộ, Financial Times cho rằng vụ việc nợ nần lỗ lã của Tập Đoàn Vinashin làm giảm niềm tin của giới đầu tư, và vân vân [ii]… Vì thế, khi có thể được, chúng ta cố gắng xem xét kỹ những đánh giá, hay xếp hạng… của những công ty tài chính, những cơ quan quốc tế dựa trên tiêu chuẩn nào, chính xác ra sao, để có một cái nhìn đúng đắn.

Chúng ta phải hiểu sự tăng cấp của Việt Nam theo xếp hạng của WEF về mức độ cạnh tranh thế nào? Ở cả ba hạng mục “yêu cầu cơ bản”, “các nhân tố cải thiện hiệu quả” và “các nhân tố về sáng tạo và phát triển”, Việt Nam đều đạt điểm và thứ tự xếp hạng khá. Đây là những điều đáng phấn khởi, nếu chúng dựa trên những căn cứ xác đáng và thuyết phục. Tuy nhiên khi nhìn vào các yếu tố cụ thể được WEF xếp ở các vị trí khá cao trong cách đánh giá xếp hạng như tiền lương và năng suất (hạng 4/139), tỷ lệ tiết kiệm quốc gia (17), trình độ của người tiêu dùng (45), khả năng huy động vốn qua thị trường chứng khoán (35), FDI và chuyển giao công nghệ (31) )... thì có thể chúng ta không khỏi băn khoăn. Trích lời chuyên gia Phạm Chi Lan[iii]: … về tiền lương và năng suất, ta được xếp hạng 4/139. Mức tiền lương ở nước ta có thể là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng rõ ràng tiền lương thấp cũng có nghĩa là chất lượng lao động, chất lượng việc làm thấp, và bất cứ ai cũng không muốn bản thân mình chỉ được nhận đồng lương ít ỏi và nước mình chỉ cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ. Vì vậy được xếp hạng cao về mức độ cạnh tranh vì tiền lương không phải là điều đáng mừng. Còn về năng suất lao động, hẳn là do “ăn theo” tiền lương mà ta có thứ hạng cao, chứ nhiều nghiên cứu khác đều cho thấy nước ta tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và năng suất lao động ở nước ta tăng rất chậm do trình độ công nghệ thấp và chậm cải thiện.”

Ngoài ra, hạng mục về tỷ lệ tiết kiệm, khả năng huy động vốn đầu tư và sự chuyển giao công nghệ của các dự án FDI đều là những điểm nên tra xét lại. Tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với đầu tư đang giảm nhanh, tức là nước ta lệ thuộc ngày càng nặng nề vào vốn từ bên ngoài. Tương tự, mặc dầu về FDI và chuyển giao công nghệ được xếp thứ 31, nhưng phải nhận rằng trình độ công nghệ Việt Nam còn thấp; và mức độ chuyển giao công nghệ còn quá chậm chạp. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố quan trọng vẫn nằm ở gần cuối bảng xếp hạng của WEF, như gánh nặng thủ tục hành chính (120), năng lực kiểm toán và báo cáo (119), chất lượng cơ sở hạ tầng (123), ngân sách chính phủ mất cân bằng (126), mức độ thấp kém của công nghệ tiên tiến (102)...

Chuyên gia Phạm Chi Lan trong bài đã dẫn tổng kết: Báo cáo của WEF cũng nêu lên những yếu tố gây cản trở đối với hoạt động kinh doanh, trong đó ở Việt Nam năm rào cản hàng đầu là khả năng tiếp cận vốn, lạm phát, mức độ ổn định thấp của chính sách, lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ, và cơ sở hạ tầng hạn chế. (…) Cuối cùng, tuy thăng hạng so với báo cáo năm ngoái, nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo WEF vẫn thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực.

So với những quốc gia trong vùng, kinh tế Việt Nam tụt hậu mặc dầu đã có những phấn đấu tích cực. Tại sao? Tại sao trong cùng một khoảng thời gian 20-25 năm có nhiều nước cùng ở điều kiện tiên khởi như ta (Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…) nhưng đã gặt hái được những thành tựu kinh tế lớn hơn? Không lẽ người Việt Nam chúng ta không thông minh, không cần cù chịu khó, những điều xưa nay chúng ta vẫn thường tự hào? Chắc chắn là không, và câu hỏi tại sao là một câu hỏi cần lời giải đáp. Muốn vậy, hẳn không nên lạc quan tếu táo khi được những vị chuyên gia nước ngoài xếp hạng cao, từ đó nghĩ đến những chuyện không tưởng như xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam (vì, theo lời một quan chức ở Quốc Hội, ta cũng có IQ cao). Lạc quan tếu và không tưởng là yếu tính đã một thời ta chẩn là bệnh “phồn vinh giả tạo”. Hy vọng đây không phải là một bệnh kinh niên! Và quan trọng hơn cả là chúng ta cùng nhau tìm kiếm giải pháp khắc phục những bất cập còn tồn tại. Và mỉm cười khi có ai đó muốn “vả vào miệng” vì mình nói thật.

[i] Ngoài một số dự án đã và đang trong giai đoạn thu hồi giấy phép, không ít các dự án FDI hiện nay cũng đang có “vấn đề”. Siêu dự án thép 16 tỷ USD, chủ đầu tư là Formosa- Đài Loan đã xin Thủ tướng miễn hạn mức tín dụng, miến thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu… với lý do nếu không nhận được những hỗ trợ này thì dự án sẽ không thể thực hiện được vì thiếu vốn! Rồi dự án thép Guang Lian Dung Quất sau 4 lần đổi giấy chứng nhận đầu tư, giờ lại tăng vốn, mà là vốn Việt Nam vay qua kỳ phát hàng công trái năm qua, rồi tăng công suất, tăng diện tích đất và kèm theo đó là tăng tiến độ thêm 4 năm nữa…http://dantri.com.vn/c76/s76-419986/cac-du-an-ty-do-bi-rut-phep-cai-gia-cua-thanh-tich.htm

[ii] Hồ quốc Tuấn, ”Người nước ngoài nói gì về nền kinh tế Việt Nam?”, TBKTSG, 12-09-2010

[iii] Phạm Chi Lan, ”Tỉnh táo trước những khen, chê”, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 18-09-2010

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG