Đường dẫn truy cập

Bộ Giao thông muốn kéo dài tuyến Cát Linh-Hà Đông, dân phản đối


Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trong thời gian vận hành thử ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cafe.vn)
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông trong thời gian vận hành thử ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cafe.vn)

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội “đang được nghiên cứu kéo dài” thêm 20 kilomet, báo chí trong nước cho hay hôm 22/10, trích dẫn một báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi tới Quốc hội.

Báo cáo do Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể ký nói tuyến đường sắt đô thị hiện có chiều dài 14 km có thể sẽ được xây thêm để nối tới thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Dự án Cát Linh-Hà Đông được bộ phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu đô la Mỹ), sử dụng vốn vay viện trợ ODA của Trung Quốc.

...ý tưởng của Bộ Giao thông-Vận tải ở thời điểm này mà trình ra quốc hội thì hơi khó thông qua tại vì những cái các ông đã làm ở dự án này đang làm cho quốc hội đau đầu. Những chứng tích về dự án Cát Linh-Hà Đông giống như một bảo tàng về sự bê bối trong quản lý.
Facebooker Lê Dũng Vova


Được dự kiến hoàn thành vào năm 2013, nhưng dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện - theo điều kiện ràng buộc của khoản vay - bị chậm tiến độ tới 6 năm và đội vốn hơn gấp đôi, lên thành 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu đô la).

Ở thời điểm cuối tháng 10/2019, dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đánh giá an toàn và nghiệm thu để khai thác thương mại.

"…tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác", báo cáo cho hay, theo các bản tin trong nước.

Nhiều người dân Việt Nam đang phản đối ý tưởng kéo dài tuyến Cát Linh-Hà Đông bằng cách bày tỏ ý kiến qua Facebook cá nhân hoặc các diễn đàn mạng xã hội như Góc nhìn Báo chí-Công dân hay Diễn đàn Nhà báo và Chính sách.

Một số người đặt câu hỏi rằng dự án gốc dài 14 km phải mất 11 năm xây dựng mà vẫn chưa đưa vào sử dụng, vậy kéo dài 20 km nữa “bao giờ dự án mới xong?”. Trong khi đó, một số người khác lo ngại về thực trạng “nợ chồng lên nợ” khi dự án hiện nay còn chưa trả nợ xong, Bộ Giao thông-Vận tại lại đề xuất ra ý tưởng về dự án mới.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng đây là một “chiêu trò” của một số quan chức nhằm “tham nhũng thêm”, gây “gánh nặng” cho ngân sách, cho nhân dân.

Không ít người khẳng định dự án Cát Linh-Hà Đông - đang trong tình trạng chưa biết bao giờ mới có tàu chạy - là một “bảo tàng về sự thất bại, về sự bê bối” nói lên khả năng xây dựng của nhà thầu Trung Quốc lẫn về khả năng quản lý của nhà chức trách Việt Nam.

“Lũ khốn nạn”, “hại nước”, “hại dân” là những từ được nhiều người dùng để nói về nhà thầu và các quan chức liên quan đến dự án.

Một đoàn tàu trong ga thuộc tuyến Cát Linh-Hà Đông chưa đưa vào sử dụng
Một đoàn tàu trong ga thuộc tuyến Cát Linh-Hà Đông chưa đưa vào sử dụng

Facebooker Lê Dũng Vova có nhiều ảnh hưởng đưa ra lý giải với VOA về phản ứng của người dân:

“Người ta đã thấy sự bết bát trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Người dân quá chán ngán rồi. Dự án này làm cho người dân Việt Nam nhìn thấy cách làm của nhà thầu Trung Quốc nó quá bê bết. Và ngay cả việc quản lý của Bộ Giao thông-Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nó giống một bê bối không thể chấp nhận được. Người dân và báo chí đều coi dự án này giống như nỗi nhục trong ngành giao thông”.

Ông Dũng, người có tổng cộng 21 năm kinh nghiệm làm nhà thầu xây dựng và từng là tư vấn quản lý cho hãng Delta, Mỹ, bình luận thêm rằng ý tưởng của Bộ Giao thông-Vận tải thật “điên rồ”.

Nay là nhà báo độc lập điều hành một kênh truyền hình trên mạng xã hội được nhiều người theo dõi, ông Dũng đưa ra dự đoán rằng việc kéo dài tuyến hơn gấp đôi sẽ không phải là bước đi dễ dàng:

“Tôi nghĩ rằng ý tưởng của Bộ Giao thông-Vận tải ở thời điểm này mà trình ra quốc hội thì hơi khó thông qua tại vì những cái các ông đã làm ở dự án này đang làm cho quốc hội đau đầu. Những chứng tích về dự án Cát Linh-Hà Đông giống như một bảo tàng về sự bê bối trong quản lý. Cho nên là rất khó để qua mặt được quốc hội”.

Với thực trạng dự án bị chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn lên hơn gấp đôi nếu tính bằng tiền đồng Việt Nam, hoặc gấp rưỡi nếu tính bằng đô la Mỹ, trong thời gian tới, trung bình một năm Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay, theo thông tin do Bộ Tài chính Việt Nam công bố hồi đầu năm 2018.

Trong một bài viết trên trang cá nhân hồi cuối tháng 3/2019, Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ rằng ông và nhiều người Việt “đau xót và căm giận khôn tả” khi nói về đường sắt Cát Linh-Hà Đông, thậm chí càng phẫn nộ, rầu lòng khi so sánh với một tuyến metro nửa ngầm nửa trên ở Jakarta, Indonesia.

Theo tìm hiểu của VOA, tuyến metro mới vận hành ở thủ đô Indonesia có chiều dài gần 16 km, xây trong 5 năm rưỡi, từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2019, với số vốn hơn 1,1 tỷ đô la vay từ Nhật.

Vị tiến sĩ có tổng cộng hơn 31.000 người theo dõi trên Facebook đưa ra thông điệp gửi đến Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể rằng “hãy tránh xa Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh “dính vào các nhà thầu Trung Quốc là sẽ thành phá hoại”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG