Đường dẫn truy cập

Cô gái gốc Việt đồng hành cùng chiến dịch chống bắt nạt của Tòa Bạch Ốc


Amazin LeThi - Đại sứ Toàn cầu cho tổ chức Athlete Ally
Amazin LeThi - Đại sứ Toàn cầu cho tổ chức Athlete Ally

Được nhận làm con nuôi và lớn lên ở Australia từ khi còn nhỏ, Amazin Lethi, một trẻ mồ côi đến từ Việt Nam, đã phải gánh chịu việc bị bắt nạt từ nhỏ bởi vì cô là một đứa trẻ châu Á, lớn lên trong môi trường chỉ toàn người da trắng. Đặc biệt bởi vì cô là người Việt Nam, đã không ít lần cô bị nói “hãy lên thuyền về nhà đi.” Nhiều năm trôi qua, giờ đây cô là người sáng lập của tổ chức Amazin Lethi Foundation, đại sứ của tổ chức cứu trợ Vietnam Relief Services, và là nữ đại sứ châu Á đầu tiên của tổ chức Athlete Ally. Từ những trải nghiệm của bản thân, năm nay, cô đã nhận lời tham gia vào chiến dịch chống bắt nạt của Tòa Bạch Ốc có tên gọi Act to Change. Cô đã chia sẻ suy nghĩ của mình với VOA qua Skype về vấn nạn bắt nạt và những giải pháp giúp chấm dứt điều này.

please wait

No media source currently available

0:00 0:06:17 0:00
Tải xuống

VOA: Xin chào chị Amazin. Xin được hỏi, theo chị thì tại sao việc nhận thức vấn đề bắt nạt là quan trọng?

Amazin: Tôi nghĩ việc chia sẻ câu chuyện chúng ta đã bị bắt nạt như thế nào là rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn là một đứa trẻ bị bắt nạt ở trường, bạn sẽ cảm thấy bạn là người duy nhất trên thế giới này bị nhắm vào. Nhất là khi bạn thấy bạn là người duy nhất trong lớp bị bắt nạt. Bằng việc chia sẻ câu chuyện của chính tôi trong chiến dịch Act to Change của Tòa Bạch Ốc, điều này giúp những người đang là nạn nhân của sự bắt nạt cảm thấy rằng họ không đơn độc và tình hình thực sự đang diễn ra tốt đẹp hơn. Bị bắt nạt không liên quan gì đến bạn mà thực ra lại là chính người bắt nạt bạn, liên quan tới chính sự bất an bên trong những người đó. Bắt nạt bắt đầu từ rất sớm. Những đứa trẻ bắt đầu từ 5 tuổi đã bị bắt nạt rồi và đây là một vấn đề rất quan trọng mà chúng ta phải nói tới. Bởi vì khi bạn còn nhỏ, bạn bắt nạt người khác nhưng lại không bị quở trách; hoặc nếu bạn là người bị bắt nạt nhưng lại không có được sự ủng hộ, giúp đỡ từ mọi người xung quanh, dần dà nếp nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức và khiến nhiều người cho rằng đi bắt nạt người khác là không sao cả. Nhưng rồi khi lớn lên bạn cũng sẽ nghĩ nó không có gì to tát và lẽ tất nhiên điều này cũng sẽ xuất hiện cả trong môi trường làm việc nữa.

VOA: Cơ duyên nào đã đưa chị đến với chiến dịch chống bắt nạt của Tòa Bạch Ốc?

Amazin: Chiến dịch Act to Change là chiến dịch đầu tiên về chống bắt nạt trong cộng đồng châu Á Thái Bình Dương ở Mỹ do Tòa Bạch Ốc khởi động. Cũng giống như những sắc dân khác, sắc dân châu Á, mặc dù được coi là một sắc dân đạt được nhiều thành công tiêu biểu, nhưng cũng có nhiều vấn đề xã hội. Tổ chức của tôi và tôi đã tham gia vào chiến dịch này từ năm ngoái khi nó mới lần đầu được khởi động. Khi đó họ đã hỏi tôi có hứng thú chia sẻ những trải nghiệm của chính tôi khi bị bắt nạt không. Lần này tôi là một trong ba người châu Á chia sẻ câu chuyện của chính mình qua video và blog trên trang web của chiến dịch. Chia sẻ những câu chuyện như thế này rất quan trọng bởi vì khi những người trẻ quan tâm tới chiến dịch này sẽ thấy vấn nạn bắt nạt ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không chỉ riêng một đối tượng nào.

VOA: Theo chị thì vấn nạn bắt nạt xảy ra nhiều nhất ở đâu?

Amazin: Tôi không nghĩ là có một nơi đặc biệt nào xảy ra vấn nạn bắt nạt nhiều nhất. Bắt nạt có thể xảy ra ngay ở nhà và chắc chắn là xảy ra ở trường học. Khi bọn trẻ nhìn thấy những đứa trẻ khác nhỏ con hơn chúng, khác chúng, thì đứa trẻ đó trở thành một mục tiêu dễ bị bắt nạt bởi vì những người hay bắt nạt người khác muốn dìm người khác xuống để nâng bản thân chúng lên. Bắt nạt cũng xảy ra ở nơi làm việc. Bắt nạt có thể xảy ra ở khắp mọi nơi trong xã hội và chúng ta cần phải tìm cách để ngăn chặn nó trước khi nó bắt đầu.

VOA: Bắt nạt có thể gây ra những ảnh hưởng gì?

Khi bạn bị bắt nạt, bạn bị gạt ra bên lề cộng đồng. Nó ảnh hưởng tới sự tự tin của bạn, nhất là đối với trẻ em, vào lúc chúng đang cố gắng bồi đắp sự tự tin của chúng và tìm hiểu chúng là ai trong xã hội này, nếu chúng bị liên tục bắt nạt ở trường thì chúng sẽ bắt đầu thấy sợ và không muốn đi học, đặc biệt nếu chúng không có ai để chia sẻ.

VOA: Theo chị thì đâu là những giải pháp dài hạn để giải quyết vấn nạn này?

Tôi nghĩ là chúng ta phải tìm hiểu các chương trình chống bắt nạt ở trong các trường học. Và vì thế mà tôi đang làm việc với hệ thống giáo dục của thành phố New York và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để bàn về các chương trình xoay quanh vấn nạn học đường và chống bắt nạt trường học để mà qua đó tôi có thể sử dụng như một chương trình mẫu có thể áp dụng ở các quốc gia khác. Tôi nghĩ chúng ta cần có thêm các thủ lĩnh và cố vấn ở trường học. Chúng ta cũng cần bắt đầu phải tìm hiểu lý do gốc rễ tại sao có những đứa trẻ lại đi bắt nạt những người khác.

Tại Việt Nam vào tháng 8, chúng tôi sẽ khởi động một chương trình dành cho những nhóm các bạn trẻ bị phân biệt và bắt nạt trong xã hội, đó là những nhóm trẻ em sống chung hay bị ảnh hưởng bởi HIV và thuộc cộng đồng LGBT. Chương trình này sẽ ở Hải Phòng, hợp tác với đối tác địa phương là chị Phạm Thị Huệ. Một trong những tiền đề của chương trình này là cho mọi người thấy rằng tất cả mọi đứa trẻ có thể chơi với nhau. Một phần khác là để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và giới trẻ địa phương cùng tham gia vào. Bởi vì một khi bạn biết thêm một ai đó có thể khác với bạn thì điều đó có thể phá vỡ rào cản khác biệt và từ đó dần tiến tới việc chấm dứt vấn nạn bắt nạt.

----------------------------------------

Tổ chức Sáng kiến Người Mỹ Châu Á Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc và cô Amazin đang bàn về việc tổ chức một sự kiện chung vào tháng 10 tới đây, là tháng nhận thức về vấn đề chống bắt nạt.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG