Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi 'cố gắng can trường' của Kyrgyzstan


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (trái) và Tổng thống Kyrgyzstan Secretary Roza Otunbayeva (phải) tại Bishkek, ngày 2/12/2010
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (trái) và Tổng thống Kyrgyzstan Secretary Roza Otunbayeva (phải) tại Bishkek, ngày 2/12/2010

Tiếp tục chuyến công du Trung Á hôm nay tại Kyrgyztan, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton ca ngợi điều bà gọi là 'cố gắng can trường' trong việc xây dựng một nền dân chủ lập hiến. Các nhà lãnh đạo Kyrgyzstan sắp đi đến chỗ hoàn tất quá trình thành lập một chính phủ liên minh, sau cuộc bầu cử hồi tháng 10. Từ thủ đô Bishkek, thông tín viên VOA David Gollust ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Chuyến thăm của bà Clinton diễn ra vào lúc các nhà lãnh đạo chính trị Kyrgyzstan tô những nét chấm phá cuối cùng cho một chính phủ liên minh, đạt cao điểm một năm đầy xáo động, trong đó quốc gia Trung Á này sẽ đi từ chỗ rối loạn bạo động đến chỗ trở thành nền dân chủ lập hiến thực thụ đầu tiên trong khu vực.

Tại một cuộc họp báo sau khi gặp Tổng thống Kyrgyztan Roza Otunbeyeva, Ngoại trưởng Hoa Kỳ ca ngợi điều bà gọi là “quyết tâm” của nhân dân Kyrgyzstan tổ chức cuộc bầu cử được nhiều người cho là tự do, công bằng và hợp pháp – chỉ vài tháng sau khi đất nước bị rúng động bởi những vụ tranh chấp sắc tộc và chính trị.

Bà Clinton nói: “Tôi đã bầy tỏ với tổng thống Kyrgyzstan sự thán phục mà Hoa Kỳ cảm thấy đối với con đường khó khăn mà Kyrgyztan đã quyết định đi theo. Đây là một cố gắng can trường mà nhân dân nước này đã thực hiện – tái lập chính quyền dân chủ với một quốc hội vững mạnh nhằm đại diện cho sự đa dạng toàn diện của dân chúng và các khu vực của Kyrgyztan.”

Tổng thống Otunbeyeva, người đã nổi lên làm nhà lãnh đạo lâm thời sau khi chính phủ trước bị lật đổ hồi tháng 4, đã giúp đưa đất nước đầy rối loạn này theo một hướng đi mới bằng một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào tháng nhằm thiết lập một cơ chế mới chuyển giao nhiều quyền hành đất nước cho một vị thủ tướng mới.

Bà Otunbeyeva bày tỏ sự biết ơn về hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ qua điều mà bà gọi là “sinh hoạt rất khó khăn” của nước bà trong những tháng vừa qua.

Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra chỉ vài tuần sau khi bùng nổ bạo động sắc tôc ở miền nam Kyrgyzstan giữa người sắc tộc Kyrgyzstan và người thiểu số Uzbekishtan, khiến 2.000 người thiệt mạng và khoảng 400.000 người khác bị thất tán.

Bà Clinton bầy tỏ hy vọng rằng các phiên xử những người bị cáo buộc là kích động bạo lực, chủ yếu là người Uzbekistan và các giới chức thuộc chính phủ trước của nguyên tổng thống Kurmanbek Bakiyev đang sống lưu vong, sẽ được xúc tiến theo đúng luật định.

Bà Clinton và bà Otunbayeva đã thảo luận về tình trạng của hiệp ước dành cho máy bay quân sự của Hoa Kỳ trên đường đi Afghanistan có thể ghé qua căn cứ không quân Manas ở gần Bishkek. Hai nhà lãnh đạo cũng dự trù đề cập tới một sắp xếp tương tự với Uzbekistan về việc quá cảnh qua Afghanistan, trong các cuộc hội đàm vào cuối ngày hôm nay ở Tashkent.

Bà Clinton cho biết bà sẽ nêu vấn đề thành tích nhân quyền của chính phủ Uzbekistan với Tổng thống Islam Karimov bất chấp sự hỗ trợ ông dành cho Afghanistan.

Ngoại trưởng Clinton nói: “Chắc chắn chúng tôi sẽ nêu ra vấn đề đó, như mọi khi chúng tôi vẫn làm. Đôi khi các nước sẵn sàng hợp tác với chúng tôi để cải thiện bộ mặt nhân quyền của họ và để ủng hộ sự phát triển dân chủ, và đôi khi đó cũng là một vấn đề khó trình bày. Tôi biết rất rõ về những thách thức hiện hữu ở Uzbekistan. Tôi trông đợi được gặp Tổng thống Karimov để bàn về nhiều vấn đề.”

Từ Tashkent, bà Clinton sẽ đáp máy bay đi Bahrain – là chặng dừng chót trong chuyến công du 4 nước của bà – để dự một hội nghị an ninh khu vực do tư nhân bảo trợ vào ngày mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG