Đường dẫn truy cập

Chuyện ‘chuyên cơ’ của ‘chị Ngân xinh’


Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên họp ngày 11/6/2018.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên họp ngày 11/6/2018.

Trân Văn


Tuần này, “nhục” có lẽ là một trong vài từ được dùng nhiều nhất trên mạng xã hội Việt ngữ. Việc dùng từ “nhục” trở thành phổ biến sau khi hệ thống truyền thông Nam Hàn loan báo, một người từng tháp tùng bà Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm Nam Hàn hồi tháng 12 năm ngoái đã ra đầu thú để được hồi hương, một mới bị bắt vì cư trú trái phép. Chuyện chưa ngừng ở đó vì còn tới bảy người đi theo bà Ngân sang thăm Nam Hàn rồi ở lại, không chịu về và nay đang chui lủi ở đâu đó trên lãnh thổ Nam Hàn…

Việt Nam vốn đã nổi tiếng ở nhiều xứ vì mại dâm, trộm cắp, buôn lậu, chuyển ngân lậu, vận chuyển – tiêu thụ hàng gian, nhập cảnh – cư trú bất hợp pháp. Trước kia, những vụ tai tiếng bên ngoài biên giới làm méo mó thể diện quốc gia chủ yếu là từ thường dân, tiếp viên hàng không, phi công, rồi đến viên chức ngoại giao (buôn lậu sừng tê ở Nam Phi), kể cả đại sứ (bị Đức tạm giữ vì nghi chuyển ngân lậu). Gần đây, những vụ tai tiếng dính líu cả đến Ủy viên Bộ chính trị giữ vai trò lãnh đạo quốc gia!

Sau một Tô Lâm dùng danh nghĩa Bộ trưởng Công an đi thăm hỏi thiên hạ để thực hiện kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nay có thêm Chủ tịch Quốc hội dính líu đến… buôn người! Cần lưu ý rằng, trong mắt thiên hạ, sắp đặt để ai đó có thể nhập cảnh hợp pháp hay bất hợp pháp, tổ chức vận chuyển qua biên giới để hoàn thành kế hoạch cư trú trái phép ở quốc gia nào đó đều bị xem là… buôn người. Nếu không cố ý, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các cơ quan hữu trách cũng vô tình tiếp tay cho… buôn người!

Chuyện lợi dụng chuyến thăm Nam Hàn của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam để buôn người xảy ra cách nay chín tháng nhưng cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền xem là bình thường nên không làm gì cả. Tổng Thư ký kiêm Phát ngôn viên của Quốc hội Việt Nam chỉ xác nhận sau khi hệ thống truyền thông Nam Hàn phanh phui vụ buôn người này. Đó là lý do thứ nhất làm công chúng thấy… nhục. Lý do thứ hai khiến công chúng thấy… nhục vì giới hữu trách biện bạch là bị những kẻ… đi nhờ chuyên cơ lợi dụng!

***

Cứ như vài người có dịp tháp tùng nguyên thủ Việt Nam đi công tác ở ngoại quốc kể lại những gì họ biết về… chuyên cơ thì hóa ra, chuyên cơ đã bị lợi dụng từ lâu! Một người trong số này là Minh Duc Le (cựu phóng viên) – từng có cơ hội theo chuyên cơ đưa nguyên thủ đi thăm Pháp, Mỹ hồi 2007, thuật lại, chiếc Boeing 777 được chuyển hóa thành chuyên cơ rộng thênh thang. Lãnh đạo cao cấp và các tùy tùng chính thức chỉ dùng khoang phía trước.

Khoang phía sau dành cho đủ mọi thành phần: Nhân viên phục vụ, nhà báo, doanh nhân và cả những người không ai biết họ làm gì... Có một người dùng máy ảnh, liên tục chụp tất cả những doanh nhân ở quanh nguyên thủ, sau đó gạ bán những tấm ảnh này cho các doanh nhân ấy với giá trên trời. Minh Duc Le hỏi thăm mới biết, nhân vật vừa kể kiếm sống bằng việc mua chỗ trên chuyên cơ, theo sát các nguyên thủ và doanh nhân để chụp ảnh rồi… kinh doanh những hình ảnh ấy.

Mihh Duc Le kể thêm, bởi Boeing 777 rộng, người lại không đông nên ông và các đồng nghiệp bắt chước những người khác bày rượu ra uống, lấy thuốc ra hút, kể cả hút thuốc… lào. Những người có kinh nghiệm tháp tùng nguyên thủ đi công tác ở ngoại quốc bằng chuyên cơ tỏ ra tiếc cho Minh Duc Le khi ông chỉ mang một khoản tiền vừa đủ xài. Họ khuyên rằng lần sau phải mang nhiều hơn để mua hàng hóa mang về bán lại vì không bị hải quan gây khó…

Đó cũng là lý do khi chuyên cơ đáp xuống phi trường Nội Bài. Dù là theo nguyên thủ đi công tác ngoại quốc nhưng Minh Duc Le phải chờ cả tiếng mới thấy va li của mình, trước đó trên băng chuyền chỉ thấy hết kiện này tới thùng kia của các thành viên khác trong đoàn. Một phi công của Vietnam Airlines (VNA) từng kể với Minh Duc Le, Văn phòng chính phủ ký hợp đồng thuê trọn gói phi cơ của VNA sau đó toàn quyền quyết định về hành khách. Ai đi theo cũng được nhưng phải trả tiền (1).

Minh Duc Le bảo rằng, đó là lý do ông không cảm thấy lạ khi có chín người theo chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội trốn sang Nam Hàn. Đáng chú ý là có vài người Việt sống ở bên ngoài Việt Nam cũng khẳng định họ không cảm thấy lạ như Minh Duc Le. Chẳng hạn bà Mạc Việt Hồng – một người làm báo Việt ngữ ở Ba Lan. Bà Hồng khẳng định, nhiều năm nay, phần lớn các đoàn từ Việt Nam sang châu Âu đều có người “đi kèm” và những người “đi kèm” đó đều ở lại.

Bà Hồng cho biết, những đoàn đi “hát hò” thì kèm vài người mẫu, người quản lý hay giữ chức vụ ất ơ nào đó và những người này tách đoàn ở lại. Các đoàn đi công tác, đi dự hội nghị, đi triển lãm… abc cũng vậy. Hồi ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội dẫn một đoàn sang thăm Ba Lan, trong đoàn cũng có một số người ở lại. Theo bà Hồng, lý do
rất đơn giản, giá đưa một người qua Ba Lan từ 15.000 đến 20.000 Euros. “Kèm” được năm người là đã có thể kiếm một khoản to tướng!

Bà Hồng giải thích, du lịch dẫu đã dễ hơn trước nhưng không phải với ai cũng dễ, chẳng hạn còn quá trẻ, không có việc làm ổn định, thiếu những điều kiện khác nữa để được Đại sứ quán Ba Lan cấp visa du lịch. Cho nên “phù phép” rồi ghép vào các đoàn dễ hơn nhiều. Bà Hồng nhấn mạnh, nhiều người “đi kèm” bây giờ vẫn đang ở bên này. Chỉ không rõ do quản lý nhập cư kém hay vì nhân đạo mà không thấy châu Âu họ nói gì. Đi nhờ chuyên cơ sang Nam Hàn trở thành rùm beng chỉ vì báo đăng thôi (2)!

Ông Quốc Quân Trần – một người Việt khác cũng sinh sống tại Ba Lan – đề cập tới một khía cạnh khác của chuyên cơ. Vì thường xuyên tiếp xúc với nhiều doanh nhân đi theo các đoàn đại biểu cao cấp của đảng và nhà nước ra thăm nước ngoài để... xúc tiến thương mại, ông Quân tổng kết, tiếng là “xúc tiến thương mại” nhưng “đám doanh nhân đi theo các đoàn chỉ xúc tiến quan hệ với quan chức” cho nên “đám phụ trách việc tổ chức tranh thủ quan hệ ngược với đám doanh nhân để thủ lợi”.

Đó là lý do đoàn đại biểu càng cao cấp thì càng có nhiều doanh nhân hào hứng đi theo. Do “ghế ít, đít nhiều nên lúc nào cũng thiếu chỗ”. Ông Quân nhận xét, bởi bà Ngân dẫn một đoàn đại biểu tuy cũng cao cấp nhưng là cấp cao của… quốc hội nên “bọn doanh nhân không… thèm” thành ra thừa chỗ. “Bọn” tổ chức phải kiếm thêm “bọn lởm khởm” muốn tiết kiệm tiền chạy visa và tiền vé máy bay, chỉ chi ít đồng cho “bọn” tổ chức là xong nên mới có chuyện chín thành viên theo đoàn đại biểu cao cấp của quốc hội bỏ trốn.

Quốc Quân Trần nhìn nhận, scandal đi nhờ chuyên cơ để trốn khỏi Việt Nam, cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn đúng là… nhục! Tuy nhiên ông tình nguyện làm… AQ để… “minh oan cho chị Ngân xinh”. Theo ông, “chị Ngân xinh” chả biết gì đâu! Tất cả chỉ vì bọn thuộc cấp tham lam. Kẹt ở chỗ “chị Ngân xinh” là Trưởng đoàn nên “chị Ngân xinh” vẫn phải chịu trách nhiệm vì lâu la làm bậy. Ông Quân đề nghị “chị Ngân xinh” nên “Tiu chết mẹ chúng nó đi!” (3).

Scandal chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho chín người… đi nhờ để “trốn khỏi tổ quốc” còn đặt ra một vấn đề khác: Tại sao nguyên thủ của nhiều quốc gia giàu mạnh hơn Việt Nam luôn sẵn sàng đi lại bằng các chuyến bay thương mại còn nguyên thủ Việt Nam chỉ đi lại bằng… chuyên cơ? Truong Huy San khuyên rằng, muốn thiên hạ nể phục, lãnh đạo một quốc gia chuyên đi vay nên tiết kiệm. Về khía cạnh an ninh, quý vị vốn đã không phải sợ dân, còn kẻ thù thì cứ yên tâm vì chúng chỉ muốn thả sâm (4).

Truong Huy San kể thêm, “đoàn doanh nhân” tháp tùng bà Ngân thăm Nam Hàn năm ngoái là kết quả phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với Bộ Kế hoạch – Đầu tư (MPI), sau đó, MPI ký hợp đồng giao lại cho Viettravel nhiệm vụ “tổ chức đoàn”. MPI cũng là nơi đảm nhận vai trò tổ chức các “đoàn doanh nhân” tháp tùng Thủ tướng. Ông San nghĩ rằng, MPI chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ chính là làm chính sách thay vì tham gia làm “tour” cho doanh nghiệp, dù đó là tour tháp tùng nguyên thủ.

***

Nhắc đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến chuyện bà đã vài lần dạy toàn dân tự vấn: Đã làm gì cho tổ quốc hay chưa? Câu chuyện chuyên cơ của bà cho chín người đi nhờ để “trốn khỏi tổ quốc” tô đậm thảm trạng, bất kể rủi ro trùng trùng, cực nhục khó mà tả xiết, nhiều người Việt vẫn tìm đủ mọi cách thoát khỏi Việt Nam hòng có cơ hội nuôi thân, nuôi gia đình! Liệu bà Ngân và các đồng chí của bà có bao giờ tự vấn: Đã làm gì để tổ quốc, dân tộc đến nông nỗi này?

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/minhduc.le.1840/posts/1195491543967426

(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2321146137994583&set=a.107806509328568&type=3&theater

(3) https://www.facebook.com/quocquan.tran.79069323/posts/221782062120426

(4) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/2336813139687187

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG