Đường dẫn truy cập

Chuyên gia Mỹ: ‘Chưa xong thử nghiệm, không thể phổ biến vaccine'


Ứng viên vaccine của hãng Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc được trưng bày tại một gian hàng trong Hội chợ Quốc tế về Thương mại và Dịch vụ của Trung Quốc ở Bắc Kinh
Ứng viên vaccine của hãng Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc được trưng bày tại một gian hàng trong Hội chợ Quốc tế về Thương mại và Dịch vụ của Trung Quốc ở Bắc Kinh

Một chuyên gia Mỹ về dịch bệnh nhận định rằng vào lúc này chưa thể phổ biến cho thế giới vaccine Covid-19 của Trung Quốc trong khi Mỹ cũng không thể có vaccine trước tháng 11 năm nay vì các hãng dược đã nhất trí rằng họ sẽ không rút ngắn quy trình.

Hôm 6/10, bà Socorro Escalante, điều phối viên của Tổ chức Y tế Thế giới phụ trách về thuốc men và công nghệ y tế cấp thiết ở khu vực Tây Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc đã có những cuộc thảo luận sơ khởi với WHO để vaccine của họ được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, một bước tiến tới việc đưa vaccine của họ ra quốc tế.

‘Sử dụng khẩn cấp’

Hàng trăm ngàn nhân viên thiết yếu và các nhóm được xem có nguy cơ cao tại Trung Quốc đã được tiêm vaccine sản xuất nội địa ngay cả khi những cuộc thử nghiệm lâm sàng chưa hoàn tất, gây nên quan ngại trong giới chuyên gia.

Trung Quốc có ít nhất 4 vaccine thí nghiệm trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng-hai được Tập đoàn National Biotec (CNBG) do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ bào chế và hai do Sinovac Biotech và CanSino Biologics phát triển.

Thủ tục về sử dụng khẩn cấp của WHO đề ra tiến trình cho phép các vaccine và các phương pháp chữa trị được đánh giá (dù chưa được cấp phép chấp thuận) để đẩy nhanh khả năng sẵn sàng của thuốc trong các trường hợp y tế công cộng khẩn cấp. Việc này giúp các nước thành viên WHO và các cơ quan mua bán của Liên hiệp quốc quyết định khả năng được chấp thuận của vaccine.

“Có khả năng qua việc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, chất lượng và tính an toàn của những vaccine này có thể được đánh giá…và rồi việc này có thể giúp cho những công ty được cấp phép,” bà Escalante nói.

Khi được hỏi liệu các vaccine của Trung Quốc sẽ được có mặt ở các nước láng giềng của họ sớm hơn hay không, vị đại diện WHO này nói nguyên tắc là như nhau đối với mọi vaccine sản xuất trên thế giới.

“Mục tiêu của WHO là đảm bảo rằng mọi quốc gia đều tiếp cận được vaccine nào có sớm nhất mà đã được chứng minh là hiệu quả, an toàn và có chất lượng tốt trên thị trường.”

‘Chưa thể đưa ra sử dụng rộng rãi’

Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Valda Crowder, chuyên gia của hãng Capitol Health Partners có trụ sở ở thủ đô Hoa Kỳ chuyên tư vấn các tập đoàn về cách đối phó với các đại dịch và thường có các cuộc hội thảo để giải đáp thắc mắc của công chúng về Covid-19, nói với VOA rằng nếu vaccine của Trung Quốc chưa được thử nghiệm xong giai đoạn ba, tức thử nghiệm ở quy mô lớn, thì không thể nào đưa cho các nước sử dụng rộng rãi được.

“Trong quá trình chế tạo vaccine, điều quan trọng là vaccine phải trải qua tất cả ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng,” Tiến sĩ Crowder nhấn mạnh.

Bà đưa ra dẫn chứng là trong lịch sử đã từng có 22 loại vaccine và thuốc vốn có kết quả rất hứa hẹn sau khi xong thử nghiệm giai đoạn hai nhưng qua giai đoạn ba lại có vấn đề, chẳng hạn như vaccine bại liệt (polio) khiến người ta bị bại liệt thay vì ngừa được nó.

Tiến sĩ Crowder nói hiện giờ còn chưa chắc liệu vaccine của Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn hai chưa chứ đừng nói là đã đi qua thử nghiệm giai đoạn ba.

Trong trường hợp y tế khẩn cấp như đại dịch virus corona, Tiến sĩ Crowder nói rằng ‘có thể cắt ngắn quy trình thông thường vốn tốn rất nhiều thời gian bằng cách tiêm vaccine cho người tình nguyện thay vì để họ tự nhiên bị nhiễm Covid-19 thì có thể làm cho họ bị nhiễm Covid-19 luôn để xem họ có sức đề kháng với bệnh hay không’.

Với cách làm này, theo bà, thì số lượng các thử nghiệm sẽ giảm xuống và do đó sẽ có kết quả thử nghiệm nhanh hơn.

Cho đến giờ theo những thông tin theo dõi từ các nhà chế tạo vaccine Trung Quốc đưa ra, bà nói bà ‘không thấy có tác dụng phụ gì trầm trọng’. Tuy nhiên, bà cũng không biết ‘mức độ hiệu quả của chúng đến đâu’ vì bà ‘không thấy bất cứ điều gì thật sự cho biết chúng hiệu quả như thế nào’.

Từ trước đến giờ, Tiến sĩ Crowder nói, bà ‘không nhớ có vaccine nào do Trung Quốc phát triển đã từng được đưa ra sử dụng rộng rãi trên thế giới’.

‘Mỹ cũng khó có sớm’

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông dự kiến Mỹ sẽ sớm có vaccine trước ngày bầu cử Tổng thống 3/11 năm nay, nhưng Tiến sĩ Crowder cho rằng ‘điều này khó có khả năng xảy ra’ vì các hãng dược Mỹ tham gia phát triển vaccine đã ký một thỏa thuận chung rằng ‘họ sẽ không cắt ngắn quy trình’.

Về ứng viên vaccine hợp tác giữa AstraZeneca và Oxford mà mới đây xảy ra sự cố khi một số tình nguyện viên tiêm vaccine đã xảy ra triệu chứng đa xơ cứng hay rối loạn thần kinh liên quan đến tủy sống, bà Crowder nói bà không xem đây là ứng viên vaccine hàng đầu hiện nay.

“Đây là loại vaccine chích hai mũi, mỗi mũi được chích trong giai đoạn 20-30 ngày,” bà nói và cho biết hiện giờ các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét liệu các triệu chứng này là do hậu quả của vaccine hay là do bệnh của các tình nguyện viên có từ trước.

Tuy nhiên, việc AstraZeneca vẫn tiếp tục cho thử nghiệm vaccine này cho thấy các triệu chứng xảy ra ‘không thường xuyên lắm’ vì nếu vấn đề thực sư nghiêm trọng, họ đã ngừng ngay lập tức thử nghiệm vaccine này.

Về ứng viên vaccine ngừa Covid-19 hàng đầu hiện nay, bà Crowder chỉ ra vaccine của hãng Johnson&Johnson mà theo bà là loại vaccine chỉ cần chích một mũi và cho đến nay ‘đã cho phản ứng miễn dịch rất tốt’.

“Giống như coi một cuộc đua ngựa vậy,” bà ví von về cuộc chạy đua tìm vaccine hiện nay trên thế giới. “Chúng ta sẽ thấy có con ngựa phi lên trước sớm và có vẻ như con ngựa đó sẽ dẫn đầu nhưng thực ra phải còn chạy tới 10 vòng nữa.”

‘Muốn là nước đầu tiên’

Theo Tiến sĩ Crowder, thái độ nôn nóng muốn đưa vaccine vào sử dụng sớm của Trung Quốc là ‘vì họ muốn trở thành quốc gia đầu tiên có vaccine và bởi vì có một thị trường toàn cầu cho vaccine của họ’.

Về cơ hội vaccine Covid-19 của Trung Quốc được WHO đồng ý cho sử dụng rộng rãi, bà Crowder nói bà ‘nghĩ WHO không nên làm như vậy’.

Một khi một loại vaccine nào đó được WHO phê chuẩn, bà Crowder cho rằng lúc đó các nước thành viên WHO sẽ góp sức cùng nhau để sản xuất hàng loạt vaccine đó đưa ra sử dụng.

“Chúng ta có thỏa thuận giữa các nước WHO sẽ cùng chia sẻ năng lực sản xuất vaccine,” bà nói và cho biết điều này sẽ mở rộng năng lực sản xuất vaccine trên thế giới để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của việc ngăn chặn đại dịch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG