Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Thưởng: Mỹ nên xem xét dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu chip, chất bán dẫn đối với Việt Nam


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Đối thoại APEC ngày 16/11/2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Đối thoại APEC ngày 16/11/2023.

Hôm 16/11, khi tham dự diễn dàn APEC tại Mỹ, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng kêu gọi các nước phát triển hãy hỗ trợ các nước đang phát triển trong khối này về biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại việc Việt Nam bị liệt trong nhóm nước mà Washington đã hạn chế xuất khẩu chip, chất bán dẫn.

Tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, trưa ngày 16/11, giờ địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Đối thoại không chính thức và ăn trưa làm việc giữa 20 nhà lãnh đạo APEC và các lãnh đạo khách mời từ Colombia, Fiji, Ấn Độ.

Ông Thưởng nói rằng quan điểm của Việt Nam là coi ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên trong quyết sách phát triển quốc gia và cam kết mạnh mẽ về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải methane, bảo vệ rừng và chuyển đổi năng lượng, theo Thông Tấn Xã Việt Nam.

Bên cạnh Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden tại buổi đối thoại, Chủ tịch Thưởng nhấn mạnh Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế. Ông Thưởng kêu gọi các nước phát triển, các đối tác quốc tế tăng cường chia sẻ thành quả khoa học - công nghệ, đóng góp tài chính, khẩn trương đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại đối thoại này, ông Biden nhắc lại việc Việt Nam “rất muốn, rất muốn gặp tôi và nâng cao mối quan hệ” như đã diễn ra hồi tháng 9, trong đó ông đề cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Nhà lãnh Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy quan hệ kinh tế với khối này: “Chúng tôi không đi nơi nào khác”, theo thông cáo của Nhà Trắng hôm 16/11. “Chúng tôi sẽ sớm trở thành đối tác mạnh mẽ và ổn định của quý vị khi chúng ta tiếp tục hợp tác để hiện thực hóa khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thịnh vượng và an toàn, kiên cường và kết nối”.

Trước khi diễn ra cuộc đối thoại này, ông Thưởng đã có các cuộc trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhằm tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác và trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, vẫn theo TTXVN.

Các nhà lãnh đạo APEC dự đối thoại ngày 16/11/2023.
Các nhà lãnh đạo APEC dự đối thoại ngày 16/11/2023.

Trước đó, hôm 15/11, phát biểu tại buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), ông Thưởng đề nghị Mỹ “cần sớm tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chip, chất bán dẫn”, đồng thời nói thêm rằng Việt Nam cũng mong muốn Mỹ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về vấn đề này, theo trang VN Express.

Ông Thưởng nêu rõ rằng Việt Nam mong muốn Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao. Ông cũng lặp lại yêu cầu đề nghị Hoa Kỳ cần công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, và nên thực hiện điều này này bằng “quyết sách chính trị”, chứ “không nên theo quy định một cách cứng nhắc”, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Cũng trong sự kiện này, ông Thưởng nói rằng Việt Nam xác định Mỹ là “đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình”, vẫn trang VNExpress.

Từ tháng 10/2022, Hoa Kỳ đã bước vào cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc khi áp đặt hàng loạt hạn chế sâu rộng trong lĩnh vực xuất khẩu bán dẫn và thiết bị đúc chip tiên tiến. Mỹ cấm các doanh nghiệp của mình tham gia hay hỗ trợ phát triển, sản xuất bán dẫn với các công ty Trung Quốc mà không có giấy phép.

Vào tháng 10/2023, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành ba quy tắc để cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được ban hành tháng 10/2022 đối với chất bán dẫn điện toán tiên tiến, thiết bị sản xuất chất bán dẫn và các mặt hàng hỗ trợ ứng dụng và mục đích sử dụng siêu máy tính, trong đó mở rộng các yêu cầu cấp phép cho mạch tích hợp tiên tiến (IC) cũng như công nghệ và phần mềm liên quan để áp dụng cho việc xuất khẩu vào Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Campuchia, và một số nước khác.

Tổng thống Biden nói tại Đối thoại hôm 16/11 với sự có mặt của ông Thưởng: “Hồi tháng 9, khi tôi đến Việt Nam, như tôi đã đề cập hồi nãy, để đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ đối tác giữa hai nước, chúng ta đã cam kết hợp tác cùng nhau để củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn”.

“Qua chuyến đi của ông Võ Văn Thưởng, chúng ta vẫn chưa thấy một tuyên bố chung nào được đưa ra, nhưng tôi thấy hình như đây là một hình thức cho thấy sự hiện diện của Việt Nam với vai trò quan trọng trong APEC. Chứ đi sâu vào thành quả của chuyến đi này thì chưa thấy chuyến đi để thể hiện hay mưu tìm một sự đổi mới sau khi Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được ban hành”, ký giả tự do Trọng Đoàn ở California, người thường xuyên theo dõi các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, nêu nhận định với VOA.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG