Đường dẫn truy cập

Chủ tịch nước VN Trần Đại Quang qua đời vì mắc ‘virus hiếm và độc hại’


Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời ngày 21/9/2018 ở tuổi 62.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời ngày 21/9/2018 ở tuổi 62.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, một trong ba lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 62 vì mắc “virus hiếm và độc hại”, truyền thông nhà nước dẫn lời người chuyên trách về sức khỏe của cán bộ Trung ương cho biết hôm 21/9.

“Các giáo sư, bác sĩ Nhật đã chữa trị và củng cố sức khoẻ cho Chủ tịch nước khoảng một năm nay. Tuy nhiên, bệnh này trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian”, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Quốc Thiệu, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết.

Vẫn theo nguồn tin trên, ông Trần Đại Quang đã được phát hiện “mắc loại bệnh virus hiếm và độc hại” từ tháng 7 năm ngoái và đã đi Nhật 6 lần để chữa trị.

Ông Trần Đại Quang nhập viện Trung ương Quân đội 108 vào chiều 20/9 và qua đời khoảng 10:05 sáng 21/9 sau khi rơi vào tình trạng hôn mê hoàn toàn, theo VnExpress.

Ông Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước vào năm 2016. Kể từ đó, ông thường xuyên có mặt trong tất cả các sự kiện quan trọng bên cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Vì vậy, khoảng thời gian ông đột nhiên vắng mặt trên các bản tin ngay vào thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 7 hồi tháng 5 đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông có liên quan đến cuộc chiến giành quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản. Một số nguồn tin nói ông đã bị thay thế “vì lý do sức khỏe”.

“Các chuyên gia tin rằng ông nắm giữ phần lớn quyền lực trong cuộc chiến lãnh đạo đất nước”, theo NPR.

Ông Trần Đại Quang đã không xuất hiện trước công chúng vài tuần trước khi cái chết của ông được công bố.

Ông Trần Đại Quang sinh ngày 12/10/1956, quê ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Trước khi lên làm chủ tịch nước, ông Quang từng có nhiều năm là cán bộ Cục bảo vệ chính trị, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, sau đó làm Thứ trưởng Công an là trở thành người đứng đầu Bộ Công an, cơ quan thường xuyên bị các nhà phê bình quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam (theo NPR) vào tháng 8/2011.

Nhiều đại diện ngoại giao của các nước đã gửi lời chia buồn với Việt Nam.

“Thay mặt Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm thông tới gia đình ông và nhân dân Việt Nam vào thời khắc đau buồn này”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viết trên trang Facebook.

“Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một người bạn của mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Sự tiếp đón của ông trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Donald J. Trump tới Hà Nội vào tháng 11 năm 2017 đã giúp đưa mối Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam lên tầm cao mới trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, có lợi ích chung và mong muốn chung nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, người đại diện chính phủ Mỹ nói về Chủ tịch Trần Đại Quang trong thư chia buồn.

Đại sứ quán Nga cũng bày tỏ chia buồn với Việt Nam.

“Chúng tôi xin bày tỏ những lời chia buồn sâu sắc nhất về việc Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Trần Đại Quang từ trần”, theo thông cáo đăng trên trang Twitter của cơ quan đại diện ngoại giao Nga.

Theo luật Việt Nam, sau khi ông Quang qua đời, Phó Chủ tịch nước là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ lên nắm giữ quyền Chủ tịch nước cho tới khi Quốc hội bầu ra chủ tịch mới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG