Đường dẫn truy cập

Chính trị gia Đức kêu gọi EU và Mỹ lập mặt trận thống nhất chống Trung Quốc


Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 02/09/2020.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 02/09/2020.

Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Đức vừa kêu gọi các đồng minh châu Âu phải cải thiện quan hệ đối tác với Mỹ để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc, trang Washington Examiner và South China Morning Post vừa loan tin vào đầu tuần này. Trả lời phỏng vấn VOA, đại diện cộng đồng người Việt tại EU hoan nghênh lời kêu gọi này.

Lời kêu gọi một mặt trận thống nhất về Trung Quốc của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đức diễn ra sau khi ra mắt một diễn đàn mới giữa Mỹ và châu Âu để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, với cuộc hội đàm đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng tới. Lời kêu gọi này được công bố sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp EU hôm 23/10.

Ông Josep Borrell và Mike Pompeo.
Ông Josep Borrell và Mike Pompeo.

Theo thông cáo của EU hôm 23/10, ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, đã có cuộc điện đàm thảo luận về một loạt các vấn đề cùng quan tâm trong bối cảnh Đối tác xuyên Đại Tây Dương, trong đó có vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer phát biểu tại một diễn đàn hữu nghị Đức-Mỹ hôm 24/10, nói: “Hiện nay, phương Tây với tư cách là một hệ thống các giá trị đang đứng trước nguy cơ toàn diện.”

“Chỉ có Mỹ và châu Âu cùng nhau mới có thể giữ cho phương Tây vững mạnh, bảo vệ nhau trước cơn khát quyền lực không thể nhầm lẫn của Nga và tham vọng thống lĩnh toàn cầu của Trung Quốc,” trang Washington Examiner dẫn lời bà Kramp-Karrenbauer nói.

Chỉ có Mỹ và châu Âu cùng nhau mới có thể giữ cho phương Tây vững mạnh, bảo vệ nhau trước cơn khát quyền lực không thể nhầm lẫn của Nga và tham vọng thống lĩnh toàn cầu của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer

Trang South China Morning Post dẫn lời bà Kramp-Karrenbauer cho biết bà đề nghị xây dựng một “liên minh thương mại phương Tây mới” để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc.

Ngoài ra, bà cũng bày tỏ lo ngại về hành vi thao túng tiền tệ từ lâu nay của Trung Quốc, về sự vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, về các điều kiện đầu tư bất bình đẳng và cạnh tranh bất bình đẳng, do các doanh nghiệp Trung Quốc được Nhà nước tài trợ.

Một ngày sau phát biểu của bà Kramp-Karrenbauer, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết tương lai của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ được “quyết định bởi cách thức đối phó đúng đắn với Trung Quốc.”

Bộ trưởng Annegret Kramp-Karrenbauer và Ngoại trưởng Heiko Maas, ngày 12/02/2020.
Bộ trưởng Annegret Kramp-Karrenbauer và Ngoại trưởng Heiko Maas, ngày 12/02/2020.

Đồng hành cùng Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ngày 25/10, Ngoại trưởng Maas viết cho báo Welt am Sonntag với tựa đề “Đã đến lúc cho một khởi đầu mới trong Đối tác Xuyên Đại Tây Dương” trong đó ông kêu gọi nên thắt chặt liên minh EU-Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc.

Trong bài viết, ông Maas bày tỏ lòng cảm ơn của Berlin đối với viện trợ của Washington trong và sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời báo hiệu nhận thức ngày càng cao về mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra, ngay cả ở Berlin - nơi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đã làm chậm sự đồng thuận của Mỹ-Đức về các vấn đề như Huawei.

Từ trước đến nay, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thường xuyên lên án Trung Quốc gây bất ổn cho an ninh quốc gia, gây rối trật tự khu vực, vi phạm nhân quyền, lạm dụng thương mại, khai thác đại dịch corona để đẩy mạnh các lợi ích riêng… vì vậy ông kêu gọi “toàn thế giới” chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Các quan chức châu Âu từ lâu đã phàn nàn về sự thiếu tiến bộ của Bắc Kinh trong việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài, và gần đây hơn là về tình hình nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong.

Nhưng Đức đã miễn cưỡng xích lại gần Mỹ, đặc biệt là kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào đầu năm 2017. Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Berlin vì không chi đủ tiền cho ngân quỹ khối NATO và chỉ trích cả EU nói chung vì EU cạnh tranh với Mỹ, theo SCMP.

Washington nhận thấy thách thức chiến lược lớn của thế kỷ này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas

Ngoại trưởng Maas cho biết sự chia rẽ giữa Hoa Kỳ và EU trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump chỉ mang lại lợi ích cho các cường quốc bên ngoài.

“Sau bốn năm khó khăn, đã đến lúc bắt đầu mới trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, bởi vì những người hưởng lợi từ sự khác biệt của chúng ta là ở Bắc Kinh và Moscow, ở Tehran và Bình Nhưỡng.”

Ngoại trưởng Maas viết trên báo Welt am Sonntag: “Washington nhận thấy thách thức chiến lược lớn của thế kỷ này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trên tất cả các đường lối của các đảng, và Chính quyền tiếp theo của Mỹ do đó cũng sẽ chuyển hướng về mặt chính trị và quân sự theo xu hướng này."

Từ Đức, ông Lê Quang Thành, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt tị nạn chính trị tại Âu châu, nêu nhận định với VOA về lời kêu gọi của các bộ trưởng nước này:

“Không riêng gì Bộ trưởng Quốc phòng Kramp-Karrenbauer mà Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas đều kêu gọi. Điều này rất hay vì họ không chỉ kêu gọi Đức mà kêu gọi cả EU liên kết với Hoa Kỳ để có phương cách chống lại Trung Quốc một cách hữu hiệu hơn.”

Ông Mikko Huotari, người đứng đầu Viện Mercator Nghiên cứu về Trung Quốc, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, cho biết quan điểm chung về Trung Quốc trong chính giới Đức đã trở nên “rất quan trọng ở Đức, đặc biệt là trong 12 tháng qua.”

“Tôi mong đợi chính sách Trung Quốc thời hậu [Angela] Merkel, bất kể ai sẽ kế nhiệm bà, sẽ đưa ra một quan điểm cứng rắn hơn về Trung Quốc,” ông Huotari nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer, Thủ tướng Angela Merkel và Ngoại trưởng Heiko Maas, ngày 22/01/2020.
Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer, Thủ tướng Angela Merkel và Ngoại trưởng Heiko Maas, ngày 22/01/2020.

Theo trang SCMP, Thủ tướng Merkel sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ năm trong cuộc bầu cử năm tới, trong khi bà Kramp-Karrenbauer, người từng được coi là người kế nhiệm tiềm năng của bà Merkel, sẽ từ chức lãnh đạo đảng CDU vào tháng 12.

Nhận định về các chính sách của chính quyền Thủ tướng Merkel đối với Trung Quốc, ông Lê Quang Thành nói:

“Đa số người Việt chúng tôi không hài lòng với các chính sách của bà Merkel nói chung, đặc biệt là chính sách đối Trung Quốc, quá hòa hoãn và quá nhân nhượng.”

Ý tưởng về một liên minh chống Trung Quốc của Washington đã có từ lâu, nhưng gần đây được các quan chức Mỹ bày tỏ công khai.

Trong chuyến công du đến Anh vào tháng 7/2020, Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo rằng tất cả các nước trên thế giới cần ý thức rõ ràng độ nguy hiểm nếu không kiểm soát được tham vọng của Trung Quốc, đồng thời ông đề xuất cần nhanh chóng thành lập một liên minh để chặn đứng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và gây sức ép buộc giới lãnh đạo Bắc Kinh từ bỏ mọi động thái làm tổn hại hoà bình, ổn định chung.

Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ- Ấn trực tuyến vào cuối tháng 8/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nói rằng mục tiêu của chính phủ Mỹ là đưa nhóm 4 quốc gia trong Bộ Tứ (Quad – gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) và những nước khác ở khu vực vào cơ chế làm việc cùng nhau để tạo nên một bức tường thành chống lại “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc.”

Mục tiêu của Washington là đưa quan hệ hợp tác quốc phòng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với nhóm Quad trở thành một tổ chức giống như NATO ở châu Âu.

Trong chuyến công du châu Á trong tuần này – bao gồm cả chặng dừng chân ở Hà Nội - Ngoại trưởng Pompeo tiếp tục kêu gọi các nước trong khu vực mạnh mẽ ứng phó với các mối đe dọa của Bắc Kinh.

Trước đó, vào tháng 6/2020, có ít nhất 19 nghị sĩ từ Anh, Mỹ, Úc, Đức, Nhật, Canada, Na Uy, Thụy Điển và nghị viện châu Âu đã thông báo một liên minh quốc tế gồm những nhà lập pháp kêu gọi chính phủ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Liên minh này có tên gọi là Inter-Parliamentary Alliance on China (Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc), cho rằng những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hong Kong kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát cho thấy phương Tây đang đối mặt với thái độ mới từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cần phải thích ứng nhanh chóng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG