Đường dẫn truy cập

TT Trump đang quay về với chính sách ‘can thiệp’ thế giới?


Tổng thống Trump ký một dự luật (ảnh tư liệu, 27/3/2017)
Tổng thống Trump ký một dự luật (ảnh tư liệu, 27/3/2017)

Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, tuần trước ra lệnh oanh kích trừng phạt Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, vì bị nghi đã tấn công bằng vũ khí hóa học vào một khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria.

Tuần này, ông Trump tái bố trí một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công để gửi thông điệp tới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un.

Những động thái này khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu có phải ông Trump đang xa rời chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết," để trở lại lập trường chính thống hơn?

Chỉ một tuần trước, ông Trump còn lặp lại lời hứa đã nói hàng trăm lần khi vận động tranh cử.

Tổng thống Trump nói: "Tôi không phải là, và tôi không muốn làm tổng thống của thế giới. Tôi là tổng thống của Hoa Kỳ, và từ bây giờ trở đi sẽ là nước Mỹ trên hết".

Nhưng trong một tuần kể từ thời điểm đó, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump gặp thách thức bởi các vấn đề từ những nơi khác trên thế giới.

Tại Syria, một vụ tấn công nghi là bằng vũ khí hóa học đã khiến ông Trump tiến hành oanh kích vào chính phủ của ông Bashar al-Assad, kéo Hoa Kỳ vào sâu thêm trong cuộc nội chiến kéo đẫm máu dài đã 6 năm qua.

Tại châu Á, nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đi về phía Bắc Triều Tiên.

Đó là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong Un.

Và ở Tòa Bạch Ốc là việc sắp xếp lại nhân sự.

Ông Trump đã đưa Steve Bannon, vị cố vấn trưởng có đầu óc dân tộc chủ nghĩa, ra khỏi vị trí hàng đầu trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

Tôi không nghĩ đó là chính sách đối ngoại can thiệp. Điều tổng thống thể hiện là sự sẵn sàng can thiệp khi lợi ích của Hoa Kỳ bị thúc ép
Ông James Carafano, thuộc Quỹ Heritage

Những động thái này được nhiều người trong giới làm về chính sách đối ngoại ca ngợi. Trong số họ, một vài người phân vân: liệu có phải ông Trump đang hướng đến một chính sách đối ngoại mang tính can thiệp nhiều hơn không?

Nhưng ông Jim Carafano, người từng làm việc trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump, cho rằng sẽ sai lầm khi nhìn sự việc theo cách đó.

Ông James Carafano, thuộc Quỹ Heritage, một tổ chức khuynh hướng Cộng Hòa, nói: "Tôi không nghĩ đó là chính sách đối ngoại can thiệp. Điều tổng thống thể hiện là sự sẵn sàng can thiệp khi lợi ích của Hoa Kỳ bị thúc ép".

Nói qua Skype, ông Carafano nhận xét rằng đó là sự tương phản với Tổng thống Barack Obama, người đôi khi không muốn sử dụng vũ lực trên thế giới.

Và cũng khác ông George W. Bush, người bị cáo buộc can thiệp quá nhiều.

Về phần mình, các quan chức chính quyền ông Trump nói cuộc oanh kích vào Syria không thể hiện cho việc áp dụng trở lại chính sách đòi thay đổi chế độ.

Tòa Bạch Ốc rõ ràng phát đi tín hiệu rằng mặc dù tổng thống sẵn lòng có hành động quân sự, song ông sẽ vẫn rất hoài nghi về việc làm cho Hoa Kỳ dính líu sâu vào một cuộc nội chiến mà không có giải pháp quân sự nào cho nó cả
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Philip J. Crowley

Cũng nói chuyện qua Skype, ông P.J. Crowley, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thời ông Obama, nói đó là điều khôn ngoan.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Philip J. Crowley nói: "Tổng thống Trump được bầu lên để giải quyết các vấn đề ở Mỹ. Người ta không bầu ông lên để giải quyết các vấn đề ở Syria. Và đó là lý do vì sao Tòa Bạch Ốc rõ ràng phát đi tín hiệu rằng mặc dù tổng thống sẵn lòng có hành động quân sự, song ông sẽ vẫn rất hoài nghi về việc làm cho Hoa Kỳ dính líu sâu vào một cuộc nội chiến mà không có giải pháp quân sự nào cho nó cả".

Thư ký Báo chí Sean Spicer cho biết những động thái của tuần vừa qua đã bị giới truyền thông "thổi phồng", và các tin tức về việc cải tổ nhân sự ở Tòa Bạch Ốc là không chính xác: "Nơi duy nhất đang có cải tổ ngay bây giờ chính là Washington".

VOA Express

XS
SM
MD
LG