Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh: Thế giới nên tôn trọng luật kiểm duyệt Internet của TQ


Chính phủ Trung Quốc đã biện hộ cho chính sách kiểm duyệt Internet của họ và cảnh cáo các nước khác nên tôn trọng cách thức họ kiểm soát số người sử dụng Internet đông nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo tường trình của Thông tín viên đài VOA Peter Simpson từ Bắc Kinh thì một số nước trong cộng đồng quốc tế lo ngại rằng những phương pháp kỹ thuật cao mà Trung Quốc sử dụng để kiểm soát thông tin đang ngày càng trở nên phổ biến đối với các chính phủ đàn áp khác trên khắp thế giới.

Không có gì đáng ngạc nhiên trong bạch thư mới của Trung Quốc khi họ tái khẳng định quyết tâm kiểm duyệt gắt gao việc truy cập Internet ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trung Quốc kêu gọi các nước khác tôn trọng luật lệ về Internet của Trung Quốc, mà họ cho là một vấn đề chủ quyền quốc gia.

Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc dường như còn cương quyết hơn bao giờ hết trong việc kiểm soát những nội dung mà khoảng 400 triệu người sử dụng Internet truy cập.

Bạch thư công bố ngày hôm nay viết rằng kiểm duyệt là “một yêu cầu không thể thiếu để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích của công chúng.”

Nước này đã chi hàng trăm triệu đôla để kiểm soát Internet. Những biện pháp hạn chế của họ, mà các nhà chỉ trích gọi là Vạn lý Hỏa thành, đang tiếp tục được nâng cấp và xem xét lại.

Các biện pháp kiểm soát này đã khiến nhiều nước lên tiếng chỉ trích, trong đó có Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Người phát ngôn đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, bà Susan Stevenson nói rằng Washington phản đối chính sách Internet của Trung Quốc.

Bà Stevenson nói: "Như Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhấn mạnh nhiều lần, chính phủ Hoa Kỳ cam kết mạnh mẽ đối với tự do báo chí và tự do Internet và chúng tôi phản đối hành động kiểm duyệt.”

Bà Lucie Morillon thuộc tổ chức Phóng viên Không biên giới chuyên gây áp lực thúc đẩy tự do báo chí, cho biết mọi người đang ngày càng quan ngại rằng những chính phủ khác như Iran và Miến Điện cũng đang làm theo các chính sách của Trung Quốc.

Bà Morillon cho biết: "Trung Quốc đã đóng một vai trò lãnh đạo trong việc khẳng định quyền kiểm soát Internet với nhiều phương tiện kỹ thuật và nguồn lực phục vụ cho hành động này, cùng với nhiều hình thức đe dọa đối với các công dân mạng. Và đây là một mô hình đang được xuất khẩu sang các nước khác, vốn đang theo chân Trung Quốc.”

Bà Morillon nói rằng Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế cần phải gây thêm áp lực lên Bắc Kinh để họ cho phép người dân có nhiều tự do hơn trong việc sử dụng Internet.

Bà nói rằng Tổ chức Thương mại Thế giới cũng cần thúc đẩy Bắc Kinh cho phép có tự do Internet nhiều hơn bằng việc áp dụng các áp lực về kinh tế để thực hiện điều đó.

Các giới chức Liên hiệp Châu Âu cũng nói rằng hành động kiểm duyệt của Trung Quốc đã gây nên một rào cản thương mại.

Tuy nhiên, người sử dụng Internet ở Trung Quốc vẫn hy vọng họ có thể truy cập được những nội dung họ muốn.

Ngày càng có nhiều người đi trước một bước so với những nhà kiểm duyệt với việc sử dụng các máy chủ trung chuyển – tức proxy server – và học cách truy cập ẩn danh trên mạng để họ có thể bày tỏ quan điểm của mình.

Bà Morillon nói rằng chính phủ Bắc Kinh càng tìm cách làm im tiếng cộng đồng Internet đang ngày càng phát triển thì tiếng nói của các thành viên của cộng đồng này lại càng bắt đầu được người ta lắng nghe nhiều hơn.

Chính phủ Trung Quốc nhận định trong bạch thư của mình rằng mục tiêu của họ là đưa Internet đến với 45% dân số trong vòng 5 năm, tức là tăng so với con số hiện tại là 45%.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG