Đường dẫn truy cập

CEBR: VN tăng trưởng 6,6% từ 2021-2030, xếp hạng 19 thế giới năm 2035


Kinh tế Việt Nam phát triển nhiều trong 20 năm trở lại đây
Kinh tế Việt Nam phát triển nhiều trong 20 năm trở lại đây

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây công bố báo cáo thường niên về 193 nước, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong các năm từ 2021-2025. Trong 10 năm tới, tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam dự báo đạt 6,6% và đến năm 2035 sẽ giữ vị trí 19 trên thế giới, CEBR tiên liệu.

Nếu điều này trở thành hiện thực, sau 15 năm nữa, Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan và Thái Lan, hai nền kinh tế được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.

Bản báo cáo được công bố hôm 26/12 nói Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn các nơi khác trên thế giới, nhờ đó, tăng trưởng của năm 2020 sẽ vẫn đạt mức dương là 1,6%, giảm so với mức 7% của năm 2019.

Việt Nam phải có mức tăng trưởng khoảng 9-10% thì 15 năm nữa có thể đạt vị trí 19. Còn nếu tăng trưởng 6-7% thì chưa đủ để đạt vị trí đó.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu


Theo con số được chính phủ Việt Nam công bố sáng 28/12, mức tăng GDP năm 2020 là 2,91%, cao gần gấp đôi con số do CEBR đưa ra.

CEBR cho biết họ có 25 năm kinh nghiệm cung cấp các phân tích và dự báo kinh tế độc lập với độ chính xác cao cho hàng trăm công ty tư nhân cũng như các tổ chức công.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính người Mỹ gốc Việt với hơn 30 năm kinh nghiệm, nói với VOA rằng các mức tăng trưởng do CEBR đưa ra là khả thi, nhưng Việt Nam sẽ khó tăng từ vị trí thứ 37 hiện nay lên đứng thứ 19 trên thế giới về kinh tế vào năm 2035. Ông Hiếu phân tích:

“Trong 15 năm tới, Việt Nam phát triển nhưng tất cả các nước chung quanh cũng phát triển cả. Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, ngay cả Philippines cũng có sự tăng trưởng mạnh. Thành ra, Việt Nam phải có mức tăng trưởng khoảng 9-10% thì 15 năm nữa có thể đạt vị trí 19. Còn nếu tăng trưởng 6-7% thì chưa đủ để đạt vị trí đó”.

Quan sát phản ứng trên mạng xã hội về dự báo của CEBR, VOA nhận thấy nhiều người nêu vấn đề rằng dù Việt Nam có thể sẽ tăng thứ hạng, song liệu điều đó có thay đổi được tình trạng đông đảo người Việt vẫn phải ra nước ngoài làm những công việc đơn giản, thấp kém, bị coi thường hay không.

Như VOA đã đưa tin, các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong những năm gần đây liên tục thực hiện nhiều cuộc truy quét, bắt bớ những người Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc phạm pháp ở các nước đó.

Ngoài ra, cũng có nhiều tin tức của báo chí trong và ngoài nước về tình trạng người Việt Nam làm thuê bị bóc lột, đánh đập, thậm chí thiệt mạng ở các nước Trung Đông.

Tháng 10 năm ngoái, thế giới rúng động về tin tức 39 người Việt Nam thiệt mạng trong thùng xe container đông lạnh khi nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh từ nước Pháp.

Kinh tế tăng trưởng nhưng nhiều người vẫn sống lam lũ ở Việt Nam
Kinh tế tăng trưởng nhưng nhiều người vẫn sống lam lũ ở Việt Nam

Về thực trạng đó, tiến sĩ Hiếu nói rằng so với quá khứ, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến nay càng ngày càng cải thiện đời sống của người dân, nhưng nhìn lại 20 năm qua, mức độ thịnh vượng của các tầng lớp nhân dân không đồng đều.

Mỗi năm người ta đỡ nghèo hơn một chút. Nhưng so với những người giàu có, họ đi xuống. Thành ra, tôi nghĩ rằng phát triển của Việt Nam sẽ theo hình chữ K, một nhánh đi lên và một nhánh đi xuống.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu


Đưa ra hình ảnh ông quan sát thấy ở ngay thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế lớn thứ hai của Việt Nam, vẫn còn nhiều người sống rất lam lũ, tiến sĩ Hiếu chỉ ra rằng người giàu ngày càng giàu trong khi mức gia tăng về thịnh vượng ở người trung lưu và người nghèo không bằng. Ông nói thêm:

“Mỗi năm người ta đỡ nghèo hơn một chút. Nhưng so với những người giàu có, họ đi xuống. Thành ra, tôi nghĩ rằng phát triển của Việt Nam sẽ theo hình chữ K, một nhánh đi lên và một nhánh đi xuống. Đặc biệt nữa, sau dịch bệnh này, trong những năm tới tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục tác động các nền kinh tế, kể cả kinh tế Việt Nam, và những người khó khăn càng khó khăn hơn”.

Vì vậy, chuyên gia tài chính này lưu ý rằng chính phủ cần có quyết sách hỗ trợ cho người lao động yếu thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có thể giúp nâng lên chất lượng cuộc sống của nhánh dưới trong đồ thị hình chữ K. Ngược lại, nếu không làm như vậy, sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng hơn, ông Hiếu nói.

Ngay trong năm nay, chính phủ cần đưa ra 2 chương trình hỗ trợ riêng rẽ với số tiền tổng cộng lên đến 400 nghìn tỷ đồng dành cho hai nhóm đối tượng nêu trên để giúp họ vượt qua tác động của đại dịch, tiến sĩ Hiếu đề xuất.

Báo cáo vừa công bố của CEBR nói Việt Nam hiện là nước thu nhập trung bình thấp, với GDP đầu người điều chỉnh theo sức mua tương đương đạt mức 10.755 đô la trong năm 2020.

Cách đây 2 tháng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 340,6 tỷ đô la, đồng nghĩa là GDP danh nghĩa bình quân đầu người đạt khoảng 3.500 đô la/năm.

Dùng một thước đo duy nhất [GDP] gây ra sự méo mó trong tư duy thế nào gọi là phát triển, thế nào là cái đích của cuộc sống đáng sống, đem đến niềm tự hào dân tộc có thể là không lành mạnh.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang


Hồi tháng 6, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới tính toán rằng GDP danh nghĩa bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 2.800 đô la.

Tiến sĩ kinh tế người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang chia sẻ với VOA rằng ông thấy quan ngại về việc nhấn mạnh vào GDP, theo đuổi tăng trưởng GDP bằng mọi giá, dùng nó làm thước đo để so quốc gia này với quốc gia khác, chính phủ này với chính phủ khác. Ông nói thêm:

“Dùng một thước đo duy nhất gây ra sự méo mó trong tư duy thế nào gọi là phát triển, thế nào là cái đích của cuộc sống đáng sống, đem đến niềm tự hào dân tộc có thể là không lành mạnh. Để biết xã hội của mình có ổn không, có tốt lành không, cần phải có nhiều thước đo khác: Thước đo về môi trường, diện tích rừng, chất lượng nước, không khí, cuộc sống đô thị, có công bằng, an sinh xã hội cho mọi người hay không, hay giàu sang vật chất chỉ tập trung vào nhóm nhỏ”.

Bên cạnh đó, các thước đo về dân chủ, tự do biểu đạt, tín ngưỡng, hội họp cũng vô cùng quan trọng, theo lời tiến sĩ Giang.

Nếu không bảo đảm được những điều trên, một nhóm nhỏ được hưởng cuộc sống sang trọng với nhiều tài sản, của cải, trong khi phần đông người dân vẫn nghèo, môi trường bị tàn phá, xã hội có nhiều bất công, ông Giang nói.

Tiến sĩ kinh tế này bình luận với VOA rằng môi trường, bất bình đẳng và nhân quyền là 3 vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

“Để phát triển kinh tế toàn diện hơn, lành mạnh hơn, không chỉ dựa vào GDP, mà cần phải thông qua cả những chỉ số về phát triển con người theo các tiêu chí được Liên Hiệp Quốc đặt ra. Điều này liên quan đến các vấn đề công lý, bạo lực trong xã hội, bình đẳng phụ nữ, gia đình, giáo dục, v.v…”, tiến sĩ Giang nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG