Đường dẫn truy cập

Câu chuyện 'cụ Rùa'


Ảnh và phim quay được cho thấy 'cụ rùa' bị thương và lở loét ở nhiều nơi, bơi lội chậm chạp và nổi lên mặt nước rất thường xuyên
Ảnh và phim quay được cho thấy 'cụ rùa' bị thương và lở loét ở nhiều nơi, bơi lội chậm chạp và nổi lên mặt nước rất thường xuyên

Câu chuyện về rùa Hồ Gươm gần đây trở thành một đề tài nóng bỏng trên báo chí trong nước và thậm chí cả nước ngoài. Lý do là trong một thời gian ngắn gần đây có vẻ như sức khỏe của “cụ rùa” ở Hồ Gươm đã bị suy giảm nặng nề. Các ảnh chụp và phim quay được cho thấy “cụ rùa” bị thương và lở loét ở nhiều nơi, bơi lội chậm chạp và nổi lên mặt nước rất thường xuyên.

Muốn hay không, đối với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội, rùa Hồ Gươm vẫn được coi là một linh vật. Vì thế, sức khỏe của “cụ rùa” được nhiều người đặc biệt quan tâm. Cái chết của “cụ rùa” sẽ là một tổn thất lớn về mặt tâm linh đối với nhiều người. Ngược lại, cũng có một số người như ông Vũ Thế Long, thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng “cụ rùa” sống lâu năm chết là lẽ thường.

Có thể già chết là chuyện thường, thế nhưng điều đáng nói thứ nhất là tình trạng suy sụp của “cụ rùa” có nhiều nguyên nhân bên ngoài mà giới hữu trách của Hà Nội đã biết từ lâu, nhưng không giải quyết. Thí dụ như:

1. Môi trường nước ở Hồ Gươm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Báo Lao động trích nguồn của IET cho biết nước Hồ Gươm có độ độc gấp ít nhất 30 lần so với ngưỡng độc cao theo tiêu chuẩn của Australia. Báo này cho biết thêm tảo lam độc microcystin đang phát triển tại hồ Gươm rất nhanh và mạnh theo thời gian. Nếu như năm 1997 mới chỉ đếm được 3,5 triệu tế bào trong một lít nước mẫu lấy trong Hồ Gươm, đến tháng 2 năm 2005, lượng tế bào tảo lam độc đã lên đến 747 triệu/lít nước mẫu. Trong khi đó tiêu chuẩn nước của Australia, nếu hàm lượng microcystin ở mức 15 triệu tế bào/lít nước trở lên, nước được xem là có độ độc cao

2. Lòng hồ nông, có quá nhiều rác, trong đó có những đường ống thoát nước thải, phế thải cứng, bê tông, chai lọ, bát hương, kim tiêm, túi ni lông, và đá hộc dưới lòng hồ. Báo Tuổi Trẻ đưa tin trong đợt nạo vét lòng hồ bắt đầu vào ngày 27 tháng 2 vừa rồi, khoảng 300 công nhân thuộc 6 xí nghiệp thoát nước Hà Nội sẽ dọn rác và bùn Hồ Gươm trong vòng 10 ngày liên tục. Dự kiến khoảng 500m3 bùn, đất, đá sẽ được chuyển đi.

3. Dân Hà Nội thả (phóng sinh) rùa tai đỏ bừa bãi xuống Hồ Gươm. Báo Vnexpress mô tả “cứ khoảng 9 giờ sáng, khi trời hửng nắng cũng là lúc đã kiếm ăn no, rùa tai đỏ bắt đầu nổi lên mặt Hồ Gươm, bám vào cành cây phơi nắng. Có những cành cây rủ xuống hồ chi chít rùa tai đỏ, con to chừng một kg, con nhỏ nhất bằng ngón chân cái” và “vào ngày rằm hay mùng một, người dân mua rùa tai đỏ về cúng, sau đó phóng sinh xuống hồ. Một số khác lại đứng trên lối đi vào đền Ngọc Sơn, thả câu chùm xuống và câu được rất nhiều rùa tai đỏ đem bán.”

Rùa tai đỏ phát triển nhanh ở Hồ Gươm đã cạnh tranh mạnh về nguồn thức ăn với rùa Hồ Gươm. Báo Thanh Niên trích lời ông Hà Đình Đức, một chuyên gia về rùa ở Việt Nam, cho biết “ảnh hưởng mà nó có thể gây hại đến cụ Rùa là rất rõ ràng”. Còn báo CAND còn đăng bài và ảnh mô tả việc rùa tai đỏ bò trên lưng “cụ rùa” Hồ Gươm (một người Hà Nội mô tả cảnh này là “rùa ngựa – ngựa rùa”).

Sống lâu năm trong một môi trường như vậy “cụ rùa” không ốm chết mới là lạ. Trong tình trạng bị thương khó có thể săn mồi và - có thể là vì - bị cạnh tranh về nguồn thức ăn, có lẽ “cụ rùa” chỉ còn nước ăn cá chết. Cách đây vài tuần, báo VietnamNet đưa tin về tình trạng thê thảm của “cụ rùa” với tít “xót xa hình ảnh cụ rùa ăn cá chết” trong đó có video của một người Hà Nội quay cảnh “cụ rùa” chậm chạp bơi trong một vùng nước ô nhiễm nặng nề như nước cống và đớp ăn một con cá chết trôi.

Một điểm đáng nói nữa là ngay cả khi nguy cơ “cụ rùa” chết vì bệnh tật đã quá rõ ràng thì các cơ quan này vẫn phản ứng khá chậm chạp. Dư luận dấy lên tình trạng sức khỏe của “cụ rùa” từ cuối tháng 12 năm 2010 nhưng sau rất nhiều cuộc họp Hà Nội mới thống nhất được phương án xử lý và tới hết ngày 5 tháng 3, 2011 các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa “cụ rùa” lên cứu chữa.

Bên cạnh đó, ngoài việc cử các xí nghiệp thoát nước ở Hà Nội xuống vớt rác và hút bùn thì vẫn chưa có biện pháp gì đáng kể về cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước và loại rùa tai đỏ khỏi Hồ Gươm. Hà Nội có đặt một số bẫy để bắt rùa tai đỏ nhưng có vẻ như cũng chưa bắt được bao nhiêu.

Việc chữa trị “cụ rùa” theo kế hoạch của Hà Nội có thành công hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Dù sao, người Hà Nội vẫn có thể sẽ phải đối mặt với sự thực là “cụ rùa” có thể sẽ chết trong một thời gian ngắn nữa. Khi đó, Hà Nội vẫn sẽ có Hồ Gươm và tượng vua Lê nhìn xuống mặt nước hồ. Hồ Gươm có thể được chăm sóc tốt hơn, đẹp hơn, nước Hồ Gươm có thể sạch hơn vì cái chết của “cụ rùa” làm thức tỉnh nhiều người. Thế nhưng Hồ Gươm sẽ không còn “cụ rùa” gắn liền với huyền sử nữa mà chỉ còn lũ rùa tai đỏ nhập từ Bắc Mỹ về, ăn lắm, giao phối nhiều, và sinh sản mạnh.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG