Đường dẫn truy cập

Căng thẳng Mỹ-Trung về khinh khí cầu gián điệp lan đến chuỗi cung ứng: Việt Nam có hưởng lợi?


Căng thẳng tăng cao trong quan hệ Mỹ-Trung đang dẫn đến những lo ngại mới cho các công ty phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc, tăng tốc thêm việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước khác như Việt Nam.
Căng thẳng tăng cao trong quan hệ Mỹ-Trung đang dẫn đến những lo ngại mới cho các công ty phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc, tăng tốc thêm việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước khác như Việt Nam.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về cáo buộc khinh khí cầu gián điệp bị bắn hạ ở Bắc Mỹ đã khiến một số hiệp hội thương mại hàng đầu đại diện cho các công ty phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc thúc giục các thành viên của họ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác như Việt Nam.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, Hiệp hội Giày dép và May mặc Hoa Kỳ, và Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi cung ứng nói với CNBC rằng căng thẳng gia tăng với Trung Quốc do khinh khí cầu gián điệp đã dẫn đến những lo ngại mới từ các công ty thành viên của họ, vốn đã phải đối phó với thuế quan trong những năm gần đây do Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden áp đặt, cũng như việc ngừng hoạt động theo chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc.

Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc càng tăng cao khi một khinh khí cầu khổng lồ của Trung Quốc bị máy bay chiến đấu F-22 của Hoa Kỳ bắn rơi trên Đại Tây Dương gần bờ biển của bang South Carolina hôm 4/2. Washington khẳng định đó là một khí cầu gián điệp phi pháp, một phần của đội khí cầu tiến hành các hoạt động giám sát bí mật trên 5 lục địa trong vài năm qua. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng đó là một thiết bị khí tượng “vô tình lạc lối.” Washington gọi đây là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Mỹ. Trong những ngày gần đây, thêm ba vật thể bay không xác định đã bị bắn hạ ở Bắc Mỹ.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong bài phát biểu về Thông điệp Liên bang vào tuần trước rằng “nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước mình.” Còn Bắc Kinh đã chuyển từ biện minh là khí cầu bị bay lạc sang phẫn nộ dữ dội khi cáo buộc Mỹ tìm cách “bôi nhọ và kích động đối đầu” đồng thời cũng nói rằng đã phát hiện các khinh khí cầu của Mỹ trong không phận Trung Quốc hơn 10 lần trong năm ngoái dù không đưa ra bằng chứng nào.

Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc khi áp thuế trị giá hàng trăm tỷ đô la lên nhiều mặt hàng của nước này nhập vào Mỹ. Cuộc thương chiến, bắt đầu từ năm 2018, đã thúc đẩy các công ty xuất khẩu ở Trung Quốc tìm cách đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này, sang các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, để tránh các mức thuế của Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc. Việc dịch chuyển này càng được tăng tốc khi chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất từ Trung Quốc bị đứt gãy do những hạn chế nghiêm ngặt từ chính sách “Zero COVID” trong thời gian đại dịch virus corona.

Sự xuống cấp thêm một mức mới trong quan hệ Mỹ-Trung vì vụ khinh khí cầu càng làm cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thêm gấp rút.

“Những căng thẳng đang diễn ra với mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung tiếp tục làm nổi bật nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng,” Jon Gold, phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ nói với CNBC. “Từ thuế quan đến COVID-19 cho đến những thách thức khác, các nhà bán lẻ đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nguồn cung ứng để đảm bảo họ có chuỗi cung ứng linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng."

Dữ liệu mới nhất cho thấy một sự dịch chuyển đáng kể của ngành sản xuất, kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, sang các quốc gia như Việt Nam và Philippines. Nhiều công ty cũng đang dựa vào thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi như một cách để đưa nhiều hoạt động sản xuất trở lại Bắc Mỹ, theo CNBC.

“Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng đang tìm kiếm rủi ro thấp hơn và phương tiện tốt hơn để phục vụ Hoa Kỳ bằng cách tìm kiếm và chuyển đến Canada và Mexico,” Mark Baxa, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi cung ứng nói với CNBC. “Các hoạt động chuyển dịch sang các nước khác mà chúng tôi thấy những công ty khác đang thực hiện là tới các nước thay thế như EU (liên minh châu Âu), Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ.”

Việt Nam được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty, trong đó có Apple, tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ, đã chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á, nơi được xem là có lực lượng lao động với tay nghề cao giá rẻ và ở ngay sát Trung Quốc. Từ năm 2020, Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe không dây Airpod từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Samsung, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc trong những năm qua cũng đã di dời phần lớn dây chuyền sản xuất màn hình máy tính của mình từ Trung Quốc sang nhà máy của họ ở Khu Công nghệ cao Quận 9 ở TPHCM.

“Chúng tôi thấy sự dịch chuyển của một số chuỗi cung ứng đến các thị trường mới nổi. Việt Nam rõ ràng là nước hưởng lợi nhiều nhất,” John Pearson, giám đốc điều hành của DHL Express nói với CNBC.

Việt Nam được cho là đã củng cố vị thế của mình trong thương mại toàn cầu nhờ tốc độ và quy mô tăng trưởng.

“Sự kết hợp này rất hấp dẫn đối với các đối tác thương mại,” Steve Altman, nhà nghiên cứu cấp cao và giám đốc Sáng kiến của DHL về Toàn cầu hóa tại NYU Stem nói với CNBC. “Điều đó có nghĩa rằng (Việt Nam) có quy mô để theo kịp tốc độ tăng trưởng của họ.”

Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm qua, cao nhất ở châu Á, và đang tiếp tục là nơi thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG